Thực trạng đau lòng!
Đưa chúng tôi thị sát đất rừng tại tiểu khu 192, một cán bộ thuộc công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê (gọi tắt là công ty cao su Hương Khê) buồn bã cho biết: “8 tháng trước đây, khi các anh về điều tra thực trạng, thì đất rừng của Công ty tại tiểu khu này chỉ mới bị lấn chiếm 170 ha. Giờ thì con số đó đã lên đến 273 ha. Hơn 300 ha đất rừng được UBND tỉnh cho Công ty thuê để trồng cây cao su nơi đây có nguy cơ bị mất trắng, đẩy hàng trăm công nhân, hộ dân chúng tôi vào cảnh thất nghiệp, có đất rừng mà không được sử dụng”.
Không ở đâu xa, chỉ từ trung tâm xã Hòa Hải đi vòng qua con đường mới mở, chạy thẳng lên các triền đồi phía Tây tiểu khu 192, đất rừng thuộc chủ quyền sử dụng của Công ty cao su Hương Khê bạt ngàn là vậy, giờ đã bị người dân bao chiếm để trồng keo gần hết. Hàng trăm cọc gỗ, với dây thép gai làm hàng rào của người dân đã bao chiếm hàng trăm ha đất lâm nghiệp để trồng keo. Những triền đồi đất lâm nghiệp đẹp nhất, dễ bao chiếm nhất của Công ty đều đã bị người dân đóng cọc, dăng dây thép gai bao chiếm hết.
Diện tích rừng phòng hộ bị dân sẽ phát, lấn chiếm và chặt phá cây lấy gỗ
Ông Trần Thanh Hà- Giám đốc Công ty cao su Hương Khê bức xúc: “Đất rừng của Công ty thì bị người dân vào sẻ phát, lấn chiếm, trong lúc Công ty lại không được thực hiện việc sản xuất trên đất rừng được thuê. Biết bao lần chúng tôi đề xuất làm việc với Thường trực Huyện ủy nhằm giải quyết dứt điểm việc người dân xâm chiếm đất rừng của Công ty tại tiểu khu 192, để đảm bảo quyền lợi cho công nhân, người dân tham gia trồng cây, gây rừng cao su theo chỉ đạo của UBND tỉnh, thế nhưng không được đáp ứng. Không những chúng tôi chưa nhận được ý kiến chỉ đạo, mà việc phối hợp để triển khai thực hiện theo lộ trình cũng không được đặt ra, khiến việc sản xuất tại Tiểu khu này bị đình trệ. Năm 2012, 2013 chúng tôi bị lỡ thời vụ, thiệt hại hơn 20 vạn cây giống. Năm 2014 này, khi mùa vụ trồng cao su đã đến cũng đành lỡ dở… Tổn thất về kinh tế của Công ty rất nặng nề, đấy là chưa tính đến các khoản trích nộp trước đây cho ngân sách, thuê tư vấn, lập dự án… với số tiền hơn 5 tỷ đồng”.
Chính quyền bất lực trước vi phạm của người dân.
Tại thời điểm tháng 3/2014, khi PV về điều tra thực trạng, viết bài phản ánh (trên 2 số báo: 25 và 26, tháng 3/2014), thì chỉ riêng Tiểu khu 192, xã Hòa Hải, đất rừng của Công ty cao su Hương Khê đã bị hàng chục hộ dân lấn chiếm lên đến 170 ha, riêng đất rừng do xã Hòa Hải quản lý, thì con số khủng khiếp hơn, gần 500 ha!
Trước thực trạng này, đích thân Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, ông Lê Đình Sơn đã phải về tại xã Hòa Hải (Hương Khê- Hà Tĩnh) kiểm tra và chỉ đạo xử lý vấn nạn người dân lấn chiếm đất rừng. Phó chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ ra sự non yếu của các cấp chính quyền địa phương trong quản lý Nhà nước về đất lâm nghiệp đồng thời yêu cầu các cấp, các ngành phải vào cuộc quyết liệt, xử lý rốt ráo những vấn đề vướng mắc. Thế nhưng, dẫu Thường trực Ban Bí thư, Tỉnh ủy Hà Tĩnh cùng chính quyền địa phương đã liên tục chỉ đạo, nhưng hơn 01 năm nay, vấn nạn người dân cướp đất, lấn rừng trái phép ở huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) lại… trầm trọng hơn.
Theo số liệu thống kê từ Tổ công tác do ông Ngô Xuân Ninh- Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê làm Tổ trưởng, đến nay con số hộ dân tham gia sẻ phát, lấn chiếm đất rừng tại tiểu khu 192 là 55 hộ, trong đó có 9 hộ dân đã được giao đất, giao rừng vẫn tham gia lấn chiếm. Con số tăng đột biến này cho thấy chính quyền và cơ quan chức năng nơi đây đang bất lực trước thực trạng người dân vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ rừng, mà không có bất kỳ chế tài xử lý nào được đưa ra.
Ngày 8/12/2014, làm việc với PV, ông Ngô Xuân Ninh- Phó Chủ tịch UBND huyện thừa nhận thực trạng người dân vào sẻ phát, lấn chiếm đất rừng của Công ty cao su Hương Khê có phần trách nhiệm của chính quyền địa phương. “Việc lấn chiếm của người dân là tự phát, mang tính cộng đồng, cả làng, cả xã người ta vào đó trồng, không biết hộ nào, không biết ai trồng ở đâu cả. Chứ nếu biết từng anh một thì dễ xử lý hơn. Hiện tại huyện đã rất nổ lực để đảm bảo hài hòa lợi ích của Công ty và người dân”- Ông Ninh nói và cho biết thêm hiện tại huyện đang kiến nghị thực hiện phương án chuyển đổi, phương án này đã có sự điều chỉnh liên quan đến rừng phòng hộ.
Trong khi đó, là cơ quan có trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng, được huyện giao chủ trì phối hợp để xử lý vấn nạn người dân lấn chiếm đất rừng, xâm hại rừng phòng hộ, Hạt Kiểm lâm huyện lại có động thái thờ ơ, thiếu trách nhiệm. Khi mà nhiều ha rừng phòng hộ đã bị người dân xâm hại, lực lượng kiểm lâm đã lập biên bản, nhưng đến nay vẫn chưa xử lý được trường hợp nào nghiêm minh theo quy định của pháp luật để làm gương.
Ông Nguyễn Cự Duẫn- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hương Khê cho biết, đã nắm rõ thực trạng người dân lấn chiếm đất rừng, xâm chiếm rừng phòng hộ, nhưng do lực lượng mỏng, việc lập hồ sơ xử lý có nhiều phức tạp, nhất là thực trạng này diễn ra đã lâu, kéo dài, với số lượng đông đảo các hộ dân tham gia… cho nên Hạt cũng gặp khó khăn trong xử lý?!
Thượng tôn pháp luật cần phải được đảm bảo
Dễ nhận thấy nhất trước thực trạng này, là sự bất lực của chính quyền và cơ quan chức năng ở Hương Khê. Cũng là hệ lụy từ sự chậm chạp, có phần chần chừ trong việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện. Từ việc không kịp thời giải quyết, xử lý nghiêm minh những hộ dân vào lấn chiếm ban đầu, dẫn tới người dân “nhờn” pháp luật, “nhờn” chính quyền, hàng chục hộ dân sau đó đua nhau vào rừng lấn chiếm đất.
Trong lúc đó, phía công ty cao su Hương Khê lại rất có thiện chí, cầu thị lắng nghe và đáp ứng nhiều quyền lợi cho người dân nơi đây, như: hỗ trợ 50% kinh phí đo vẽ, xây dựng hồ sơ cấp giấy CNQSD đất; triển khai việc mở đường; hỗ trợ tiền công sẽ phát thực bì, phương án sử dụng lao động tại địa phương… Dẫu vậy, đất rừng thuộc quyền sử dụng vẫn bị người dân nhảy vào lấn chiếm, đất phòng hộ xung yếu vẫn bị xâm hại. Trực tiếp chính quyền và Tổ công tác của Huyện ủy cũng đã chỉ ra thực tế là các hộ dân cố tình vi phạm; sự tuân thủ, chấp hành pháp luật của một số người dân còn hạn chế và khẳng việc các hộ dân tự ý lấn chiếm, sẻ phát trồng rừng gây cản trở không cho Công ty cao su Hương Khê thực hiện việc trồng cao su trên diện tích đã được giao là vi phạm pháp luật.
Cũng cần nói thêm, việc phản đối của người dân nơi đây trong quá trình đối thoại, lấy ý kiến chủ yếu tập trung về ý kiến cho rằng việc trồng cây cao su sẽ làm bồi lắng đập Khe Nậy, ảnh hưởng đến nguồn nước tưới tiêu, xói lở đất đai, tác động xấu môi trường… Tuy nhiên, thực tế thì tại thời điểm đó, khi Công ty chưa đưa công nhân lên làm, thì người dân đã đua nhau lên sẽ phát, lấn chiếm, tác động vào đất rừng đầu tiên để trồng keo.
Một cán bộ chuyên môn về lâm nghiệp cho biết, giữa trồng cây cao su và trồng keo, thì việc trồng keo có tác động xấu đến môi trường hơn. Trong khi cây cao su có chức năng về kinh tế, phòng hộ, an ninh quốc phòng, với chu kỳ sinh trưởng và khai thác là 30 năm. Còn cây keo chỉ có chu kỳ 7-8 năm, sau đó thì khai thác, phải tác động vào đất rừng lần nữa… Như vậy thì trồng cây cao su là giải pháp hợp lý và ổn định môi trường và kinh tế hơn cây keo.
Ngày 8/12/2014, PV có mặt tại đập Đá Hàn- vị trí phòng hộ xung yếu, ghi nhận hiện trạng diện tích xung quanh đã bị người dân đốt, sẽ phát trồng keo với diện tích rộng lớn, mà chính quyền địa phương, người dân cũng không có ý kiến gì…. Điều này cho thấy, một số hộ dân đã bất chấp pháp luật, vì mục đích tư lợi trước mắt sẵn sàng xâm chiếm rừng phòng hộ, với biểu hiện dân chủ quá đà…
Được biết, phía huyện Hương Khê đang có kiến nghị điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, chuyển đổi một số diện tích đất rừng khác cho Công ty trồng cao su. Tuy nhiên, vấn đề này thuộc trách nhiệm của chính quyền huyện, khi trước đây là đơn vị làm tờ trình để tỉnh cho thuê đất, nay vì sự quản lý yếu kém, để người dân lấn chiếm đất của Công ty, thì chính quyền huyện phải có trách nhiệm thực hiện nhưng quy trình tiếp theo, đảm bảo lợi ích của các bên.
Theo Bùi Tiến Bảo vệ pháp luật