Tin

Kỳ Anh: Giọt nước mắt cô giáo bị cắt hợp đồng sau 12 năm đi dạy

“Mỗi buổi trưa tôi thường có thói quen nằm ru con ngủ, sau đó dậy đi làm. Những lúc như vậy nó cứ hỏi tí nữa mẹ đi dạy không? Nhưng thời gian gần đây, mỗi lần nghe con hỏi khiến tôi cảm thấy đau lòng, buồn và tủi hổ vô cùng”, cô Nguyễn Thị Nga (SN 1978,  Kỳ Xuân, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), giáo viên trường THCS Giang Đồng rơi nước mắt tâm sự trước ngày khai giảng.

Cô là một trong những giáo viên có thâm niên công tác lâu nhất trong số 214 giáo viên bị cắt hợp đồng tại Thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) trước ngày 30.9 tới.

Hành trình dạy hợp đồng

Chúng tôi đến gia đình cô Nguyễn Thị Nga, người có thâm niên công tác giảng dạy tới 12 năm (9 năm hợp đồng trường, 3 năm hợp đồng huyện), nay bị cắt hợp đồng ngay trước ngày khai giảng. Trong khi trường lớp đang rộn ràng chuẩn bị cho buổi lễ chào đón năm học mới thì một mình chị ngồi ủ rũ trong nhà, thậm chí trốn tránh không dám ra ngoài.

Cô Nga vốn là sinh viên ngữ văn của trường Đại Học Vinh. Sau khi ra trường vào năm 2003, chị bắt đầu một hành trình dài xin việc. Trên hành trình đó, cô gặp muôn vàn khó khăn, mồ hôi lẫn nước mắt trên con đường thực hiện ước mơ được đứng trên bục giảng của mình.

Ra trường năm 2003 thì năm 2004 cô về xin dạy hợp đồng ở trường THCS Kỳ Phú, năm 2005 dạy ở trường THCS Kỳ Xuân, từ năm 2006 đến 2010 chị dạy ở trường THCS Kỳ Tiến. Cuối năm 2010 chị lại chuyển sang dạy trường THCS Phong Bắc. Được 1 năm, đến 2011 chị lại quay trở về dạy trường THCS Kỳ Tiến.

hatinh24h thach_ha
Cô Nguyễn Thị Nga, giáo viên dạy văn trường THCS Kỳ Xuân,người có thâm niên 12 năm giảng dạy hợp đồng.

“Không thể kể hết được nỗi khổ sở, vất vả, tủi cực của một giáo viên hợp đồng từng năm một tại trường như tôi. Suốt 9 năm, niềm vui được tới lớp, tới trường cứ kết thúc sau mỗi năm học mang theo một nỗi lo, hụt hẫng kéo dài triền miên từ năm này qua năm khác. Trước thềm mỗi năm học mới, tôi lại phải vác hồ sơ đi trường khác xin việc, và cũng đâu có dễ để được người ta đồng ý… Nhưng trót đã theo nghề, yêu nghề nên dù thế nào tôi cũng phải theo, miễn là mình được tiếp tục đi dạy”, chị ngậm ngùi chia sẻ.

Từ năm 2012, cô bắt đầu được ký hợp đồng lao động với huyện và về dạy ở trường THCS Giang Đồng, 2014 đến nay chị dạy ở trường THCS Kỳ Xuân.

 Việc được ký hợp đồng lao động với huyện thực sự là ngước ngoặt và niềm vui rất lớn, kết thúc chặng đường từng năm mỏi mệt đi xin dạy hợp đồng tại trường.

“Khi đó, mọi người đều vui với niềm vui của tôi. Ai được ký hợp đồng đều có hy vọng lớn, mong chờ một cơ hội được vào biên chế, từ đó ổn định tâm lý, ổn định công việc để có thể yên tâm công tác, tập trung và tâm huyết với nghề hơn nữa. Dù là giáo viên hợp đồng nhưng tôi vẫn được nhà trường tin tưởng giao lớp chủ nhiệm, bồi dưỡng học sinh giỏi, luôn cố gắng hoàn thành mọi công việc được giao”, chị tâm sự.

Cô kể, lúc ra trường với mức lương khoảng 400.000 đến 500.000 ngàn đồng, cuộc sống rất eo hẹp và vất vả. Sau ba năm ký hợp đồng  giảng dạy với huyện mức lương chị nhận được hiện nay là 2.260.000 đồng/tháng.

Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang, chỉ mới được đi dạy ổn định 3 năm thì cuối tháng 4.2015, chị cùng nhiều đồng nghiệp nhận tin “sốc”: bị chấm dứt hoàn toàn hợp đồng.

Cô cho biết: “Chồng cũng là giáo viên, lương không cao. Phải chi tiêu tằn tiện, tiết kiệm lắm mới đủ để xoay sở cuộc sống. Hiện nay gia đình tôi có hai đứa con, một đứa học lớp năm, một đứa mẫu giáo. Đầu năm học mới lại có bao nhiêu khoản, chưa kể chi tiêu gia đình, nay tôi nghỉ dạy, sẽ mất đi một khoản thu nhập nữa, dù không cao nhưng cũng bù thêm để trang trải cuộc sống”.

Vậy khi chính thức bị cắt hợp đồng, chị sẽ làm gì? “Tôi cũng chưa biết phải làm gì. Những người còn trẻ tuổi thì họ có thể đi làm việc này việc khác. Nay tôi đã 12 năm gắn bó với nghề, con cái hai đứa còn nhỏ. Tự dưng mất việc thế này khiến tôi chưa biết xoay sở thế nào. Nếu như bị chấm dứt hẳn, có lẽ tôi sẽ tiếp tục xin đi dạy hợp đồng ở trường nào đó một năm nữa rồi tìm hướng khác. Chứ đi dạy mà biết không còn cơ hội, không có một tia hi vọng nào thì sẽ không thể tâm huyết gắn bó dài lâu hơn được nữa…tôi chỉ hi vọng mình có thâm niên giảng dạy lâu năm, có kinh nghiệm, cũng là con thương bệnh binh thì trong xét tuyển giáo viên sắp tới nếu có sẽ được một sự ưu tiên nào đó”, chị nói.

Và cho đến thời điểm này, chị buộc phải hoàn thành mọi công việc còn lại, tất cả phải xong và kết thúc vào ngày 4.5, ngay một ngày trước ngày khai giảng năm học mới.

Giọt nước mắt trước ngày khai giảng

Tâm sự với chúng tôi, cô liên tục khóc.

Ngày mai khai giảng năm học mới, nhưng chị không còn được tới trường.

Ngay từ buổi sáng mùng 4, ngày cuối cùng cô phải xong mọi việc, mẹ chị năm nay đã hơn 70 tuổi gọi điện hỏi chị: “Ngày mai con có đi khai giảng không?”, “Nghe mẹ gọi hỏi tôi không biết nói thế nào. Mẹ tôi có biết tin là tôi bị cắt hợp đồng, nhưng không biết là sẽ bị chấm dứt hẳn. Cho nên, có lẽ mẹ vẫn gọi hỏi tôi ngày mai có đi khai giảng không với tia hi vọng con mình sẽ được tiếp tục đến trường…”.

Mấy ngày hôm nay chị không dám đi ra ngoài. Ngoài đường, học sinh đi học qua lại, phụ huynh cũng không thấy chị còn đến trường, họ thắc mắc nhiều. Ai không hiểu sẽ nghĩ chắc mình giảng dạy không tốt nên phải nghỉ dạy.

“Vậy cô sẽ làm gì vào ngày khai giảng?”.  “Ngày mai chồng đến trường, hai đứa con cũng đi khai giảng. Chỉ còn mình tôi. Ở nhà nhiều người thấy sẽ thắc mắc sao không đi trường, tôi cũng chưa biết nên làm gì. Có lẽ tôi sẽ tránh về nhà ngoại ở Kỳ Phong, đồng thời cũng để cho tâm trạng khuây khỏa…”.

Cô nhớ lại những khoảng thời gian trước còn đi dạy, và lại nuối tiếc khi không còn được tới trường. “Mỗi buổi trưa tôi thường có thói quen nằm ru con ngủ, sau đó dậy đi làm. Những lúc như vậy nó cứ hỏi tí nữa mẹ đi dạy không? Nhưng thời gian gần đây, mỗi lần nghe con hỏi khiến tôi cảm thấy đau lòng, buồn và tủi hổ vô cùng”, chị đã khóc khi ngĩ về còn.

Những giọt nước mắt đã rơi đúng ngày khai giảng. 214 giáo viên vẫn tiếp tục “kêu cứu”, vẫn luôn hi vọng mình sẽ được tiếp tục với nghề mà mình đã chọn, đặc biệt là những giáo viên có thâm niên như cô Nguyễn Thị Nga.

Cho đến lúc ra về, tôi vẫn không quên được hình ảnh cô giáo dạy văn ngồi ủ rũ trước ngày tựu trường. Trong ngày khai giảng này, mỗi người, nhất là những ai đã và đang làm nghề giáo viên đều không khỏi ngậm ngùi trước lời nuối tiếc của cô: “Tôi nhớ những năm trước, vào những ngày này mình cùng các em và các thầy cô đang tất bật sửa soạn, chuẩn bị cho ngày mai khai giảng, nhưng năm nay thì …không còn được nữa”.

Mai Nguyễn – Hà Vy / Tầm Nhìn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP