Thêm một lần đánh giá giữa học kì
Dự thảo Thông tư ban hành Quy định đánh giá học sinh tiểu học đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa lên mạng xin ý kiến đóng góp rộng rãi của mọi tầng lớp nhân dân và xã hội. Theo đó, thay vì chấm điểm theo cách truyền thống, giáo viên đánh giá học sinh bằng nhận xét, đánh giá định kỳ bằng bài kiểm tra cuối học kì I và cuối năm học.
Chia xẻ về vấn đề này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng cách làm này của Bộ là tốt, cần hoan nghênh. Trong quá trình dạy, giáo viên nhận xét điểm nào yếu, điểm nào tốt của học sinh để khích lệ các em, không tạo căng thẳng cho các em về điểm số, cuối kì cần phải đánh giá bằng thang điểm một số môn học.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng nên có thêm một lần kiểm tra giữa học kì. Ảnh: Hồng Nhung |
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cũng cho rằng, nhiều môn học có thể đánh giá thường xuyên bằng nhận xét và ghi vào sổ liên lạc với gia đình hàng tháng. Riêng đối với các môn Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ thì không nên đợi đến cuối kì và cuối năm học mới đánh giá cho điểm mà cần có đánh giá giữa kì để phụ huynh và học sinh nhận biết trình độ và sự tiến bộ trong năm học.
PGS Nhĩ lấy thí dụ tại đất nước Singapore: “Họ thiết kế nhiều đợt đánh giá, có thể trong 1 học kì có 2 – 3 đợt đánh giá một số môn cơ bản bằng điểm số, sau đó cuối kì tổng hợp lại. Thang điểm cho mỗi lần đánh giá là 50 điểm. Trẻ con được 30 điểm thì buồn, 40 điểm thì hài lòng, còn được 48 – 50 điểm thì cười và phấn khởi.
Do đó, khi thực hiện đại trà đánh giá học sinh theo tinh thần dự thảo Thông tư ban hành Quy định đánh giá học sinh tiểu học tại Việt Nam của Bộ Giáo dục & Đào tạo, PGS Nhĩ đưa ra ý kiến rằng nên có thêm một lần kiểm tra giữa học kì.
“Một học kì có 4 tháng khá dài, do đó giữa kì nên có thêm một lần kiểm tra giữa kì. Việc đánh giá giữa kì không chỉ thúc đẩy học sinh cố gắng, mà về tâm lý phụ huynh cũng rất mong được biết đối với những môn học cơ bản, con mình đang ở thang bậc nào” – PGS Nhĩ đề xuất ý kiến.
Đối với môn Ngoại ngữ, hiện nay Bộ GD&ĐT cho dạy ngoại ngữ từ lớp 3 trở lên, PGS.TS Nhĩ cho rằng nên dạy Tiếng Anh ngay từ lớp 1, lớp 2. Bởi vì ở độ tuổi này các cháu học Tiếng Anh rất nhanh, thêm vào đó hiện nay trình độ tiếng Anh của chúng ta còn kém trong khu vực. Tại Hội nghị tổng kết năm học 2013-2014 của Bộ Giáo dục & Đào tạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có nêu tầm quan trọng của môn Tiếng Anh cũng không kém gì so với các môn Toán, Tiếng Việt.
Thay đổi cách họp phụ huynh
Với việc mỗi lớp học ở thành phố thường có từ 50-60 học sinh, theo PGS Nhĩ chia sẻ đây sẽ là trở ngại cho cách đánh giá này. Ngoài ra, cách làm này sẽ đòi hỏi cường độ làm việc của giáo viên rất nhiều. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh thêm “tuy trở ngại nhưng không được ngại”. Theo Điều lệ Trường tiểu học của Bộ GD&ĐT, mỗi lớp học không quá 35 học sinh. Nếu các nhà trường phấn đấu theo đúng sĩ số như vậy, hoặc giảm còn 25-30 học sinh một lớp thì giáo viên có thể theo dõi, đánh giá sát sao, kịp thời cho học sinh.
PGS Nhĩ cũng đưa ra ý kiến: “Cần phải thay đổi cách họp phụ huynh, hiện nay các nhà trường thường họp chung tất cả các phụ huynh cùng một lúc. Thầy cô giáo không cần phải theo dõi sát sao từng học sinh mà chỉ cần nêu một số ưu điểm, một số thiếu sót chung chung, đôi khi thầy cô giáo nhận xét học sinh này học giỏi, học sinh kia học kém dẫn đến tâm lý không vui đối với phụ huynh có con học chưa tốt bằng các bạn”.
Do đó, nên tổ chức các cuộc họp phụ huynh theo hình thức giáo viên họp với từng phụ huynh. Như ở một số nước, giáo viên dành 15 phút trao đổi với từng phụ huynh. Việc gặp riêng giữa giáo viên và phụ huynh trong một khoảng thời gian nhất định sẽ rất tốt. Lúc này, giáo viên có thể trao đổi, đánh giá, nhận xét những ưu khuyết điểm của học sinh với phụ huynh cụ thể và chi tiết, đồng thời cũng có thể cùng tìm giải pháp phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong việc giáo dục học sinh.
Với việc Bộ GD&ĐT định tiến hành cách đánh giá này ngay trong năm học 2014-2015, theo PGS Nhĩ : nếu Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để triển khai quy định đánh giá này ở tất cả các trường trong cả nước thì rất đáng hoan nghênh, còn nếu chưa chuẩn bị được thì Bộ GD&ĐT nên tiến hành từng bước, rồi mở rộng dần ra như vết dầu loang. Bộ cần đưa ra các điều kiện, tiêu chí, yêu cầu cụ thể để các trường dễ dàng thực hiện. Cựu thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng cho rằng với cách đánh giá này cũng không tránh khỏi tiêu cực, tuy nhiên nếu đánh giá có tiêu cực từ 5-7% thì điều chỉnh dần dần.
Về việc này, PGS Nhĩ đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của người giáo viên: vấn đề là ở người giáo viên phải có trình độ, đạo đức, tư cách người thầy. Nếu người thầy toàn tâm toàn ý vì học trò, theo tinh thần tất cả vì học sinh thân yêu thì rất tốt, nhưng cũng không loại trừ trong đội ngũ giáo viên hiện nay có những người trình độ kém, đạo đức chưa tốt, đôi khi có thành kiến với học sinh thì sẽ dẫn đến tiêu cực. Tuy nhiên, chúng ta cần phải tin vào tập thể giáo viên, vào nhà trường sẽ giúp đỡ lẫn nhau, chỉ đạo để thực hiện tốt cách làm này.
Thay đổi cách đánh giá học sinh tiểu học là một bước trong vấn đề đổi mới giáo dục. Cách đánh giá trước mang tính áp đặt nặng nề, còn với cách đánh giá mới theo tinh thần dự thảo Thông tư của Bộ GD&ĐT sẽ mang tính khích lệ cao.
Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức soạn thảo Thông tư ban hành Quy định Đánh giá học sinh tiểu học để thay thế Thông tư số 32/2009/TT-BGDĐT ngày 27/10/2009 ban hành Quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học.
Theo dự thảo, đánh giá học sinh bao gồm đánh giá thường xuyên và đánh giá định kì. Giáo viên đánh giá thường xuyên sẽ không sử dụng phương thức cho điểm, mà thay bằng nhận xét trực tiếp bằng lời hoặc viết nhận xét vào phiếu, vở của học sinh. Đánh giá định kì bằng bài kiểm tra cuối học kì I và cuối năm theo thang điểm 10.
Việc không cho điểm và tăng cường nhận xét trong đánh giá đối với học sinh lớp 1 thực hiên từ năm học trước, GD&ĐT dự kiến năm học 2014-2015 Bộ sẽ triển khai đổi mới đánh giá đối với học sinh tiểu học từ lớp 1 đến lớp 5.