Dự án đầu tư

KKT Cầu Treo Hà Tĩnh: Kè gần trăm tỉ chưa nghiệm thu đã hỏng, nguy cơ trôi sông

Tuy mới hoàn thành 80% khối lượng công trình nhưng hệ thống kè sông Ngàn Phố, đoạn qua thị trấn Tây Sơn, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã bộc lộ rõ sự yếu kém về chất lượng: rạn nứt, sụt lún, bong tróc nham nhở… dù công trình này được đầu tư gần cả trăm tỷ đồng.

Chưa hoàn thành đã hỏng, nguy cơ kè trăm tỷ trôi sông!

Công trình Đường và Kè sông Ngàn Phố (đoạn từ cầu Tây Sơn đến xã Sơn Tây) thuộc huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) nằm trong dự án Phát triển Khu kinh tế (KKT) phía Tây của Hà Tĩnh, giai đoạn  2015-2017.

Công trình với vai trò phục vụ giao thông, thủy lợi, kết nối đồng bộ với hệ thống hạ tầng đô thị thị trấn Tây Sơn; thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân được ổn định, an toàn lâu dài trong vùng tuyến đi qua.

hatinh24h
Mặc dù chưa hoàn thành nhưng đã hư hỏng.

Tổng mức đầu tư cho công trình lên tới 79.163.446.000 đồng (trong đó chi phí xây dựng gồm đường và kè: 40.349.067.000 đồng; chi phí quản lý dự án: 735.529.000 đồng; Chi phí đầu tư xây dựng: 2.225.738.000 đồng; Chi phí khác: 860.119.000 đồng; Chi phí GPMT: 16.378.900.000 đồng; Dự phòng phí: 18.614.093.000 đồng), Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư.

Nguồn vốn để thực hiện công trình trích từ Ngân sách Trung ương đầu tư xây dựng hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo; một phần lấy từ ngân sách địa phương và Chủ đầu tư huy động các nguồn khác.

Nhà thầu,  Cty Xây lắp Thành Vinh (trụ sở tại đường Nguyễn Du, TP-Hà Tĩnh) và  Cty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Thành Huy (trụ sở Cẩm Xuyên) liên kết thi công công trình này;  Đơn vị tư vấn khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công xây dựng là Cty CPĐTXD giao thông 5; Phần thẩm định chất lượng thiết kế bản vẽ thi công thuộc về Sở Giao thông vận tải và Sở NN&PTNT Hà Tĩnh

Công trình được thi công vào hồi giữa năm 2015,  nay cơ bản đã hoàn thành 80% khối lương. Riêng hệ thống kè sông đã hoàn thành. Tuyến kè được thiết kế với chiều dài 744m, chạy dọc bờ sông và song song với tuyến đường từ điểm đầu Km0+10,88 đến điểm cuối KM0+753,70;  Cao trình đỉnh kè lấy theo cao trình lề đường thiết kế (+21,11); khóa đỉnh kè bằng dầm BTCT mác M200#; Thân kè có hệ số mái=2; kết cấu mái kè bằng đá hộc lát khan dày 30cm trong khung BTCT mác M200, phía dưới lót đá dăm 2×4 dày 10cm, dưới cùng là lớp vải địa kỹ thuật. Mái kè đoạn từ K0+460 đến K0+590 bố trí cơ rộng 2,0m ở cao trình (+15,03).

Cao trình đỉnh chân kè thay đổi từ cao trình (+11,03) đến cao trình (+17,07). Kết cấu chân kè bằng tường BTCT mác M 200#, hộ chân kè bằng các rọ đá composite trọng lượng 2 tấn/rọ, xếp so le chồng lên nhau có băng rộng 6m.

Công trình trên kè bố trí 4 bậc lên xuống bằng bê tông mác 200; dọc tuyến kè bố trí 4 cống tròn thoát nước. Còn lan can kè được thiết kế bằng thép mạ kẽm (phần này chưa hoàn thành).

Dù chưa nghiệm thu nhưng hệ thống kè bờ sông đã bộc lộ sự yếu kém rõ rệt về chất lượng. Các dầm kè bị nứt nẻ, bong tróc lên nham nhở, dầm chân khay (dầm khóa mái) nhiều đoạn đã bị tách ra. Không những thế, do lực trượt đẩy xuống ở phía dầm khóa mái nên khóa đỉnh kè xuất hiện những vết nứt ở nhiều đoạn.

Nhiều người dân bức xúc trước công trình kém chất lượng.

Theo quan sát, dầm khe lún đáng ra phải có giấy dầu tách biệt nhưng đơn vị thi công đã thực hiện rất hời hợt dẫn đến dầm mái (trên xuống) nơi có khe lún bị xé ra nhìn mất tính mỹ quan. Đặc biết những điểm nối giao nhau giữa dầm mái và dầm giữa trong quá trình thi công do được đổ bởi những lượt bê tông khác nhau nên độ liên kết giữa các dầm rất kém, hàng loạt đoạn giao nhau đã nứt nẻ, thậm chí lòi lên cả thép…

Không những thế, hệ thống mương thoát nước ở 2 bên đường đang trong giai đoạn thi công nhưng cũng đã bộc lộ nhiều yếu kém. Hệ thống cống ngang chống ngập dẫn nước ừ khu dân cư ra bờ sông đã không phát huy tác dụng.

“Do công thoát nước được đặt ở những vị trí không hợp lý nên mưa lớn vẫn ngập như thường” anh Nguyễn Quốc Hùng, người dân địa phương cho biết.

Với sự xuống cấp nhanh chóng của công trình, một kỹ sư ngành xây dựng nhận xét, việc bong tróc, sủi bê tông ở các dầm có thể là do mác bê tông thấp, trong quá trình đổ dầm hông được đầm nén kỹ nên mới xẩy ra. Vết nứt ở các điểm giao nhau giữa dầm mái và dầm giữa có thể là do  kết cấu đai thép ở đó ít hơn hoặc bằng ở những vị trí khác trong dầm nên bị kéo xuống làm nứt bê tông.

Thiếu tránh nhiệm!

Khắc phục tạm bợ

Trước tình trạng xuất hiện những điểm rạn nứt và bong tróc trong của bờ kè đơn vi thi công đã trám lại một cách rất qua quýt.

“Việc khắc phục “tạm bợ” này là do công nhân của đơn vị thi công tự ý làm chứ chưa được sự đồng ý từ chủ đầu tư”, một cán bộ quản lý công trình thuộc Ban quản lý KKT cửa khẩu Cầu Treo cho biết.

Ông Võ Tá Vinh- Giám đốc Cty Xây lắp Thành Vinh lại tỏ ra bất ngờ về trách nhiệm trước công trình do mình thi công: “ Việc nứt nẻ ở công trình tôi chưa nghe kỹ thuật công trình báo lại. Nếu tình trạng trên xẩy ra sẽ sửa lại đúng với chất lượng công trình. Công trình này chưa nghiệm thu nên trách nhiễm đang thuộc về nhà thầu”.

Trước sự việc về chất lượng công trình, ông Hồ Xuân Nhật-Phó Ban quản lý các dự án KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo chỉ cho biết“ Sẽ cho kiểm tra và yêu cầu xử lý.

Trước tình trạng trên dư luận đặt câu hỏi rằng, tại sao một công trình có vai trò rất quan trong, với mưc đầu tư lớn, lại chưa hoàn thành và sát ngay Ban quản lý KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo có những dấu hiệu xuống cấp như thế mà cả đơn vị thi công lẫn chủ đầu tư đều không nắm được?

Phải chăng ở đây có sự “móc nối” nào về lợi ích giữa các bên liên quan; hay “có vấn đề” trong việc lựa chọn nhà thầu; Và đứng sau một nhà thầu có năng lực kém nhưng vẫn nhận được những công trình trăm tỷ đã có người “chống lưng” rất lớn.

Câu hỏi này xin giành cho các đơn vị liên quan!

Một số hình ảnh PV ghi lại tại hiện trường:

(còn tiếp)

Minh Tâm – Quốc Hùng – Thanh Hà

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP