Tin Hà Tĩnh

Hương Khê – Hà Tĩnh: Miệng cống không rào chắn “nuốt chửng” người đi đường, ai chịu trách nhiệm?

Tòa soạn nhận được đơn của bà Nguyễn Thị Danh, sinh sống tại xã Hương Vĩnh (Hương Khê – Hà Tĩnh) khiếu nại về vụ tai nạn khiến chồng bà là ông Lê Văn Bân rơi xuống cống thoát nước tuyến QL15, đoạn đi qua khối 2, thị trấn Hương Khê vào ngày 4/9/2019 dẫn đến tử vong, đến nay không ai chịu trách nhiệm.

Hiện trường trước khi xảy ra vụ việc chưa có rào chắn

Theo đơn khiếu nại của bà Danh, vào thời gian đầu tháng 9/2019 trên, chồng bà là ông Lê Văn Bân trên đường đi mua thuốc chữa bệnh cho con, vì trời mưa, đường và vỉa hè bị ngập nước nên không may đã rơi cả người và xe xuống cống thoát nước đoạn qua khối 2 thị trấn Hương Khê hậu quả chồng bà tử vong.

Theo bà Danh và nhiều người làm chứng ký vào đơn xác nhận, tại thời điểm xảy ra vụ việc, miệng cống không có nắp đậy, không hề có rào chắn và biển cảnh báo không đúng quy định là nguyên nhân khiến chồng bà cùng xe máy rơi xuống cống và bị cuốn vào hồ Bình Sơn. Chồng bà mất là một tổn thất lớn, thế nhưng điều đáng buồn hơn là đến thời điểm này có cơ quan nào chịu trách nhiệm, rồi đến cả nguồn tiền bảo hiểm tiền vay tại Ngân hàng Nông nghiệp chi nhánh Hương Khê cũng từ chối chi trả vì cho rằng chồng bà vi phạm.

Mặc dù, sự việc đau lòng này đã xảy ra cách đây hơn 10 tháng, nhưng khi chúng tôi có mặt tại khu vực hồ Bình Sơn (thị trấn Hương Khê) – nơi xảy ra vụ việc vào đầu tháng 6 này, mọi người sống, làm ăn ở đây đều nhớ đến từng chi tiết, như vừa mới xảy ra cách đây vài ngày. Có lẽ, cũng chính vì họ quá thương cảm cho người xấu số.

Theo người dân, sau khi vụ việc thương tâm xảy ra, phải đến 1 tháng sau họ mới làm rào sắt như hiện nay. “Sau khi ông Bân chết một thời gian (khoảng 20 ngày), vào trận mưa tiếp đó, tôi cũng bị rơi xuống cống này cả người và xe, may mắn được người dân cứu lên, thoát chết, còn xe trôi vào hồ 2 ngày sau mới đưa được lên. Nguyên nhân vì cống giữa vỉa hè mà không có rào chắn. Sau đó nghe người dân kể lại về cái chết của ông Bân, tôi càng hoảng sợ hơn, nghĩ rằng, số mình vẫn còn may”, anh Phạm Quang Hà, xóm Bình Phúc, xã Lộc Yên (Hương Khê) cho biết.

Lũ dâng cao che lấp miệng cống dẫn đến tai nạn chết người.

Quan sát vị trí cống thoát nước này mới thấy hết mức độ nguy hiểm của nó. Bề ngang miệng cống rộng chừng 3m, nằm cách mặt đường nhựa QL15 chừng 1m, trong khi vỉa hè cả tuyến này lên đến 7m (nghĩa là mặt hố trống hoác, ăn sâu ra vỉa hè chừng 6m. Vậy mà nó đã tồn tại, hiện hữu không rào chắn, không nắp đậy hàng chục năm nay. Quả đúng là một cái bẫy chết người.

Ông Vận – người ở cách nơi xẩy ra sự việc chừng 50 mét, đã cư trú ở đây mấy chục năm cho biết: “Tôi là một trong số người có mặt đầu tiên và cũng chính tôi là người tham gia tìm kiếm và đưa người bị nạn lên bờ hôm đó. Cống thoát nước này từ Khe Leo qua QL15 vào hồ Bình Sơn đã có từ hơn chục năm nay (từ khi sửa, nắn lại con đường này).

Những lúc mưa to, nước chảy xiết, nguy hiểm lắm, nhưng chưa bao giờ chúng tôi thấy có nắp đậy hay rào chắn, nên người dân tự làm tấm biển treo bên cạnh để cảnh báo. Người lớn ở quanh đây thì không sao vì biết rồi, tránh được, chỉ lo cho mấy đứa trẻ và người lạ qua đường. Thực tế, nhiều vụ cả người và xe bị rơi xuống đây rồi; trầy xước, sứt đầu mẻ trán cả, ông này “đen hơn” nên chết. Thật tội nghiệp”.

Sau sự cố xảy ra chết người chừng 1 tháng nơi đây mới được rào chắn như thế này.

Không riêng gì ông Vận, mà tất cả những người sống, làm ăn xung quanh khu vực hồ Bình Sơn, nơi xẩy ra vụ việc đau lòng này đều khẳng định với chúng tôi, cống thoát nước qua QL 15 vào hồ Bình Sơn, trước lúc xẩy ra vụ việc không hề có nắp đậy hoặc rào chắn; chỉ những lúc mưa to, nước ngập, chảy xiết mới xuất hiện tấm biển cảnh báo viết sơ sài, treo lủng lẳng bên miệng cống, mặt biển quay ra đường, người đi trên vỉa hè khó mà phát hiện. “Thường thì những lúc trời mưa to, nước dâng ngập đường, người dân chúng tôi thấy nguy hiểm quá nên treo tấm biển tự làm để cảnh báo cho người đi đường”, ông Thức, nguyên Bí thư Chi bộ KP 2, thị trấn Hương khê, chủ nhà hàng ăn uống cạnh cống thoát nước này khẳng định”.

Đơn của bà Nguyễn Thị Danh

Điều oái ăm là, sự việc xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật, với sự chứng kiến của rất nhiều người, lẽ ra chẳng có gì đáng nói nếu như có một cơ quan quản lý công trình đứng ra chịu trách nhiệm, đồng thời, cùng gia đình giải quyết hậu quả. Ngược lại, tất cả đều đổ lỗi cho nạn nhân.

Nguyên nhân chính dẫn đến vấn đề này đều bắt nguồn từ biên bản ban đầu do Công an thị trấn Hương Khê lập (có sự chứng giám của Công an huyện Hương Khê) theo chúng tôi là không khách quan. Điều này được thể hiện, với một vụ việc chết người nghiêm trọng như vậy mà khi lập biên bản cơ quan chức năng và chính quyền thị trấn chỉ nêu sự việc và lấy lời khai của một nhân chứng, không có sự tham gia của phía gia đình nạn nhân, cho dù họ có mặt ở đó.

Theo biên bản lập ngày 4/9/2019 có ghi lời người làm chứng là chị Lê Thị Lương Toàn (người bán thuốc chữa bệnh cạnh cống thoát nước) có nội dung: “Người đàn ông đó bị rơi xuống cống cả người lẫn xe máy, mặc dù tại điểm người đàn ông bị rơi đã có vật cảnh giới và biển báo…”. Nhưng khi gặp chúng tôi chị Toàn lại nói: “Sau sự việc, công an có đến hỏi, tôi chỉ nói rằng, bên miệng cống có tấm biển nhỏ quay ra phía đường, người đi trên vỉa hè khó nhìn thấy. Còn trong biên bản ghi thế nào tôi không biết. Thiếu sót của tôi là không đọc phần họ ghi, mà đã ký. Tôi thấy thương ông ấy (người bị nạn - PV)…”.

Biên bản sự việc

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Đại úy Trần Đình Vỳ, Trưởng Công an thị trấn Hương Khê cho biết: “Thời điểm xảy ra vụ việc, thị trấn chưa có công an chuyên trách, 100% lực lượng Công an ở đây đều bán chuyên trách, nên đã để xẩy ra sai sót trong quá trình lập biên bản sự việc”.

Xuất phát từ biên bản sự việc, dẫn đến không chỉ cái chết tức tưởi của nạn nhân không ai chịu trách nhiệm mà đến cả nguồn tiền bảo hiểm tiền vay tại Ngân hàng Nông nghiệp chi nhánh Hương Khê cũng bị từ chối chi trả. Đáng trách hơn, bức xúc trước cái chết oan ức của chồng mình, bà Danh đã cất công gõ cửa các cấp chính quyền, các ngành chức năng huyện Hương khê, nhưng đến nay, sau 10 tháng vẫn chưa có câu trả lời xác đáng.

“Sau khi nhận đơn khiếu nại của bà Nguyễn Thị Danh, chúng tôi đã vào cuộc, tiến hành xác minh sự việc, đồng thời gửi văn bản đề nghị thị trấn trả lời về trách nhiệm quản lý công trình trên địa bàn - nơi xảy ra vụ việc để có hương giải quyết”, Thiếu tá Nguyễn Thế Hùng, Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp Công an huyện Hương Khê cho biết.

“Trường hợp tử vong của ông Bân có dấu hiệu vi phạm hình sự. Cá nhân, tổ chức có trách nhiệm quản lý công trình giao thông, hạ tầng đô thị nơi ông Bân tử vong có thể bị xử lý về Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (được quy định tại Khoản 1, Điều 360 BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017); hoặc Tội vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý công trình giao thông (được quy định tại điều 281 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017)…”, Luật sư Lê Hùng – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sự Hà Tĩnh cho biết.

Muộn còn hơn không, cơ quan điều tra Công an huyện Hương Khê cần sớm làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý công trình công cộng, nơi ông Lê Văn Bân tử nạn, trả lại sự công bằng cho người bị hại, ổn định tình hình trên địa bàn.

Tác giả: Tân Phong

Nguồn tin: thoivietbao.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP