Minh họa: Văn Nguyễn |
Mải bám sát theo dòng ‘còm men’ của đám bạn bình luận về tình hình thời sự nóng hổi, những diễn biến gay cấn của một vụ án lớn đang xét xử, hết ông nọ quăng câu này đến ông kia quăng câu khác, câu nào cũng muốn chứng tỏ là sâu cay hơn, sắc bén hơn, anh Lễ bỏ qua mấy cuộc gọi đến từ một số lạ, để rồi lúc sáu giờ chiều, anh thấy vợ hầm hầm phóng xe vào sân nhà, đằng sau chở thằng cu con mặt nhòe nhoẹt nước mắt. Chưa kịp hỏi vì sao vợ không đi học thêm ở lớp tại chức như những thứ sáu bình thường khác, anh Lễ đã sực nhận ra lỗi lầm tai hại của mình. Anh đã quên đón con ở trường mầm non! Số điện thoại anh bỏ qua là số của cô giáo, do anh không lưu, và mải “chém gió” nên đã không nghe. Cô đành gọi cho mẹ bé, nhưng vợ anh tắt máy vì đang ở trong lớp, mãi đến giờ nghỉ giải lao bật lên mới nhận được tin nhắn của cô và hối hả bỏ dở buổi học chạy về… Đây cũng không phải sơ suất hiếm hoi của anh Lễ, kể từ khi anh có đến hơn một ngàn bạn bè trên Facebook và nghiện “cập nhật” nó mọi lúc mọi nơi. Từ điểm báo, bàn chuyện kinh tế, chính trị đại sự trong nước và quốc tế, đến cữ cà phê sáng, đĩa cơm trưa, like bạn bè, động viên người này, lịch sự với người kia, phê phán người nọ, tất tật mọi chuyện xảy ra trong văn phòng từ sáng đến chiều được anh Lễ cập nhật đầy đủ. Thế nhưng vợ dặn nộp tiền điện, đi đóng dấu hộ cái hộ khẩu photocopy, hay ghé bà dì lấy thùng sữa cho thằng cu con… anh toàn quên. Sáng, “đợi bố coi nốt cái “còm” này cái”, thế là tiêu 10 phút, thằng bé đến trường mà gói thuốc ho mẹ dặn bố mang theo đưa cô cho bé uống trong ngày lại bị quên ở nhà. Chiều, nhiều lúc vợ tất bật cơm nước, tắm cho con, dọn nhà cửa… thì anh chẳng làm gì ngoài việc ôm lấy điện thoại. Có hôm thằng bé ốm, ăn ói ra, vợ vừa lo lắng hốt hoảng vừa quýnh quáng tìm khăn, tìm nước, dỗ con…; anh vẫn “chụp” và post những dòng… chia sẻ thống thiết với cái sự vất vả của vợ! Còn Hương – một “bà mẹ nghiện phây” khác thì lại khiến chồng phát bực khi dần dần cô chuyển giao hết “quyền lợi và nghĩa vụ” cho bà giúp việc, từ chăm con, nấu ăn, dọn dẹp đến những việc quan trọng hơn như đi họp phụ huynh cho con, đi thăm người thân ốm… Lúc nào cô cũng kè kè điện thoại bên mình, chỉ để đưa lên “phây” mọi hoạt động của cô, mà những hoạt động ấy được đóng khung trong việc xây dựng hình ảnh một phụ nữ xinh đẹp, cao sang, thông thái. “Trên” đó, những món ăn của cô phải là những món sang nhất, những quán cà phê phải là xịn nhất; những món thời trang sành điệu nhất; những triết lý cao siêu nhất (về đạo đức, lối sống, lòng nhân ái…). Một ngày đẹp trời, qua Facbook của một người bạn, chồng Hương tá hỏa khi thấy trang cá nhân của vợ, trong đó một nửa những gì vợ khoe chỉ là… bịa và chắp vá từ sự thật bên ngoài. Chẳng có ai tặng quà cho cô, cũng chẳng có chuyện gia đình nhà chồng sắp đi Mỹ định cư, cũng không có chuyện cô toàn được khách hàng mời đi dự tiệc… Cùng lúc đó, chồng Hương nhận ra gần tết rồi mà nhà cửa vẫn nhếch nhác, bừa bộn, con bé thi học kỳ I điểm sa sút… Làm sao tiết giảm, làm sao để Facebook đừng “sống thay” cuộc sống thật của gia đình, chắc cũng phải tốn nhiều phen… sóng gió. Đỗ Hoàng/Tinnong