Cuối tháng 7/2014 lãnh đạo huyện Hương Khê đã có cuộc kiểm tra tổng thể về vấn đề vận chuyển trái phép lâm sản, sử dụng trái phép phương tiện xe cơ giới, xe công nông trên địa bàn xã Hương Lâm vào hoạt động lâm sản. Sau đợt kiểm tra toàn diện vào cuối tháng 7, cho thấy tình hình khai thác, tập kết, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn vẫn xảy ra, thậm chí là rầm rộ hơn.
Trước đó, nhiều xưởng cưa, cắt xẻ, đã bị tháo dỡ, cắt điện nay lại hoạt động trở lại, tình trạng xe ô tô loại 12-16 chỗ tháo ghế ngồi xuất hiện trên địa bàn để vận chuyển gỗ trái phép nhan nhả trên các ngõ, đường làng xã Hương Lâm. Tại xã này theo tìm hiểu của PV Infonet có tới 65 chiếc xe công nông hầu hết có gắn máy tời hoạt động lâu nay trên địa bàn nhưng vẫn không ai bị cấm, cơ quan chức năng cũng không xử lý người vi phạm?
Lãnh đạo địa phương cho rằng, một trong nguyên nhân khai thác gỗ trái phép, có một phần từ loại phương tiện công nông (Ảnh Trương Hoa) |
Hương Lâm là xã miền núi, “thánh địa” gỗ lậu. Gỗ đầu nguồn muốn tuồn về xuôi phải qua “ngõ” này. Việc “lâm tặc trong dân” sắm các phương tiện vận chuyển gỗ từ trên rừng về là điều thấy như ban ngày. Dân nuôi những con trâu kéo giá trị hàng chục triệu đồng, chi ra hàng chục triệu đồng nữa sắm xe công nông để thuận tiện cho việc luân chuyển lâm sản, qua đó “tiện tay” vận chuyển gỗ lậu từ rừng ra.
Tại đây, trong vườn nhà của mỗi hộ dân đều dựng “ga ra” để xe công nông. Phương tiện này nghiễm nhiên trở thành thông dụng, thay cho sức người, sức trâu trong khai thác lâm sản gia đình cũng như trái phép. Dân cho hay, với địa bàn miền núi, hiểm trở không có loại phương tiện nào công dụng hơn công nông để đi rừng. Nó có thể leo núi, vượt đèo, băng rừng, chạy bon bon trên các con đường làng mà không cần một chút sức người, sức con vật. Chỉ cần đổ dầu vào máy là nổ!
Anh Nguyễn Văn L (47 tuổi), xã Hương Lâm chia sẻ: nghề chính của chúng tôi là đi rừng. Căn nhà tôi đang ở phải ít nhất 4 năm “gom gỗ” trên rừng về mới “xây” đủ. Gỗ khai thác trong rừng, muốn vận chuyển về xuôi, ít nhất phải qua nhiều phương tiện: sử dụng sức người, trâu kéo, xe kéo, công nông. Ưu thế của công nông “đi rừng” rất ổn, rút ngắn thời gian, vận chuyển được nhiều, đỡ sức người. Hầu hết, người dân miền núi ưa chuộng loại phương tiện này. Biết là Nhà nước cấm, nhưng chúng tôi chỉ vận hành công nông trong khuôn viên đường làng, ngõ xóm, phục vụ cho hộ gia đình.
Hiện, cơ quan chức năng đã có văn bản yêu cầu các hộ dân tại xã Hương Lâm chấm dứt sử dụng loại hình công nông trong mọi hình thức, đặc biệt trong vận chuyển lâm sản. Nếu phát hiện cá nhân tái phạm sẽ bị xử lý nghiêm túc. Nhưng xem ra lệnh cấm vẫn chỉ là lệnh cấm thôi!