Bỏ qua những tin đồn đoán về việc thương lái Trung Quốc thu gom gỗ sưa từ Việt Nam về để sản xuất biệt dược, tẩm ướp xác…, một đại gia buôn gỗ mỹ nghệ, đồ cổ nổi tiếng của làng Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh) khẳng định: họ mua về để làm đồ mỹ nghệ, đồ thờ cúng.
Sự khan hiếm của loại gỗ này khiến giá trị thương mại của nó đang được xếp ở hàng kỷ lục tính đến thời điểm hiện tại.
Những sản phẩm mỹ nghệ bằng chất liệu gỗ sưa “đắt xắt thành miếng” của ông chủ xưởng gỗ làng nghề Đồng Kỵ.
Trong chiếc tủ kính trưng bày tại cửa hàng của ông chủ làng nghề này có một lô chừng vài chục đồ mỹ nghệ được chạm trổ công phu bằng chất liệu gỗ sưa. Giá mỗi sản phẩm này thấp nhất cũng từ… 2 chỉ vàng trở lên.
Tính sơ sơ, giá trị của chục sản phẩm này lên đến hàng trăm triệu đồng.
Chiếc hộp bút to bằng chiếc ly chạm trổ hoa văn có giá gần 20 triệu đồng.
Bức tượng Phật Bà làm từ gỗ sưa to bằng quả dưa chuột, nặng chừng 200gram được đề giá… 5 triệu đồng; bức tượng Phật Di lặc, thần tài… cao chừng 10cm, nặng vài trăm gram đề giá 15 – 20 triệu đồng/bức.
Bàn tay tài hoa của nghệ nhân làng gỗ Đồng Kỵ đã thổi hồn vào thớ gỗ vô tri, khiến nó trở thành một tác phẩm nghệ thuật khiến người xem như bị… thôi miên.
Cùng với giá trị ngất ngưởng, khan hiếm của gỗ sưa khiến những tác phẩm này càng trở nên vô giá.
Bức tượng Phật to bằng quả dưa chuột được ghi giá tương đương… 2 chỉ vàng.
Không chỉ đắt vì quý hiếm, giá trị mỹ thuật của những “đồ chơi” này cũng khiến không ít người sẵn sàng đánh đổi.
Theo lời của ông chủ này: giá trị một kg gỗ sưa được mua với giá 1 triệu đồng chỉ là một con số… rất nhỏ. Tùy theo kích cỡ của miếng gỗ sưa đó, có tấm được mua với giá cả trăm triệu đồng/kg.
“Một tấm ván bằng gỗ sưa đủ để làm một mặt ghế dài (ghế bố) trong bộ bàn ghế ngồi, chiều rộng 30cm, dài chừng 1.6 mét dư sức đổi lấy một chiếc xế hộp bốn chỗ. Giá trị ngất ngưởng của gỗ sưa như thế chính là nguyên nhân khiến “sưa tặc” luôn rình rập để chặt trộm sưa trong các đình chùa, dù chúng biết hành vi đó vi phạm pháp luật” – ông chủ xưởng gỗ làng nghề Đồng Kỵ – Bùi Văn Kiếm lý giải.
Vì sự đắt đỏ của thứ hàng quý hiếm này, theo anh Kiếm, trong quá trình chế tác, người thợ không “vứt đi đâu tí nào”.
“Những cục, mẩu… bé bằng cổ tay thì tận dụng để chế tác tượng mi-ni; bé hơn nữa thì được tiện tròn để làm vòng tràng hạt; ngay cả như mùn cưa của gỗ sưa cũng được ép để làm các đồ mỹ nghệ, đồ lưu niệm bán cũng được tiền trăm!” – ông Kiếm nói
Theo Vietnamnet