Từ ngày 29/9 – 17/10, Hà Tĩnh và Quảng Bình liên tục gánh chịu hai cơn lũ, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của nhân dân; riêng trận lũ từ ngày 14/10 – 17/10 được đánh giá là chưa từng có trong vòng 100 năm qua.
`Mưa lũ đã gây ngập lụt tất cả 12 huyện, thành, thị ở Hà Tĩnh, trong đó Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ, Cẩm Xuyên là những địa phương bị tảnh hưởng nặng nề với 100% số xã bị ngập sâu. Đến ngày 17/10, Hà Tĩnh đã có 10 người bị thương và mất tích; hồ chứa Khe Mơ (xã Sơn Hàm – Hương Sơn) bị vỡ đập. Thiệt hại do cơn lũ từ ngày 29/9 – 5/10 gây ra là hơn 911 tỷ đồng; riêng trận lũ mới này vẫn chưa thể thống kê được.
Để giảm thiểu đến nhất thiệt hại về người, Hà Tĩnh đã di dời 17 ngàn hộ dân vùng ngập lụt nặng, hạ du các công trình xung yếu đến nơi an toàn, đồng thời tập trung các giải pháp đảm bảo an toàn cho công trình hồ, đập. Tỉnh giao Sở Công thương Hà Tĩnh huy động 30 tấn mỳ tôm, 19 ngàn lít nước uống đóng chai để kịp thời cứu trợ cho nhân dân vùng thiệt hại nặng.
Vỡ đập nước hồ Khe Mơ (Hương Sơn)
Cũng như Hà Tĩnh, hai đợt lũ đã gây ngập lụt 7 huyện và thành phố ở tỉnh Quảng Bình, làm 63 người chết và mất tích; gây thiệt hại trầm trọng về nông nghiệp và dân sinh. Tổng thiệt hại của 2 cơn lũ tại Quảng Bình ước gần 2.400 tỷ đồng (trong đó đợt I là 1.900 tỷ đồng).
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Minh Kỳ kiến nghị với trung ương sớm có chính sách kịp thời hỗ trợ nhân dân vùng lũ. Về lâu dài, Bộ cần có phương án trình Chính phủ hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống đường cứu hộ, cứu nạn; quy hoạch công trình thủy lợi, bố trí vốn cho Dự án sống chung với lũ… Đối với công trình thủy điện Hố Hô, Bộ NN&PTNT cân nhắc, nghiên cứu lại để có phương án hợp lý nhất, nhằm đảm bảo an toàn cho nhân dân vùng hạ du.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Đào Xuân Học chia sẻ với những khó khăn mà nhân dân hai tỉnh, nhất là Hà Tĩnh phải gánh chịu. Về kiến nghị của các tỉnh, Bộ sẽ xem xét để trình Chính phủ các phương án phù hợp, nhất là dự án sống chung với lũ, phương án khắc phục đập Hố Hô… Trước mắt, hai tỉnh cần tập trung ứng kịp thời về lương thực, thực phẩm; ưu tiên khắc phục trường học, cơ sở y tế; quan tâm đến vấn đề vệ sinh môi trường, khử trùng nguồn nước, kiên quyết không để người dân vùng lũ bị đói rét.
Về lâu dài, Thứ trưởng Đào Xuân Học yêu cầu các tỉnh cần có phương án hợp lý trong quản lý, điều hành các hồ chứa, nhất là các hồ đập lớn trên địa bàn và công tác PCLB.
Nguyễn Oanh
Baohatinh