Dẫn chúng tôi tham quan một vòng khu trang trại rộng hơn 12,5ha ở vùng nắng lửa miền núi Hương Khê, ông Thọ nhớ lại: “Năm 1989 vợ chồng tui dắt díu nhau vào đây lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Thời gian đầu cứ tối đến tui đi kiếm cá, sáng vợ mang ra chợ bán mới có gạo ăn”.
Giờ đây, vợ chồng ông đã tạo dựng một cơ ngơi ít ai sánh được. Trang trại của vợ chồng ông có khu nuôi trên 600 con lợn thịt và 1 đàn lợn rừng 30 con. Không dừng lại ở nuôi lợn, ông đi nhiều nơi học hỏi kỹ thuật nuôi ong. Sau 2 tháng học hỏi ông đã mạnh dạn nuôi 10 tổ ong đầu tiên để thử nghiệm. “Ban đầu cũng sợ nhưng khi tìm hiểu kỹ càng rồi mới tự tin để nuôi”- ông Thọ chia sẻ. Đến nay trang trại của ông đã có hơn 400 tổ ong, mỗi tháng thu hoạch 3 lần trên 6 tấn mật, thu về khoảng 300 triệu đồng.
Theo ông Thọ, dù nuôi ong, nuôi lợn nhưng đất đai vẫn còn nhiều, bỏ hoang hoặc trồng keo thì phí, ông tiếp tục tìm hiểu một số giống cây công nghiệp và cây ăn quả phù hợp với đất đai để trồng. Thế là hơn 2ha diện tích đất được phủ kín cây dó trầm và hơn 200 gốc cam lai. Quả thật đất không phụ lòng người, mỗi năm vườn cam của ông cho thu hoạch hơn 300 triệu đồng, còn cây dó trầm thì bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu tiên.
Không chỉ lo làm ăn, ông còn là người đi tiên phong trong việc bảo vệ môi trường. Khi quyết định chăn nuôi lợn quy mô lớn, việc đầu tiên ông làm là xây dựng hầm biogas. Ông đã đầu tư gần 200 triệu đồng để xây dựng hầm. “Làm ăn ngoài nghĩ cho mình thì còn phải nghĩ cho xã hội, hơn nữa nếu không xây hầm biogas, môi trường ô nhiễm liệu trang trại của tui tồn tại đến bao giờ”- ông Thọ chia sẻ. Đầu tư tốn kém nhưng lợi ích mà hầm biogas mang lại cực kỳ lớn, môi trường xung quanh trang trại luôn được đảm bảo, gia đình ông có một nguồn khí gas phục vụ cho việc đun nấu, thắp sáng trong sinh hoạt và chăn nuôi. Mô hình trang trại của ông Thọ còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với lương từ 3 – 3,5 triệu đồng/người/tháng và 15 lao động mùa vụ với thu nhập từ 200.000-250.000 đồng/người/ngày.
Phúc Quang – Hữu Anh
Dân Việt