Thế giới

Khủng hoảng tại Sri Lanka và bóng dáng “chủ nợ” Trung Quốc

Sri Lanka đang trải qua giai đoạn khủng hoảng về kinh tế, chính trị và mối quan hệ của quốc gia này với “chủ nợ” Trung Quốc có thể sẽ thay đổi khi nhà lãnh đạo mới lên nắm quyền.

Cựu Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Colombo, Sri Lanka năm 2014. (Ảnh: China Daily)

Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena gần đây cho biết ông bất ngờ cách chức Thủ tướng Ranil Wickremesinghe một phần bởi vì ông Wickremesinghe thất bại trong việc điều tra một âm mưu ám sát nhằm vào tổng thống. Trong bài phát biểu trước cả nước hôm 27/10, Tổng thống Sirisena khẳng định âm mưu ám sát này là lý do chính dẫn tới việc ông Wickremesinghe bị cách chức và người được chọn để thay thế ông là cựu Tổng thống Mahinda Rajapaksa. Cũng theo nhà lãnh đạo Sri Lanka, một bộ trưởng trong nội các của ông có liên quan tới âm mưu này và các quan chức trong chính quyền đang tìm cách gây sức ép lên cuộc điều tra.

“Liên quan tới các vấn đề chính trị, những rắc rối về kinh tế và cả âm mưu ám sát nhằm vào tôi, lựa chọn duy nhất của tôi lúc này là mời cựu Tổng thống Mahinda Rajapaksa trở lại và bổ nhiệm ông ấy làm thủ tướng để thành lập một chính phủ mới”, Tổng thống Sirisena nói.

Việc cựu Thủ tướng Wickremesinghe bị cách chức là một trong số vụ việc diễn ra trong giai đoạn bất ổn chính trị tại Sri Lanka. Năm ngoái, quốc gia này đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm nhất kể từ năm 2001.

Theo Bloomberg, việc bổ nhiệm ông Rajapaksa vào ghế thủ tướng Sri Lanka có thể là “tin vui” đối với Trung Quốc. Bắc Kinh từng duy trì mối quan hệ gần gũi với Sri Lanka trong suốt 10 năm cầm quyền của cựu Tổng thống Rajapaksa trước khi ông mãn nhiệm vào năm 2015. Tuy nhiên, mối quan hệ với Trung Quốc trong giai đoạn này cũng mang lại những khoản nợ lớn cho Sri Lanka khi nước này cần tiền để phát triển các dự án cơ sở hạ tầng.

Trong khi đó, cựu Thủ tướng Wickremesinghe đã nỗ lực để tái cân bằng quan hệ đối ngoại của Sri Lanka theo hướng tách khỏi Trung Quốc và xích lại gần Ấn Độ, Nhật Bản.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ ngày 28/10 cho biết vẫn theo dõi chặt chẽ các diễn biến chính trị gần đây tại Sri Lanka. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cũng bày tỏ quan điểm tương tự. Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi các đảng phái tôn trọng hiến pháp, tránh bạo lực và hối thúc Tổng thống Sirisena “ngay lập tức mở lại hoạt động của Quốc hội”.

“Trung Quốc lại một lần nữa trở thành niềm hy vọng cuối cùng của Sri Lanka”, Shailesh Kumar, giám đốc châu Á của hãng phân tích rủi ro chính trị Eurasia Group, nhận định, đồng thời phỏng đoán tân Thủ tướng Rajapaksa sẽ mở cửa trở lại với Trung Quốc, cho phép Bắc Kinh rót vốn vào Sri Lanka như trước đây.

“Sự chuyển giao này khẳng định một điều rằng Trung Quốc có thể một lần nữa phủ bóng nền kinh tế của Sri Lanka khi họ có một người bạn trong văn phòng thủ tướng, ngược lại với (cựu thủ tướng) Wickremesinghe”, chuyên gia Kumar nhận định.

Chuyển giao quyền lực

Thủ tướng Ranil Wickremesinghe vừa bị cách chức (Ảnh: AFP)

Tổng thống Sirisena ngày 27/10 đã quyết định tạm đình chỉ hoạt động của Quốc hội Sri Lanka cho tới ngày 16/11 khi cả hai đảng đều đang vận động hành lang các nghị sĩ để nhận được sự ủng hộ. Phát biểu trong cuộc họp báo vào cuối tuần trước, cựu Thủ tướng Wickremesinghe cho biết ông vẫn nhận được sự ủng hộ đa số tại Quốc hội và kêu gọi mở phiên họp đặc biệt của Quốc hội để chứng minh điều đó. Mục đích của ông Wickremesinghe có thể nhằm “lật ngược thế cờ”, chứng minh quyết định cách chức ông của Tổng thống Sirisena là vi phạm hiến pháp.

“Cuộc sống là một cuộc chiến”, ông Wickremesinghe nói với các phóng viên.

Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Sirisena cho biết mâu thuẫn giữa ông với cựu Thủ tướng Wickremesinghe về chính sách, văn hóa, tính cách và hành vi đã làm “trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị” hiện nay tại Sri Lanka. Ông Sirisena kêu gọi 225 thành viên của Quốc hội Sri Lanka thành lập một chính phủ mới.

Trong lúc những ồn ào chính trị chưa kịp lắng xuống, một vệ sĩ của cựu Bộ trưởng Dầu mỏ Sri Lanka Arjuna Ranatunga đã nổ súng vào đám đông những người ủng hộ tân Thủ tướng Mahinda Rajapaksa tại trụ sở của Tập đoàn Xăng dầu nhà nước Ceylon. Một người thiệt mạng và 2 người khác bị thương sau vụ việc này.

Mặc dù có quá khứ gây tranh cãi, song cựu Tổng thống Rajapaksa vẫn là một chính trị gia nhận được nhiều sự ủng hộ tại Sri Lanka. Ông từng dẫn dắt cuộc tấn công cuối cùng nhằm vào phe ly khai thiểu số Tamil, chấm dứt cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài 26 năm tại Sri Lanka vào năm 2009.

Ông Rajapaksa từng nhận rất nhiều khoản vay từ Trung Quốc để rót vốn vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn tại Sri Lanka, bao gồm việc xây dựng một cảng ở nam Hambantota - khu vực bỏ phiếu của ông. Tuy nhiên, do không có khả năng trả nợ, Sri Lanka rốt cuộc đã phải chuyển giao quyền quản lý cảng Hambantota cho một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc trong thời hạn 99 năm. Gần 80% ngân sách của chính quyền Sri Lanka được chi cho việc trả nợ.

Mặc dù các khoản vay đẩy Sri Lanka vào cảnh nợ nần được thực hiện trong thời kỳ của cựu Tổng thống Rajapaksa, song người đã ra quyết định trao cảng Hambantota cho Trung Quốc thuê là cựu Thủ tướng Wickremesinghe và động thái này đã vấp phải sự chỉ trích dữ dội. Theo chiến lược gia Sanjeewa Fernando, ông Wickremesinghe được cho là đã không lãnh đạo nền kinh tế Sri Lanka đi đúng hướng và việc thay thế ông bằng cựu Tổng thống Rajapaksa có thể sẽ nhận được sự ủng hộ từ công chúng.

Tác giả: Thành Đạt

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP