Hẳn bạn đọc vẫn chưa quên vụ đắm đò tại bến đò Cà Tang (Quảng Nam) xảy ra hồi tháng 5/2003 làm chết 18 em học sinh. Nỗi đau ấy được “nhắc lại” trong vụ lật đò tại bến đò Chôm Lôm (Nghệ An) sáng 7/10/2006, cướp đi sinh mạng của 19 em học sinh khi đang trên đường đến trường.
Mang theo những nỗi niềm trăn trở, vượt hàng trăm cây số, chúng tôi tìm về xã miền núi Phương Mỹ (Hương Khê-Hà Tĩnh). Để kiếm cho mình cái chữ, hàng trăm em học sinh mẫu giáo, cấp 1 và cấp 2 hàng ngày vẫn phải lụy đò vượt qua dòng sông Ngàn Sâu, để tới trường.
Chúng tôi có mặt ở bến đò Chợ Hôm vào khoảng 6h sáng, sau khi đã đánh vật với con đường ngoằn ngèo trong cái khí hậu khắc nghiệt của miền Trung. Bầu trời như tối hơn bởi màn sương nặng trĩu càng làm cho con đường dài hun hút. Trong màn sương mờ mờ , ảo ảo ấy, chiếc đò xuất hiện, từ từ tiến vào bờ. Như thường ngày, không còn lạ lẫm khi chiếc đò ấy đầy ắp những em học sinh mặc trên mình đồng phục của trường xã. Màn sương dày khiến chúng tôi không nhìn rõ mặt các em ở xa, nhưng vẫn nghe rõ những tiếng cười nói của các em lẫn với tiếng sóng vỗ oàm oạp vào bờ.
Trong không gian và thời gian ấy, khi mà những bạn cùng trang lứa được sống ở bên này sông, có thể nằm thêm một chút trong chăn ấm, thì những học sinh ở “ngăn sông cách đò” kia lại phải dậy sớm hơn rất nhiều.
Đã 7h 15 phút sáng nhưng vẫn có rất nhiều các em học sinh đứng chờ đò sang sông đi học. Những đôi mắt trên khuôn mặt hồn nhiên ấy đã từ lâu nhuộm màu lo lắng, ngóng trông. Lo muộn học , lo không tiếp thu bài vở được như các bạn cùng lớp. Các em chỉ biết đứng nhìn, đưa ánh mắt đến bờ bên kia và ước ao “Giá như có một cây cầu”.
Trong lúc trò chuyện với một số người dân trong xã chúng tôi được biết, đã bao đời nay họ bị chia cắt bởi con sông Ngàn Sâu, cảnh người dân không đi làm được hay cảnh học sinh không đến được trường ở đây diễn ra thường xuyên. Ông Cao Xuân Hùng, người chèo đò ở bến Chợ Hôm và một số người sống ở đây cho biết: “chỗ sâu nhất của dòng sông trong mùa lũ lên, là từ 17đến 19m. Dòng nước chảy xiết, có thể cuốn trôi tất cả mọi vật trên đường nó đi qua. Trước đây đã có nhiều tai nạn thảm thương xảy ra như chìm đò có nhiều người chết, người xấu số bị nước cuốn trôi, lật thuyền, mất hàng hóa, nhiều em học sinh khi đang chèo đò sang sông đò bị lật trôi hết đồ đạc. Mới cách đây mấy hôm lúc tôi đang quay trở đò, các cháu chen chúc nhau lên đò, không may có hai cháu rơi xuống bị nước cuốn trôi, may lúc đó có mấy thanh niên đang chờ đò, bơi ra cứu, nên còn kịp”.
Học sinh muốn đến trường phải qua con sông này
Tâm sự với chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Quân, chủ tịch UBND xã cho biết “Đây là thời điểm nước cạn, chứ các anh chị lên cách đây một tuần sẽ thấy được sự hung dữ của dòng sông. Dòng nước chảy xiết, cuồn cuộn. Đò không dám chống, học sinh, người dân sống bên kia sông không sang được. Mùa nước cạn, mặt sông chỉ rộng chừng 130 mét; nhưng khi nước lên, sông rộng hơn 200 mét. Về mùa lũ, nước lúc nào cũng đầy lên tận khu dân cư”. Nhìn dọc bên bờ sông thấy những thân cây và hàng cột điện con in rõ dấu vết của đợt nước lũ vừa qua.
Xã Phương Mỹ với diện tích tự nhiên là 4.928.60ha xã, thuộc vùng 135, nên cuộc sống của người dân còn vô cùng khó khăn. Những cố gắng của nhà trường, chính quyền và nhân dân nơi đây cũng chỉ là sự khắc phục khó khăn. Chúng tôi hiểu, chặng đường nối “hai bờ văn hóa” vẫn còn dài và đó vẫn chỉ là ước mơ của hàng nghìn người dân nơi đây, họ cần sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, nhằm khắc phục những cách trở của con sông.
Mơ lắm một cây cầu
Đôi bờ cách trở, hệ lụy đủ điều mà bao đời nay thầy, trò và người dân xã Phương Mỹ phải gánh chịu. Cứ trời mưa, nước từ thượng nguồn đổ về là mọi sinh hoạt thường ngày của người dân đều thay đổi 180 độ, các em học sinh phải nghỉ học bởi không thể chống đò.
Tan trường, học sinh ùa ra bờ sông đứng đợi đò, hàng trăm em xếp thành hàng, chen lẫn xô đẩy nhau. Chỉ mong sao mình sớm được sang sông về nhà. Đã gần 12 giờ trưa, nhưng trên khuôn mặt các em vẫn là những nụ cười; các em vẫn đùa nghịch vui vẻ, và hình như đó là điều mà các em đã quá quen rồi?
Được biết, nhà trường, chính quyền xã, linh mục nhà thờ cùng nhân dân đã quyên góp làm cây cầu phao nổi bằng thùng phi không tay vịn, nhưng cứ mưa đến là không đi được. Hiện nay chính quyền xã cử ông Cao Xuân Hùng, ngày ngày chống đò ở bến Chợ Hôm, mỗi tháng xã trợ cấp cho ông hơn một triệu đồng, ngoài ra được thu thêm tiền đò của khách lạ (trừ người trong xã ).
Trong lúc đi đó, khi được chúng tôi hỏi về vấn đề này, cô Hằng – giáo viên trường mầm non Phương Mỹ, đưa ánh mắt buồn về bên kia, tâm sự: “Các thầy cô ở đây, ngày hai lần qua đò sang sông đi dạy. Có hôm dạy cả ngày thì phải ở lại, vì nếu đi về, nhà xa, lỡ đò lại muộn giờ đứng lớp. Ngày nắng còn đỡ, chứ ngày mưa, đường trơn nước lại lên, dắt được xe xuống, lên đò là cả một vấn đề. Thầy cô nào ở gần đây thì còn may mắn, chứ có những cô, thầy nhà ở xa, đi đò qua sông ngày mưa gió thì cũng thật là khổ”.
Giao thông là “mạch máu” để phát triến kinh tế, xã hội, nó được xếp ở vị trí thứ 2 trong 4 yếu tố quan trọng của hạ tầng kiến trúc. Khi “mạch máu” giao thông ấy đứt gẫy, không chỉ giao thông ngưng trệ mà nó còn làm cho những lĩnh vực khác của đời sống nhân dân ảnh hưởng theo. Cụ thể ở xã Phương Mỹ này là: Việc vận chuyển lúa, hoa màu có khi phải mất cả ngày; phải bỏ từng bó nhỏ chở qua sông,…chưa kể việc thường như cơm bữa là lật đò, dẫn đến mất hoặc ướt sản phẩm.
Những khó khăn trên làm cho sự phát triển kinh tế, văn hóa trong xã không đều nhau. Đặc biệt hơn là vào mùa lũ, đò, mảng không chống sang sông được, nên các thôn bên kia sông người dân bị cô lập hoàn toàn.
Ông Nguyễn Văn Việt, Phó chủ tịch huyện Hương Khê cho biết: “ Cây cầu qua sông Ngàn Sâu thuộc xã phương Mỹ không những là cầu dân sinh, mà nó đồng thời là cây cầu cứu hộ, cứu nạn vào trung tâm xã Phương Mỹ trong mùa lũ. Phương Mỹ là xã vùng sâu đặc biệt khó khăn, hàng năm phải bỏ ra nguồn kinh phí lớn để phục vụ việc đi lại cho người dân là rất khó. Khi mùa lũ đang cận kề, thì bến đò Chợ Hôm là nơi nguy cơ xẩy ra tai nạn là rất lớn, vì đây là đầu mối giao thông quan trọng có hàng nghìn người qua lại mỗi ngày. Chính quyền, người dân sở tại tha thiết mong sự quan tâm các cơ quan quản lý khẩn trương thi công…”
Hiện nay xã không những có các thôn bên kia sang sản xuất hoa màu phải vận chuyển sang sông, còn các làng Mỹ Thượng, Mỹ Trung, Mỹ Hạ trồng lúa bên kia sông với diện tích 50ha đạt năng suất cao. Nhưng do việc vận chuyển quá khó khăn, vì để mang được lúa về nhà người dân phải đi qua con sông, nên giá cả hàng hóa thường chênh lệnh 3-5 giá”. Khó khăn hơn là việc người dân ốm đau, phải mang đi cấp cứu trong đêm, cũng khó qua sông vì không có đò.
Sự chia cắt của dòng sông Ngàn Sâu đã không còn là sự chia cắt về địa lý đơn thuần, mà nó đang tạo ra sự khác biệt trong đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa…của hàng nghìn người dân xã Phương Mỹ. Việc thường xuyên đến trung tâm xã để sinh hoạt đoàn thể, văn hóa, hay đi chợ, đi lễ…đối với bà con cũng thật không dễ dàng.
Ông Quân, chủ tịch xã Phương Mỹ cho biết: “ Năm 2004, Hội đồng Nhân dân Tỉnh đã tiến hành khảo sát và có nghị quyết hạng mục đầu tư cho cầu Chợ Hôm. Nhưng kinh phí để xây dựng một cây cầu kiên cố dự kiến khoảng 25 tỷ đồng. Mới đây nhất, ngày 14/5/2014, Bộ GTVT đã có công văn 5406, xã Phương Mỹ được hỗ trợ làm cầu treo dân sinh với mức kinh phí là hơn 8 tỷ đồng. Đến nay khi mùa lũ cận kề thì cây cầu ấy vẫn nằm trong dự định. Nhiều lần, xã và nhà trường đã đề nghị lên cấp trên, nhưng đến nay mong ước có một cây cầu kiên cố để việc giao lưu của người dân được thuận tiện vẫn chỉ là ước mơ”.
Đã từ lâu, người dân xã Phương Mỹ vẫn nuôi hy vọng được đặt chân lên cây cầu mới –cây cầu bắc qua sông Ngàn Sâu, để phá đi thế giới cô lập của các thôn trong xã. Có cầu sẽ hạn chế được tối đa công sức, tiền của, thời gian vận chuyển lúa, hoa màu, giải quyết khó khăn về giao thông không chỉ cho người dân Phương Mỹ mà cho cả một số xã bạn như xã Hà Linh, Phương Điền,… rồi cái lịch học theo thời tiết của học sinh sẽ được xóa, cảnh đỏ mắt chờ đò, cảnh hết gạo ăn trong mùa mưa bão… tất cả sẽ mất đi cùng sự ra đời của cây cầu.
Là xã thuần nông đặc biệt khó khăn của huyện, nghề chính là nông nghiệp, không có nghề phụ, nên công tác xã hội hay giáo dục hoặc xây dựng cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, cho dù họ có làm ra hàng hóa thì cũng không vận chuyển đi bán được. Cứ vào mùa lũ là họ gần như bị cô lập hoàn toàn, vì phương tiện duy nhất để kết nối họ là chiếc đò chông chênh. Nguyện vọng bình dị mà cao cả nhất của người dân nơi đây là có một cây cầu, mặc dù thấy được lợi ích của cây cầu đối với sự phát triển, song chính quyền và người dân nơi đây vẫn “lực bất tòng tâm” nên giấc mơ của họ vẫn chỉ là giấc mơ.
Chúng tôi rời Phương Mỹ khi những tia nắng mặt trời đã xua tan màn sương lạnh lẽo.Như soi rọi vào ước mơ cháy bỏng của người dân xã đảo này về một tương lai tươi sáng, mà trong đó rất cần sự cảm thông chia sẻ, giúp đỡ của các cấp, các ngành, các nhà hảo tâm.