Năm 1999, Darlene Coker, 53 tuổi, sống ở phía đông Texas, được chẩn đoán mắc phải căn bệnh ung thư trung biểu mô. Đây là căn bệnh có nguyên nhân chủ yếu do tiếp xúc với amiăng. Hầu hết nam giới hít phải bụi amiăng trong các mỏ và ngành công nghiệp như đóng tàu mắc phải bệnh ung thư này.
Nghi ngờ từ 19 năm trước
Coker biết rằng bà sắp chết vì amiăng, nhưng bà không hiểu lý do bà đã tiếp xúc với amiăng như thế nào. Sau thời gian chiến đấu với mọi đau đớn, Coker đã thuê luật sư Herschel Hobson. Và họ phát hiện nguyên nhân có thể là loại phấn rôm trẻ em của hãng Johnson & Johnson (J & J) mà bà Coker sử dụng cho các con và chính mình.
Sau đó, bà Coker đã kiện hãng J & J với cáo buộc bột talc trong sản phẩm phấn rôm gây ra bệnh ung thư của bà. Tất nhiên, J & J đã phủ nhận cáo buộc. Họ khẳng định sản phẩm Baby Powder không có amiăng. Khi vụ án được tiến hành, J & J có thể đã tránh được việc bàn giao kết quả kiểm tra bột talc do tòa án bác bỏ yêu cầu mà phía luật sư của bà Coker đưa ra.
Cuối cùng, bà Coker không có lựa chọn nào khác ngoài việc từ bỏ vụ kiện của mình. "Khi bạn là nguyên đơn, bạn có trách nhiệm phải chứng minh vụ kiện. Nhưng chúng tôi không có bằng chứng," luật sư Hobson cho biết.
Tuy nhiên, đó là năm 1999. Hai thập kỷ sau, tài liệu mà bà Coker và luật sư của bà tìm kiếm được công bố. J & J buộc phải cung cấp hàng nghìn tài liệu, báo cáo nội bộ và các tài liệu bí mật khác với luật sư của một số trong 11.700 nguyên đơn cáo buộc sản phẩm phấn rôm của J & J gây bệnh ung thư cho họ.
Bà Darlene Coker cùng bác sĩ phẫu thuật của mình. Ảnh: Reuters.Phát hiện chấn động |
Cáo buộc của Reuters đưa ra vào thời điểm J & J đang đối mặt với hàng nghìn vụ kiện tụng về các sản phẩm phấn rôm, có thành phần chính là bột talc, gây ung thư cho người sử dụng.
Theo Reuters, Johnson & Johnson (J & J) đã không báo cáo với Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) rằng ít nhất 3 xét nghiệm được tiến hành tại 3 phòng thí nghiệm khác nhau từ năm 1972 đến năm 1975 tìm thấy amiăng trong bột talc.
Những dữ liệu đề cập tới việc bột talc bị nhiễm độc mà Reuters tìm thấy có trong báo cáo năm 1957-1958. Dữ liệu mô tả chất gây ô nhiễm trong bột talc là dạng sợi và nhọn. Đó là một trong sáu khoáng chất ở dạng sợi tự nhiên, gọi là amiăng.
Vào những thời điểm khác nhau đầu những năm 2000, các nghiên cứu tại J & J, của phòng thí nghiệm bên ngoài và nhà cung cấp của J & J đều cho kết quả tương tự. Báo cáo xác định chất ô nhiễm trong bột talc là amiăng hoặc mô tả chúng theo thuật ngữ thường áp dụng cho amiăng.
Sản phẩm phấn rôm của Johnson & Johnson dính phải hàng nghìn vụ kiện cáo buộc chứa chất gây ung thư. Ảnh: Reuters. |
Năm 1976, khi FDA đang xem xét giới hạn của amiăng trong các sản phẩm phấn rôm, J & J đã khẳng định với cơ quan quản lý rằng không có chất amiăng trong bất kỳ sản phẩm phấn rôm nào được sản xuất trong giai đoạn 12/1972 - 10/1973. Thực chất, có ít nhất 3 xét nghiệm tại 3 phòng thí nghiệm khác nhau từ năm 1972 đến năm 1975 cho thấy có amiăng trong phấn rôm của hãng, trong đó có một trường hợp có lượng amiăng "khá cao".
Hầu hết báo cáo nội bộ của J & J về xét nghiệm amiăng đều không tìm thấy amiăng. Tuy nhiên, trong khi các phương pháp thử nghiệm của J & J được cải thiện và tiên tiến theo thời gian, chúng luôn có những hạn chế cho phép các chất gây ô nhiễm không bị phát hiện. Và họ cũng chỉ thử nghiệm một phần rất nhỏ sản phẩm phấn rôm của công ty.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các cơ quan chức năng khác thừa nhận không có mức độ phơi nhiễm an toàn với amiăng. Trong khi nhiều người tiếp xúc với amiăng không bao giờ phát triển bệnh ung thư, đối với một số người khác, ngay cả một lượng nhỏ amiăng cũng đủ để kích hoạt bệnh nhiều năm sau đó.
Trước đó, vào tháng 7, J & J còn bị tòa án yêu cầu bồi thường 4,7 tỷ USD cho 22 phụ nữ cáo buộc phấn rôm của hãng khiến họ bị ung thư buồng trứng. Hầu hết trường hợp cho biết họ thường sử dụng các sản phẩm phấn rôm của J & J như chất chống mồ hôi và khử mùi ở gần vùng kín. Tuy nhiên, Alex Gorsky, Giám đốc điều hành J & J, đã cam kết rằng họ vẫn tự tin các sản phẩm của mình không chứa amiăng.
Hàng nghìn vụ kiện
Khẳng định của Gorsky, lặp lại trong rất nhiều tuyên bố của J & J, có thể đã bỏ qua một điểm quan trọng. Amiăng, giống như nhiều chất gây ung thư khác, có thời gian ủ bệnh dài. Chẩn đoán thường xảy ra nhiều năm sau khi tiếp xúc ban đầu, có thể lên tới 20 năm hoặc hơn. Các sản phẩm phấn rôm của J & J ngày nay có thể an toàn, nhưng phấn rôm có vấn đề trong hàng nghìn vụ kiện đã được bán và sử dụng trong 60 năm qua.
J & J khẳng định cáo buộc của Reuters là hoàn toàn sai và sản phẩm phấn rôm của họ "an toàn và không chứa amiăng". Các luật sư của J & J cũng cho rằng bài báo của Reuters mang tính một chiều, sai sự thật, khiêu khích và là "một thuyết âm mưu phi lý".
J & J cho biết họ sẽ kháng cáo các phán quyết gần đây chống lại họ. Họ vẫn luôn khẳng định các tuyên bố công khai rằng phấn rôm của họ là an toàn như đã được chứng minh trong nhiều năm qua. J & J đổ lỗi cho sự thiệt hại của mình là do sự nhầm lẫn và các quy tắc không công bằng của quan tòa và sự vô lý của khoa học.
Trong một phản hồi về cáo buộc của Reuters, J & J khẳng định Reuters vì lợi ích cá nhân đang xuyên tạc các tài liệu lịch sử, cố tình tạo ra sự nhầm lẫn trong phòng xử án và trên các phương tiện truyền thông. "Đây là tất cả những nỗ lực được tính toán để đánh lạc hướng mọi người khỏi thực tế là hàng nghìn xét nghiệm độc lập đã chứng minh bột talc của chúng tôi không chứa amiăng hoặc gây ung thư," Giám đốc truyền thông toàn cầu của J & J cho biết.
Mặc dù vậy, sau cáo buộc này, cổ phiếu của J & J trong ngày 14/12 đã giảm hơn 10%, tương đương với 40 tỷ USD bị mất đi, mức sụt giảm lớn nhất từ trước tới nay.
Cổ phiếu của J & J sụt giảm nhiều sau cáo buộc của Reuters. Ảnh: Newweeks.Amiăng độc hại như thế nào? |
Khi các sản phẩm chứa amiăng bị xáo trộn, các sợi amiăng nhỏ sẽ được giải phóng vào không khí. Khi bạn hít phải các sợi này, chúng có thể mắc kẹt trong phổi và tồn tại ở đó trong một thời gian dài. Theo thời gian, các sợi này tích tụ, gây ra sẹo và viêm, ảnh hưởng đến hô hấp và dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), có đủ bằng chứng cho thấy amiăng gây ung thư trung biểu mô (loại ung thư tương đối hiếm gặp ở màng mỏng dọc ngực và bụng), ung thư phổi, thanh quản và buồng trứng. Mặc dù hiếm gặp, ung thư trung biểu mô là dạng ung thư phổ biến nhất liên quan đến phơi nhiễm amiăng. Thậm chí, một số nghiên cứu còn cho thấy amiăng liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư dạ dày, họng và đại trực tràng.
Phơi nhiễm amiăng cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh bụi phổi (tình trạng viêm ở phổi có thể gây khó thở, ho và tổn thương phổi vĩnh viễn) và các rối loạn phổi và màng phổi khác.
Tác giả: Phương Mai
Nguồn tin: zing.vn