Cần Giúp Đỡ

Hương Khê: “Rồi ngày tôi chết, con và các cháu sẽ đi về đâu ?”

Đó là lời tâm sự nghẹn ngào của cụ Đinh Nho Mẫu ở xóm 4, xã Hương Lâm, huyện Hương Khê khi năm nay đã 87 tuổi nhưng vẫn là lao động chính. Cụ phải làm việc quần quật, chạy vạy khắp nơi để nuôi cô con gái ngây dại cùng 2 đứa cháu.

Tìm đến nhà cụ Mẫu trong một buổi trưa tháng 7, cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là một người phụ nữ quần áo xộc xệch, khó nhọc với chiếc bụng bầu to vượt mặt đang loay hoay với mâm cơm chỉ có vài con cá nhỏ và đĩa rau.
Cụ Mẫu với dáng người gầy còm, chậm chậm từ trong nhà bước ra nhìn như hiểu ý: “Con và cháu tôi đó. Các cô cậu cũng thấy đấy, mẹ của hai đứa nhỏ đang mang bầu nhưng nhận thức lại không được như bình thường nên cuộc sống đã cực lại thêm phần cực hơn”.

Gia đình cụ Lâm bên bữa cơm chỉ có canh và vài con cá nhỏ được bà con lối xóm cho
Gia đình cụ Mẫu bên bữa cơm chỉ có canh và vài con cá nhỏ được bà con lối xóm cho

Nhà cụ có 6 người anh em nhưng 4 người đã mất, chỉ còn ông và người em thứ 6.
Cụ Mẫu kể, năm 1980, vợ chồng cụ không có con nên nhận nuôi một người con gái và đặt tên là Đinh Thị Phúc. Nhưng hạnh phúc lại chẳng mĩm cười với vợ chồng cụ khi chị Phúc càng lớn càng bộc lộ tính cách không bình thường, ngây dại. Năm 2004, Phúc bị lợi dụng nên đã có một đứa con mà không có cha. Đau đớn, thương con nhưng hai vợ chồng cụ Mẫu cũng chỉ biết bấm ruột, cắn răng chịu đựng vì biết bắt đền ai khi tính cách con gái mình không được bình thường.
Dù vất vả, cơ cực nhưng 2 vợ chồng vẫn luôn động viên nhau, cố gắng chăm con, chăm cháu. Thế nhưng, bi kịch lần lượt cứ ập tới với cụ, khi năm 2007, người vợ, người đã đồng cam cộng khổ, vui buồn có nhau đã mãi mãi bỏ cụ mà đi vì căn bệnh ung thư. Vợ ra đi, để lại cho cụ đứa con ngây dại và đứa cháu còn non nớt.
Chưa dừng lại ở đó, năm 2010, người con gái dại dột của cụ tiếp tục bị lợi dụng và có thêm đứa con ngoài giá thú. Rồi năm 2015, con gái cụ lại một lần nữa mang bầu mà chẳng biết người cha là ai?

Gia đình cụ Lâm bên bữa cơm chỉ có canh và vài con cá nhỏ được bà con lối xóm cho
Những đứa con của chị Phú bị những đứa trẻ cùng trang lứa “kỳ thị” là đứa không cha nên suốt ngày 2 anh em chỉ biết chơi với nhau

“Nó năm nay cũng đã ba mấy tuổi rồi nhưng chẳng biết gì cả. Bị người ta lợi dụng có bầu đến 3 lần. Đứa lớn nay học lớp 5 rồi, còn đứa nhỏ đang theo mẫu giáo nhưng lại bị câm điếc bẩm sinh, không nói được cũng không nghe được mà chỉ biết cười rồi khóc thôi, giờ lại thêm một đứa trong bụng mẹ nó nữa làm sao mà nuôi nổi…”, giọng nói yếu ớt của cụ không thể cất thành lời khi nghĩ về hoàn cảnh, tương lai của gia đình.
Nhìn cô con gái ngây dại với cái bụng đang ngày một to lên, các cháu nheo nhóc, ngơ ngác, cụ Mẫn chỉ biết cố nuốt nước mắt vào trong để làm việc. Cụ chỉ mong sao được sống thêm ngày nào hay ngày đó để chăm sóc cho con, cho các cháu.
Đến nay, dù đã gần chạm ngưỡng tuổi gần đất xa trời nhưng cụ vẫn là lao động chính chăm lo bữa cơm, manh áo cho cả gia đình.

Túp lều bằng tranh xập xệ, rách nát của gia đình cụ Mẫu
Túp lều bằng tranh xập xệ, rách nát của gia đình cụ Mẫu

Tuổi đã già lại cộng thêm bệnh tật nhưng cụ chẳng dám kêu ai, mà hằng ngày cứ lặng lẽ làm việc. Trong căn nhà tranh nhỏ bé, xập xệ trống huơ, trống hoác. Toàn bộ chi phí sinh hoạt hàng ngày của cả gia đình đều trông cả vào 2 sào ruộng, số tiền trợ cấp 360 nghìn/tháng cho hai chế độ người già trên 80 tuổi và  mẹ đơn thân nuôi con.
“Có những khi hai đứa cháu đói nó khóc đòi ăn mà lòng tôi đau xót lắm. Người ta thì mong cho con cháu ăn sung mặc sướng nhưng với tôi chỉ mong con cháu tôi đủ ăn đủ mặc không phải chịu đói là tôi vui lắm rồi” cụ Mẫu nghẹn ngào chia sẻ.
“Giờ tôi còn sống thì tôi còn có thể lo cho con và các cháu miếng cơm, miếng nước. Khi tôi mất, chúng nó sẽ ra sao đây. Chắc tôi chết cũng không thể nhắm mắt được”.
Anh Đinh Văn Thức (hàng xóm của cụ Mẫn) cho biết: “Hoàn cảnh của gia đình cụ Mẫu thì làng trên xóm dưới ai cũng biết cả. Cuộc sống của họ khó khăn lắm, phải chật vật chạy ăn từng bữa. Thi thoảng, hàng xóm góp nhóp cho một gạo hay ít rau thịt về ăn hay ai có việc gì là kêu đi phụ giúp kiếm đồng ra đồng vào chứ lấy tiền đâu mà sinh hoạt, mọi sự đều trông vào cụ Mẫu thôi”.

Anh Trần Văn Lĩnh, phó Chủ tịch UBND xã Hương Lâm phân vân: “Gia đình Cụ Mẫu thuộc diện khó khăn, Chúng tôi cũng dành nhiều sự quan tâm đặc biệt cho gia đình cụ. Nhưng đó cũng chỉ là những giải pháp tạm thời. Khi cụ mất, con và các cháu của cụ sẽ như thế nào”.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
Cụ Đinh Nho Mẫu, xóm 4, xã Hương Lâm, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.

Xuân Sinh – Thiết Lê

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP