Ngày càng có nhiều vụ hiếp dâm trẻ em mà nạn nhân – những bé gái còn rất nhỏ tuổi – lại là người chủ động làm chuyện người lớn. Những vụ án kiểu này khiến người lớn phải giật mình.
Dĩ nhiên trong các vụ án kiểu này, tòa không xem xét đến lỗi của phía nạn nhân – những bé gái đang trong tuổi ăn, tuổi học. Bởi các em còn quá nhỏ, chưa đủ hiểu biết để ý thức được việc mình làm, chưa lường hết mọi hậu quả do hành vi mình mang lại. Nhưng ở góc độ xã hội, có lẽ đây là điều mà các bậc phụ huynh cần phải suy ngẫm, nhất những bậc cha mẹ có con đang ngấp nghé tuổi dậy thì.
Cả hai đều bồng bột
Ngày 30-7, TAND TP.HCM xử sơ thẩm đã tuyên phạt Võ Phước Vinh ba năm tù treo về tội hiếp dâm trẻ em. Bị cáo Vinh bị truy tố theo khoản 4 Điều 112 BLHS, khung hình phạt từ 12-20 năm, chung thân hoặc tử hình. Bị cáo phạm tội khi mới bước qua tuổi 14, tuổi theo luật bắt đầu phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng. Vì vậy tại tòa, VKS đề nghị chỉ xử phạt bị cáo từ bốn đến năm năm tù. HĐXX xét bị cáo nhỏ tuổi, nhân thân tốt, đang đi học và được gia đình nạn nhân bãi nại… nên tuyên phạt Vinh mức án trên.
Quay ngược lại thời điểm xảy vụ án, Vinh và em H. là bạn học cùng trường cấp hai ở quận 9. Vinh học lớp 8, hơn em H. một lớp. Quá trình đi chơi chung với nhóm bạn cùng trường, cả hai nảy sinh tình cảm. Từ đó, em H. hay đến chỗ Vinh ở trọ chơi. Sáng 4-9-2012, H. mặc đồng phục học sinh đến phòng trọ của Vinh rồi thay đồ đi chơi cùng nhóm bạn. Sau buổi đi chơi, Vinh và H. về phòng trọ nghỉ. Khi không có ai ở cùng, cả hai nảy sinh ý định và đã cùng nhau làm chuyện người lớn.
Đến tối, H. ra về nhưng không dám về nhà nên đi chơi lang thang, đến sáng hôm sau lại đến phòng trọ của Vinh chơi. Sau đó, mẹ H. đến tìm và em kể lại chuyện quan hệ này, thế là mẹ em tố cáo đến công an. Quá trình điều tra, gia đình nạn nhân không yêu cầu bồi thường mà còn có đơn xin bãi nại cho Vinh vì cho rằng Vinh phạm tội do tuổi nhỏ bồng bột.
“Thể hiện tình yêu là phải thế” (!)
Một vụ hiếp dâm và giao cấu với trẻ em mà TAND TP.HCM sắp đưa ra xét xử:
Khoảng tháng 10-2007, Đặng Thành Lộc (khi ấy mới hơn 14 tuổi) và cháu V. (lúc ấy chưa đủ 12 tuổi) quen biết rồi yêu nhau. Được hơn hai tháng, để thể hiện tình yêu với bạn trai, em V. đã nhiều lần chủ động “cho” tại phòng của Lộc. Đến cuối tháng 10-2009, Lộc và V. chia tay nhau vì V. có… bạn trai mới (tên là Nguyễn Quốc Trung, lúc này đang đi nghĩa vụ quân sự). Đến cuối tháng 7-2010, Trung xuất ngũ và nhiều lần có quan hệ với V. tại nhà Trung và khách sạn.
Ngày 15-4-2011, mẹ Trung đến Công an quận 9 trình báo việc Trung đưa bạn gái chưa đủ tuổi thành niên về nhà. Bà mẹ có ngờ đâu việc trình báo này đã đưa con mình vào vòng tù tội. Bởi sau đó, VKSND TP.HCM đã truy tố Lộc tội hiếp dâm trẻ em và Trung tội giao cấu trẻ em.
Tại phiên tòa sơ thẩm tháng 9-2012, mẹ em V. cho biết sau khi sinh V. được mấy tháng mới làm giấy khai sinh cho con. Do đó, HĐXX đã hoãn xử để điều tra bổ sung, làm rõ tuổi của bị hại nhằm xác định tội danh chính xác đối với Lộc. (Nếu tại thời điểm quan hệ, V. chưa đủ 13 tuổi thì Lộc bị tội hiếp dâm trẻ em, nếu V. đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi thì Lộc bị tội giao cấu với trẻ em, nhẹ hơn tội hiếp dâm).
Có thể thấy trong hai vụ trên, những bé gái – nạn nhân của vụ án, là người chẳng những đồng ý mà còn chủ động trong chuyện làm người lớn. Không ít phiên tòa có bé gái (trong dáng phổng phao y chang người lớn) khai rất hồn nhiên, vô tư rằng đã yêu thì phải thể hiện và dâng hiến, đâu biết làm vậy là (bạn trai) có tội… Nghe những suy nghĩ ngây ngô, trẻ con như vậy, nhiều thẩm phán đã phải vừa nén cười, vừa giật mình, xót xa và thương cảm.
Nên quan tâm nhiều hơn đến con cái
Lẽ tất nhiên, pháp luật luôn bảo vệ sự phát triển bình thường về thể chất và tâm hồn của các em nên phải xử lý những bị cáo. Nhưng ở góc độ người lớn, rõ ràng phụ huynh các em dường như đã thiếu sự quan tâm, gần gũi và giáo dục, nhất là giáo dục giới tính cho các em. Trong khi ở độ tuổi này, từ tác động của phim ảnh, Internet, các em thường có xu hướng tò mò, muốn bắt chước chuyện người lớn. Với sự thiếu hiểu biết, chưa làm chủ được cảm xúc và chưa lường hết hậu quả mang lại, các em rất dễ sa ngã khi có điều kiện.
Như trong vụ án đầu, nếu em H. không thường xuyên qua phòng trọ của bị cáo thì có lẽ mọi chuyện đã không xảy ra. Còn trong vụ án thứ hai, nếu nạn nhân V. được gia đình gần gũi, được người mẹ thường xuyên tỉ tê tâm sự để hướng dẫn, chia sẻ và định hướng cảm xúc cho em thì có lẽ em đã không chủ động thể hiện tình cảm quá mức và quá sớm như vậy.
Một nữ thẩm phán tâm sự: “Xử nhiều vụ như thế này tôi phải giật mình và cố sắp xếp thời gian để gần gũi con cái mình nhiều hơn. Nhưng đó chỉ là kinh nghiệm áp dụng cho cá nhân, báo chí nên tuyên truyền để các phụ huynh để tâm đến con cái mình nhiều hơn nữa…”.
Hôm sau, về nhà được một lúc, em M. lại tìm Tín, cả hai lại thuê phòng nghỉ. Đến tối, cha mẹ M. phát hiện và báo công an. Xử sơ thẩm, TAND huyện Cần Giờ nhận thấy bị cáo thành khẩn nhận tội và có nhiều tình tiết giảm nhẹ khác nên chỉ phạt một năm tù. Tuy nhiên, Tín lại kháng cáo kêu oan và cho rằng mình chưa hề quan hệ với em M. Phần em M. cũng có bản tường trình rằng cả hai chỉ thuê phòng để nghỉ ngơi, nói chuyện, chơi game chứ không có làm chuyện ấy. Giải thích về kết luận giám định (màng trinh có vết rách cũ), M. khai “một lần trong giờ học thể dục tập nhảy bị trượt chân té nên bị thế”…
HOÀNG YẾN
PLTP