Tin Hà Tĩnh

Khám phá Bánh dì ở Hà Tĩnh

Trong tâm thức mỗi người dân Việt ngày rằm 15/7 âm lịch (còn gọi là ngày lễ Vu Lan) hàng năm từ lâu đã trở thành một ngày trọng đại không thể thiếu trong hệ thống các hoạt động văn hóa tâm linh. Ở Hà Tĩnh cũng vậy, dâng bánh dì trong mâm lễ ngày rằm – một thứ bánh tượng trưng cho thành quả lao động cực nhọc trong suốt một năm là không thể thiếu.

Ngày rằm tháng 7 là dịp nhắc nhở các thế hệ con cháu nhớ tới công ơn của cha mẹ, ông bà, tổ tiên cũng như những đóng góp của các anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước. Đồng thời giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa giáo dục văn hóa phật giáo “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “uống nước nhớ nguồn”…

Rằm tháng 7 là dịp lễ lớn, các gia đình đều dâng lễ lên nhà thờ dòng họ, trọng mâm lễ của người dân Hà Tĩnh không thể thiếu bánh dì, một loại bánh được làm bằng gạo nếp.

Theo các bậc cao niên, dâng bánh dì trong mâm lễ biểu hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” để dâng lên tổ tiên, không gì bằng dâng thứ bánh tượng trưng cho thành quả lao động cực nhọc trong một năm.

Muốn có được cỗ bánh dì vừa ý dâng lên tổ tiên dòng họ, nhà nào cũng cố gắng chọn một loại nếp thật thơm, dẻo, trước ngày rằm người ta lấy nếp xay giã, sàng lọc hết các loại tạp chất, bụi bẩn. Gạo nếp ngâm qua đêm rồi nấu thành xôi, không thêm vào bất cứ gia vị gì thể hiện sự tinh khiết khi dâng lên tổ tiên. Điều quan trọng là người nấu phải biết điều chỉnh lửa, nước sao cho xôi chin đều không nhão hoặc quá khô. Lúc xôi chín đem quạt nguội sau đó cho xôi vào cối giã đều, ngày nay đã có máy xay bánh nên đã tiết kiệm phần nào sức lực và thời gian giã bánh.

Bánh dì với ngày lễ rằm ở Hà Tĩnh

Vào nhừng ngày 13 - 14 trước rằm, ai đi qua vùng này sẽ thấy dân làng nườm nượp bưng từng mâm xôi đi rồi trở về với những mâm bánh dì trắng tinh, thơm phức mùi nếp. Thường một mâm bánh dì được xay trong vòng 10 – 15 phút bao giờ dẻo quánh là xong. Nhưng hiện nay một số gia đình vẫn giã bánh dì bằng phương pháp thủ công, giữ nguyên giá trị truyền thống, từ xa đã nghe tiếng chày giã bánh cùm cụp, tiếng nói cười rôm rã.

Sau khi giã xong bánh được đơm vào mâm dưới đáy mâm có lót lá chuối rửa sạch để bánh không bị dính, bánh dì không có nhân hay lá gói bao bọc. Điều đặc biệt chính là xong lễ rằm, bánh có thể để hàng tháng trời mà không sao, cũng có thể lưu giữ bánh bằng cách cắt mỏng từng miếng rồi phơi khô.

Thường thì lúc ăn người ta sẽ chiên bánh bằng dầu cho bánh chin phồng lên phảng phất mùi thơm ngậy của nếp.

Ở Hà Tĩnh, bánh dì là một loại bánh không thể thiếu để dâng lễ vào các ngày rằm tháng Giêng, tháng 7, phong tục này đã có cách đây hàng chục thế kỷ. Ngày nay, bánh đã trở thành loại quà thôn quê, mỗi lần con cháu ở xa về thăm họ hàng dịp ngày rằm sẽ được gửi một ít bánh dì làm quà xem như lộc của tổ tiên, dòng họ.


Tác giả: Diệp Thuần

Nguồn tin: Phương Nam Plus

  Từ khóa: bánh dì , khám phá , Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP