Mới đây, lực lượng liên ngành huyện Đức Thọ đã bắt quả tang và tiến hành xử phạt hành chính 6 chủ tàu hút cát trái phép trên các sông thuộc địa bàn Đức Thọ. Nếu theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 37, Nghị định 142 năm 2013 với khối lượng khoáng sản khai thác 5m3/ngày sẽ phạt tiền từ 3 triệu đồng – 5 triệu đồng.
Lực lượng liên ngành Đức Thọ bắt giữ tàu khai thác cát trái phép |
Tuy nhiên theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 44 của Nghị định 33 năm 2017 mức phạt tiền chỉ từ 1 triệu – 3 triệu đồng đối với hành vi khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường có khối lượng khai thác đến dưới 10m3.
Tương tự như vậy, so với Nghị định 142 năm 2013 các điều khoản khác trong Nghị định 33 năm 2017 cũng giảm số tiền và tăng khối lượng. Ngay việc quy định chỉ đượctịch thu toàn bộ tang vật, khối lượng khoáng sản; tịch thu phương tiện khi phát hiện có khối lượng khoáng sản trên 50m3 trở lên và số tiền phạt từ 100.000.000 đồng – 200.000.000 đồng cũng gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng khi bắt giữ, xử lý các trường hợp khai thác cát trái phép.
Khai thác cát trái phép đã làm mất đi nhiều diện tích canh tác của người dân |
Đức Thọ là địa phương vào cuộc quyết liệt trong xử lý các đối tượng khai thác cát trái phép. Theo đó, từ đầu năm đến nay lượng lượng liên ngành của huyện Đức Thọ đã phát hiện, bắt và xử lý 30 trường hợp, phạt tiền trên 100 triệu đồng.
Tuy nhiên với địa hình có nhiều sông chảy qua lại giáp ranh với các địa phương khác, trong khi các chế tài không đủ sức răn đe dẫn tới nạn khai thác cát trái phép vẫn tiếp tục tái diễn.
Với siêu lợi nhuận từ khai thác cát trái phép mang lại, các đối tượng sẵn sàng chịu phạt để tiếp tục khai thác. Do đó, vấn nạn khai thác cát trái phép ở các dòng sông vẫn diễn ra khá phức tạp.
Tác giả: Văn Sơn
Nguồn tin: Truyền hình Hà Tĩnh