Kinh tế

Kinh tế Hà Tĩnh một năm nhìn lại

Thực hiện kế hoạch năm 2013trong điều kiện khủng hoảng kinh tế toàn cầu, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp; nhưng được sự giúp đỡ của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và các tổ chức quốc tế; cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh; sự nỗ lực của toàn thể nhân dân, các lực lượng vũ trang và cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư nên kinh tế – xã hội Tỉnh nhà năm qua đã vượt qua khó khăn thách thức và có bước tăng trưởng khá.

Kết quả đáng khích lệ nhất của Tỉnh ta trong năm qua đó là kinh tế tăng trưởng nhanh, phát triển theo hướng bền vững, có sự thay đổi về chất. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2011 – 2013 đạt 14,8%, trong đó năm 2011 đạt 11,68%, năm 2012 đạt 13,44%, năm 2013 dự kiến đạt 19,2%. GDP bình quân đầu người năm 2013 đạt 24 triệu đồng. Mục tiêu tái cơ cấu kinh tế bước đầu đạt kết quả tốt, tiếp tục chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng phát triển chiều sâu. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực, lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và thương mại dịch vụ chiếm 81,71%, lĩnh vực nông nghiệp chỉ còn 18,29% trong cơ cấu GDP của tỉnh.

Thực hiện chính sách thắt chặt đầu tư công theo chủ trương chung của Chính phủ, nhưng nguồn vốn từ NSNN dành cho đầu tư phát triển hàng năm trên địa bàn tỉnh vẫn tăng hơn mức bình quân chung cả nước. Tổng vốn đầu tư từ NSNN giai đoạn 2011-2013 đạt 22.537,5 tỷ đồng; trong đó, năm 2013 đạt 10.337,5 tỷ đồng, tăng 4.639,5 tỷ đồng so với năm 2011. Các công trình trọng điểm của các Bộ, ngành đầu tư trên địa bàn như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 8, Quốc lộ 15A tiếp tục được ưu tiên nguồn vốn ngân sách Trung ương và trái phiếu Chính phủ, đảm bảo tiến độ triển khai theo kế hoạch góp phần bổ sung kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội và cải thiện môi trường đầu tư.

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng nhanh, giai đoạn 2011-2013 đạt 12.485 tỷ đồng, tăng 2,4 lần so với giai đoạn 2006-2010; năm 2013 ước đạt trên 5.500 tỷ đồng; trong đó, thu ngân sách nội địa đạt 4.500 tỷ đồng, tăng 58,5% kế hoạch Trung ương giao, tăng 7,9% so với kế hoạch HĐND tỉnh giao, tăng 47,2% so với năm 2012; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 1.000 tỷ đồng, bằng kế hoạch Trung ương và tỉnh giao, tăng 2% so với năm 2012. Hà Tĩnh thuộc nhóm tỉnh có tốc độ tăng thu ngân sách cao, hoàn thành kế hoạch từ tháng 9 năm 2013, trong lúc cả nước dự kiến thu ngân sách không đạt kế hoạch. Cơ cấu nguồn thu ngân sách có chuyển biến tích cực, trong đó thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh chiếm 85,6% tổng thu ngân sách.

Năm 2013, Hà Tĩnh đã tổ chức thành công các hội nghị xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan; Hội nghị giữa kỳ nhóm các nhà tài trợ cho Việt Nam tại Hà Tĩnh. Thông qua các hội nghị đã quảng bá, giới thiệu hình ảnh địa phương và cơ hội đầu tư tại Hà Tĩnh đến với bạn bè, doanh nghiệp quốc tế. Kết thúc mỗi hội nghị đã ký kết được nhiều biên bản thỏa thuận, ghi nhớ về hợp tác đầu tư, thương mại giữa các doanh nghiệp với tỉnh Hà Tĩnh. Trong năm qua, Tỉnh đã đón 101 đoàn với 1.169 lượt khách nước ngoài đến thăm và làm việc tại tỉnh. Tăng cường, mở rộng các hoạt động giao lưu, hữu nghị, hợp tác phát triển với nước ngoài. Thực hiện hoàn thành kế hoạch tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam – Lào. Việc thu hút, quản lý và thực hiện các nguồn vốn đầu tư nước ngoài đạt kết quả khá. Ước cả năm 2013, giá trị thực hiện các dự án ODA đạt trên 722 tỷ đồng, trong đó vốn nước ngoài đạt trên 596 tỷ đồng; giá trị viện trợ các dự án NGO ước đạt trên 100 tỷ đồng.

Về cơ bản, kinh tế Hà Tĩnh năm vừa qua vẫn có nhiều điểm sáng so với tình hình khó khăn chung của kinh tế Việt Nam và thế giới. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn đòi hỏi sự nổ lực hơn nửa của toàn dân và các ban ngành trong Tỉnh. Cụ thể như: sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, hàng hóa quy mô lớn, liên kết với doanh nghiệp đang chiếm tỷ lệ thấp trong sản xuất, một số sản phẩm phát triển chưa bền vững, khả năng cạnh tranh còn thấp; Sản xuất công nghiệp vẫn còn ở quy mô nhỏ, hiệu quả thấp, khả năng cạnh tranh chưa cao. Tiến độ triển khai một số dự án lớn còn chậm như: Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, các dự án bất động sản tại thành phố Hà Tĩnh… làm ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội. Chủng loại hàng hóa xuất khẩu còn đơn điệu, chủ yếu là hàng nông sản và dăm gỗ, chưa tập trung phát triển sản xuất các mặt hàng xuất khẩu có lợi thế như hàng thủy sản, chè, cao su, sản phẩm chế biến sâu từ gỗ rừng trồng…

Để khắc phục những nhược điểm trên không phải là một sớm một chiều. Hy vọng năm 2014, cùng với sự tăng trưởng trở lại của nền kinh tế thế giới cũng như trong nước, Hà Tĩnh sẽ có nhiều cơ hội hơn thực hiện tiếp những công việc còn dang dở, có những giải pháp mang tính đột phá để phát huy năng lực trong tỉnh và khai thác tối đa nguồn lực từ bên ngoài nhằm đạt được các mục tiêu đề ra.

Tác giả ThS Nguyễn Thị Thanh Huyền – Khoa Kinh tế – QTKD

Tài liệu tham khảo:

  1. Báo cáo Kinh tế – Xã hội và đầu tư phát triển năm 2013 – Sở kế hoạch đầu tư Hà Tĩnh, tháng 12 năm 2013
  2. http://www.hatinh.gov.vn/tintucsukien
  3. http://www.dpihatinh.gov.vn/?url=detail&id=1194&language=1
  4. http://www.hatinh.gov.vn/tintucsukien/kinhtexahoi

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP