Tin trong nước

Kinh hoàng hình ảnh phạm nhân “đâm” heroin trong trại giam

“Buồng giam nào cũng có người nghiện và có người bán heroin, có đội 25/30 phạm nhân nghiện nặng. Cứ đóng cửa buồng giam là “đâm”. Bơm tiêm được dùng nhiều lần đến nỗi mờ hết chữ. Kim tiêm cùn trơ thì mài vào đít chén cho sắc rồi lại đâm tiếp…”

Trong trại, chỉ có “trùm” mới đủ tiền hít heroin
Trong trại, chỉ có “trùm” mới đủ tiền hít heroin

Những người vừa hết hạn án tù trở về TP.Vinh (tỉnh Nghệ An) đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về ma túy tồn tại trong các trại giam. Có những phạm nhân mắc nghiện ma túy, khi vào tù không những không cai được mà còn nghiện nặng thêm. Thậm chí, có những phạm nhân khi vào tù chưa “dính” heroin, song đến khi ra tù thì… nghiện nặng. Chúng tôi đã tìm hiểu vấn đề này tại Trại giam số 3 (Tân Kỳ, Nghệ An).

Lời kể của người nhà và phạm nhân

Tại Nhà thăm gặp của Phân trại K1 thuộc Trại giam số 3, bà Nguyễn Thị Th. ở phường Bến Thủy (TP.Vinh) than thở: “Đứa con trai của tui đang bị tù tại đây. Khổ quá chú ạ, nó nhắn tin về xin tiền liên tục, nó có biết ở nhà không dễ kiếm tiền đâu”. Chúng tôi hỏi:

– Nó đi tù, việc gì mà phải xin tiền nhiều thế?

– Tui đoán có lẽ nó mắc nghiện rồi, cần tiền để mua “thuốc”. Tui nghe nói heroin trong trại vẫn được mua bán không khác gì bên ngoài… Tui đau lắm! Trước khi vào trại nó mới chớm nghiện, tưởng vào tù tách khỏi môi trường bên ngoài, ai ngờ lại bị nghiện “oặt” mới khổ!

Một ngày đầu tháng 3/2011, chúng tôi đi cùng anh M. lên thăm người nhà đang thụ án tại Phân trại K2, Trại giam số 3. Sau khi chúng tôi trình “Giấy thăm gặp”, một nữ công an, cán bộ Phòng tiếp dân Phân trại K2 cho biết: “Gặp phạm nhân này hơi khó vì phạm nhân có thời gian nghiện”. Anh M. hỏi: “Nghiện thì lấy “thuốc” đâu để dùng?”. Nữ cán bộ nói: “Trong trại có bán, ít hay nhiều thì không biết”.

Trong khi chờ đợi để gặp người nhà, chúng tôi nghe 4 phạm nhân tự giác (là phạm nhân diện rộng, được làm việc trong khu vực trại, không bị canh gác) rỉ tai nhau chuyện heroin. Tôi hỏi một phạm nhân:

– Trong trại giam làm gì có heroin?

– Nhiều như khoai!

– Ai bán heroin, bán như thế nào?

– Thường các trùm ma túy đang thụ án trong trại đều có hàng bán. Họ có nhiều “chiêu” đưa lọt ma túy vào đây. Một số tay buôn ma túy ở các huyện miền núi Quỳ Châu, Quế Phong cũng học theo, lấy hàng từ ngoài vào bán nhưng chỉ lọt vài lần thì bị bắt vì chưa phải “trùm” nên chưa đủ mánh khóe. Tuy nhiên, trong này heroin bán đắt gấp ba bên ngoài, 100.000 đồng/tép.

– Phạm nhân nghiện trong trại thường chích hay hít?

– Phần nhiều là chích. Chỉ có “trùm” mới đủ tiền hít mà thôi!

– Bơm tiêm ở đâu để dùng cho đủ?

– Chích chung! Hàng chục người chích chung một cái. Người này vừa chích xong, người khác cầm vẩy một cái là chích liền. Vì thế nhiều người ở đây đã bị lây nhiễm HIV.

Phạm nhân này khuyên nếu có người nhà đang chịu án thì đừng nên xin chuyển về trại này, bởi “vào đây là nghiện ngay” và cho biết thêm, một số phạm nhân bắt đầu mắc nghiện sau khi vào trại, như Dũng “mỏ chuột” ở TP.Vinh mới vào vài tháng, lúc đầu “chơi thử cho vui”, giờ nghiện hẳn.

Quá kinh ngạc, chúng tôi hỏi:

– Vậy trong trại thường “chơi” vào giờ nào?

– Có “hàng” lúc nào thì chơi lúc ấy và tùy điều kiện…

Một phạm nhân khác tiếp lời: “Trong trại không thiếu heroin để “phạm” mua bán, đóng cửa buồng là dùng”.

Hàng chục phạm nhân chích chung một bơm tiêm
Hàng chục phạm nhân chích chung một bơm tiêm

Kinh hoàng “đâm” heroin trong buồng giam

Tìm hiểu, được biết: Để có tiền mua heroin, một số phạm nhân nghiện xoay xở đủ cách để xin người thân ở bên ngoài. Có phạm nhân bịa chuyện đã làm cháy ti-vi hoặc làm chập điện phải đền cho trại để xin tiền. Cách xin tiền thông dụng của các phạm nhân là xin cha mẹ, bạn bè gửi cho card điện thoại di động (ĐTDĐ) bằng cách nhắn tin mã số card. Nhận được mã số card, phạm nhân đem bán luôn cho các phạm nhân khác để lấy tiền mua ma túy. Vì thế, người thân ở nhà thắc mắc “Không biết trong tù chúng nó làm cái gì mà dùng điện thoại nhiều hơn cả mình?”.

“Đâm” là từ được phạm nhân sử dụng để chỉ việc chích heroin. Có hai loại “đâm”: Phạm nhân làm ở nhà thì “đâm” ban ngày. Phạm nhân đi làm bên ngoài phải chờ đêm đến mới “đâm”. Heroin được cho vào bơm tiêm hòa nước sôi hoặc nước lã, lắc mấy lắc là “đâm” liền. Bốn, năm người “đâm” chung một bơm tiêm, mỗi người “đâm” một “mắt” (một cc).

Tại TP.Vinh, chúng tôi gặp người có tên là L.T, từng ở Phân trại K1, Trại giam số 3. L.T thuật lại nhiều câu chuyện hết sức kinh hoàng về việc phạm nhân “đâm” heroin trong trại giam này:

– “Buồng giam nào cũng có người nghiện và có người bán heroin, có đội 25/30 phạm nhân nghiện nặng. Cứ đóng cửa buồng giam là “đâm”. Mỗi hội bốn người “đâm” một bơm tiêm, xong thì hội khác lại mượn bơm tiêm “đâm” tiếp. Bơm tiêm được dùng nhiều lần đến nỗi mờ hết chữ. Kim tiêm cùn trơ thì mài vào đít chén cho sắc rồi lại đâm tiếp. Sơn “ca rúc” ở TP.Vinh lúc mới vào trại “hít thử cho biết”, sau nghiện luôn. Chính tôi cũng thế. Tôi vào tù được hai năm thì được các ông có “số má”, “đại ca” trong này chiều chuộng lắm vì các ông rất thích “lính trẻ” nhập cuộc, nên cho chơi rồi nghiện.

Không thiếu phạm nhân ra tù học thêm được cái… tội nghiện. Sau đó không có tiền hít nên phải đi ăn cắp, rồi phạm tội phải vào tù lại. Nhưng cũng có phạm nhân ra tù mua được nhà đàng hoàng vì trong tù buôn bán heroin nên sẵn tiền. ”

Hỏi ma túy vào trại giam bằng cách nào, L.T cho biết: “Có nhiều cách. Một là, anh em và gia đình đưa lên cho các “trùm” ở trong trại để bán. Hai là, do chính phạm nhân mua từ “đầu nậu” ở gần trại bằng cách ban đêm phạm nhân gọi ĐTDĐ hẹn đầu nậu nơi để tiền, nơi giấu hàng, sau đó ngày mai phạm nhân đi làm về là lấy. Ở bên ngoài, 1 “phân” heroin giá 300 nghìn đồng, đưa được vào trại chia thành 2 “phân”, mỗi “phân” bán giá một triệu đồng, lãi gấp sáu lần. Trong trại bán đủ kiểu, từ “tép”, “phân” đến “chỉ”.

L.T cho biết thêm: “Khi còn ở Trại, chính em cũng từng buôn bán heroin ở K1, Trại số 3 suốt mấy năm liền”.

Có nhiều cách đưa ma túy vào trại giam 
Có nhiều cách đưa ma túy vào trại giam 

Ngân hàng đen”

Hai phạm nhân B. và L.T đều khẳng định dù ở trong trại giam nhưng họ dùng ĐTDĐ khá “thoải mái”. Buồng giam của B. gồm hai đội, khoảng 80 phạm nhân, hàng chục người có ĐTDĐ. Đa số phạm nhân sử dụng điện thoại đều có nhu cầu về mua bán heroin hoặc cá độ bóng đá, chơi lô đề. Muốn thực hiện những “dịch vụ” này, đều phải thông qua “ngân hàng đen”.

“Ngân hàng đen” là gì? Để tìm hiểu, chiều 12/3/2011 chúng tôi đến gặp cô N. ở đường Đặng Thái Thân (phường Cửa Nam, TP.Vinh). N. giở cuốn sổ ghi chép tên những người mới gửi, nói tự tin: “Để gửi tiền cho phạm nhân, các anh cứ yên tâm. Nếu gửi cho người ở K1 thì anh khỏi lo. Các anh gửi tiền ở đây, năm phút sau trên kia sẽ nhận được ngay. Còn nếu gửi lên K2 thì để em điện thoại lên trên đó đã. Họ nhất trí là ok ngay”.

“Hệ thống chuyển tiền” cho phạm nhân được bố trí như sau: Sau khi nhận tiền của người nhà phạm nhân ở TP.Vinh, cô N. sẽ báo cho “giao dịch viên” là phạm nhân đang ở trong trại chuyển tiền cho người nhận. “Giao dịch viên” tự trích phí 10% số tiền gửi, gọi là tiền “phế”.

Trước đó, anh M. chuyển vào Trại số 3 cho người nhà là phạm nhân bằng cách khác: Anh M. gọi điện cho bà K. theo số điện thoại mà phạm nhân cho biết, đề nghị gửi tiền. Ít phút sau, bà K. cho người đến tận nhà anh lấy tiền. Ngay sau đó, phạm nhân là người nhà anh M báo tin đã nhận được tiền. Bà K cũng làm như cô N. nhưng thu tiền “phế” 15%. Người ở xa có nhu cầu gửi tiền thì gửi qua tài khoản ngân hàng của bà H., sau đó bà H. sẽ “tổ chức” chuyển tiền như cách làm của cô N.

Điều rất ngạc nhiên là không chỉ có hoạt động chuyển tiền vào trại giam mà còn có chuyển tiền từ trại giam ra để “phục vụ” phạm nhân chơi lô, đề, cá độ bóng đá. Phạm nhân gửi tiền cho “giao dịch viên” và cũng mất một khoản tiền “phế” như khi chuyển vào; “giao dịch viên” liên lạc với những người như cô N., bà K. sẽ mang tiền đến cho chủ đề, chủ cá độ bóng đá.

Đến đây, chúng tôi vẫn chưa biết được khi “giao dịch viên” trong trại hết tiền mặt thì họ sẽ lấy tiền ở đâu và ai sẽ chuyển cho họ để “Ngân hàng đen” tiếp tục hoạt động? Ngày 4/4, khi chúng tôi thực hiện bài viết này thì phạm nhân B. đang ở trong Trại giam số 3, Bộ Công an gọi điện cho anh M. xin một chiếc card Viettel mệnh giá 100.000 đồng. Biết chắc rằng B. sẽ dùng số tiền bán card để mua ma túy, dù rất đau lòng, nhưng anh M. đành phải đáp ứng.

Theo Phương Thành
Pháp luật Việt Nam
 

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP