Giáo dục

Không giảm sĩ số, trẻ vẫn phải học chữ trước

Đến khi con chính thức bước vào lớp 1, nhiều phụ huynh hốt hoảng vì không cho con học chữ trước. Lớp học quá đông, cô giáo không thể nào quan tâm để chỉ dạy, uốn nắn cho từng học sinh để có thể giúp trẻ hào hứng với con chữ đầu đời.

Không học trước thì học thêm!

Giữ vững lập trường không cho con học chữ trước, tôn trọng sự phát triển của trẻ, chị Phan Linh Nga, ở Gò Vấp ,TPHCM đang "vật vã" những tuần đầu con đi học. Phần lớn các bạn trong lớp đã đọc viết trôi chảy, con gái chị cùng rất ít bạn giờ mới tập viết từng nét chữ. Cô giáo cũng chia sẻ chân tình với những trường hợp không biết chữ trước, cha mẹ cần hợp tác để kèm cặp con thêm.

Chị Nga ở chung cư, buổi tối, các bé cùng tuổi với con chị thỏa sức vui chơi, trượt patin, có gia đình thì đọc sách cho con, chỉ mất vài phút để xem bài thì mẹ con chị "căng mình" viết chữ. Cháu viết không ra nét, đọc bị nhầm, còn chị cáu gắt, căng thẳng vì bản thân cũng không có chuyên dạy chữ cho con. Hai mẹ con tối nào cũng như đấu vật mà viết không ra hồn vài nét chữ.

Nhiều đứa trẻ phải tăng tốc học thêm vì không học chữ trước khi vào lớp 1. (Ảnh mang tính minh họa)

"Tôi toàn nghe phân tích, chưa học chữ trước các cháu sẽ hứng thú, háo hức. Nhưng hứng thú ở đâu không thấy, để bắt đầu với những con chữ khi các bạn trong lớp đã biết thì căng thẳng, áp lực vô cùng. Lẽ ra giờ này con có thể vui chơi, chạy nhảy, mẹ không phải mệt mỏi đến thế này", chị Nga thẳng thắn.

Chị Nga cho biết, tình hình này, có thể chị sẽ phải thuê gia sư về dạy chữ cho con khi lớp gần 60 em, cô không thể quan tâm đến con mình, còn chị không biết cách dạy.

Thực tế không học chữ trước không nhẹ nhàng như hình dung, mới đây, chị Nguyễn Ngọc Trinh, có con học tiểu học ở Bình Thạnh đã phải nhờ vả cô em gái học Sư phạm qua nhà kèm cặp thêm cho cháu đọc, viết chữ. Chị Trinh từng rất tin tưởng vào quyết định không cho con học chữ trước để nuôi dưỡng ở con sự phấn khích, thích thú với những con chữ đầu tiên.

Thế nhưng, áp vào thực tế thì trật lất. Lớp học đông nghịt, các bạn đã biết hết thì mẹ con chỉ còn nước chạy đua để học kịp chương trình. Đến giờ con chị vẫn ngắc ngứ viết không được, đọc không xong. Giờ chị mới biết, mình không thể kỳ vọng vào cô giáo khi mỗi tiết học chỉ có 35 phút, mà lớp thì có tới 56 em.

"Tôi không áp lực việc học của con nhưng cũng không thể né tránh. Ngày lễ các bạn đi chơi, du lịch, khám phá đó đây, học được bao nhiêu thứ hay ho thì con mình è lưng ra học chữ", chị Trinh bực bội vì mình đã tin vào các lý giải tốt đẹp về việc không nên cho trẻ học chữ trước. Bà mẹ khẳng định: "Đứa sau, chắc chắn tôi cho học trước".

Bệnh... áp lực sĩ số

Nhiều năm qua, Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương chỉ đạo chấm dứt ngay tình trạng dạy chữ trước cho trẻ vào lớp 1. Về lý thuyết, đây là một yêu cầu hợp lý, thế nhưng ngành quên mất ngoài việc yêu cầu, thay đổi suông thì cần có những điều kiện hợp lý cho thầy và trò thực hiện quy định đó.

Cô Nguyễn L.Th., giáo viên tiểu học ở Q. Phú Nhuận, TPHCM cho hay, cô cũng dạy con chữ trước khi vào lớp 1. Tuổi này mới bắt đầu đi học, cháu cần rất nhiều hoạt động như làm quen với trường lớp, bạn bè, cách giao tiếp, xử lý các vấn đề cá nhân... mất quá nhiều thời gian học chữ thì sẽ tước đi nhiều trải nghiệm, học hỏi quý giá của trẻ.

Học sinh trong một lớp của lớp 1 tại Trường tiểu học Hồng Hà, Bình Thạnh, TPHCM xếp hàng dài dằng dặc tập đi vệ sinh, uống nước.

Cô giáo thẳng thắn: "Tôi không hiểu các nhà giáo dục, quản lý nói học chữ trước là trẻ chủ quan, mất hứng thú như thế nào nhưng thực tế các con có thời gian để tìm tòi nhiều vấn đề khác, trẻ tự tin hơn rất nhiều. Con trẻ bắt đầu từ đầu khi vào lớp 1, giáo viên và gia đình phải xác định là sẽ cực hơn".

Nhiều người cho rằng, trẻ học chữ trước vì giáo viên, phụ huynh mắc bệnh thành tích nhưng điều này xuất phát từ thực tế là "bệnh" áp lực sĩ số. Cô Th. cũng phân tích, trên lý thuyết, giáo viên sẽ dạy theo hướng cá thể hóa, chia nhóm học sinh nhưng với lớp học toàn trên 50 em thì... cũng chỉ là nói cho có.

Ông Đỗ Thế Phương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hồng Hà, Q. Bình Thạnh, TPHCM chia sẻ, lớp học đã từ 50 trở lên thì 50 hay 60, 70 em đi nữa cũng như nhau. Giáo viên chỉ có thể dạy theo cách truyền thống, không thể nào dạy theo nhóm, hoạt động nhóm hay áp dụng các phương pháp đổi mới. Chỉ khi nào lớp dưới 40 em thì mới có thể tổ chức hoạt động giáo dục theo hướng cá thể hóa.

Giảm áp lực sĩ số, trả lớp học về đúng điều lệ tiểu học, sĩ số không quá 35 học sinh là việc ngành Giáo dục cần làm để phụ huynh có niềm tin không cho con học chữ trước. Với sĩ số như hiện nay thì chắc chắn mọi kêu gọi, yêu cầu trẻ không học chữ trước sẽ không có hiệu quả mà còn làm cho phụ huynh thêm lúng túng, hoang mang, con trẻ thì vật vã với những con chữ đầu đời.

"Với chương trình học nhanh và sĩ số lớp đông như hiện nay, tôi hoàn toàn đồng tình với việc cho con học chữ trước. Năm ngoái khi con chuẩn bị vào lớp 1, tôi cũng đã cho học trước 2 tháng. Học trước ở đây chỉ là cô giáo hướng dẫn cách ngồi đúng, cách cầm bút, viết vào dòng nào, ô nào, các nét cơ bản cũng như rèn luyện cho con có thói quen ngồi vào bàn học nghiêm túc... chứ không phải nhồi nhét kiến thức hay gây áp lực tâm lý cho con. Vì vậy khi vào học chính thức, con bắt nhịp khá thuận lợi.

Nếu tình hình sĩ số không cải thiện, tôi xác định bé sau cũng sẽ học chữ trước".

Chị Tào Thanh Nga, phụ huynh trường tiểu học Thanh Liệt, Hà Nội

"Bây giờ phụ huynh nào cũng cho con đi học trước, sĩ số lớp học lại đông thì rất cần có sự chuẩn bị trước cho con, nếu không vào lớp trẻ sẽ rất "ngợp". Nhưng quan trọng nhất là phải chuẩn bị đúng cách, có thể mua vở tập tô, viết theo các nét. Nếu học trước với giáo viên thì nên tìm giáo viên tiểu học, tốt nhất là cô dạy lớp 1 để hướng dẫn bé.

Chị Nguyễn Bích Thanh, phụ huynh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, TPHCM

Tác giả: Hoài Nam

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP