Giáo dục - Đào tạo

Hương Khê: Cản trở học sinh đến trường là vi phạm pháp luật

Học sinh trường Tiểu học Hương Bình nhớ trường nhớ lớp nhưng chỉ lén đến đứng trước cổng nhìn vào trường.

Cho rằng việc sáp nhập trường gây khó khăn cho HS, gần 2 tuần nay phụ huynh HS Trường THCS Hương Bình (Hương Khê – Hà Tĩnh) đã phản đối không cho con em đến trường mới. Không những thế, một số phụ huynh còn cản trở không cho cả HS Trường Mầm non và Tiểu học Hương Bình đến lớp.

Người lớn phản đối, trẻ bị vạ lây

Theo số liệu thống kê từ Phòng GD&ĐT huyện Hương Khê, tính đến sáng 16/9, mới có 37/215 HS mầm non, 35/255 HS tiểu học và 42/246 HS bậc THCS đến trường. Tuy so với một vài ngày trước, số HS được đến trường đã tăng, nhưng tỷ lệ rõ ràng vẫn là quá thấp.

Cô Phan Thị Anh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hương Bình chia sẻ: “Năm học này, Trường Tiểu học Hương Bình có 255 em/10 lớp. Để chuẩn bị cho năm học mới, trường đã tổ chức tựu trường sớm, lúc đó số lượng HS đến trường đầy đủ.

Nhưng từ ngày 18/8 đến nay, mỗi ngày chỉ có từ 25 – 35 em đến lớp. Năm nay ngành GD Hà Tĩnh bắt đầu áp dụng việc dạy đại trà môn Tiếng Việt lớp 1 theo công nghệ mới cho các trường tiểu học, nhưng tình trạng này sẽ ảnh hưởng nhiều đến quá trình học của HS đầu cấp, đó là điều chúng tôi lo lắng nhất”.

Nguyên nhân là việc phụ huynh phản đối việc sáp nhập Trường THCS Hương Bình theo chủ trương của chính quyền địa phương, từ đó gây ảnh hưởng đến cả các HS cấp học dưới. Lý lẽ được người dân đưa ra là nếu không có trường cấp 2 thì không học mầm non hay tiểu học.

Một số phụ huynh khi được hỏi lí do cụ thể hơn, đều trả lời: “Làng không cho đi”.

Cô Phan Thị Anh cho biết trường đã 3 lần cho giáo viên đến tận các gia đình tuyên truyền, vận động phụ huynh đem con em đến trường. Nhà trường cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền phát trên hệ thống loa truyền thanh của xã hàng ngày, nhưng sự việc vẫn không biến chuyển.

Sáp nhập trường ở Hương Bình là hợp lý

Trở lại với việc sát nhập trường ở Hương Bình. Tháng 12/2011, Ban Chấp hành Đảng bộ Hà Tĩnh đã có Nghị Quyết 05- NQ/TU về việc phát triển nâng cao chất lượng GD&ĐT tỉnh đến năm 2015 và những năm tiếp theo.

Theo đó, ngày 8/8/2012, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định 2286/QĐ-UBND phê duyệt đề án quy hoạch hệ thống trường mầm non và phổ thông tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020.

Sau hơn 2 năm thực hiện đề án, quy hoạch trường lớp cơ bản đã hoàn thành đúng lộ trình, hệ thống trường lớp đã sắp xếp lại hợp lý, cân đối góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Bên cạnh thực hiện yêu cầu của quy hoạch mỗi xã có 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học, Hà Tĩnh cũng xây dựng thành công mô hình trường THCS liên xã để đảm bảo quy mô trên 16 lớp. Mô hình này đã được các tỉnh bạn tham quan học tập kinh nghiệm. Đến tháng 6/2014, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã sát nhập được 89 trường (từ 790 trường nay còn 692 trường).

Đối với xã Hương Bình (huyện Hương Khê), có 4.600 dân được chia làm 9 xóm. Năm học 2014 – 2015, toàn xã có 247 HS cấp THCS, phân thành 8 lớp. Theo kết quả điều tra, đến năm 2020, mỗi năm xã Hương Bình cũng chỉ có từ 215 – 230 HS cấp THCS, chỉ tính theo cách phân lớp như hiện nay (8 lớp), thì trung bình mỗi lớp chỉ có 25 – 29 HS. Trong khi đó, theo tiêu chuẩn của trường THCS, mỗi trường phải có từ 16 lớp trở lên.

Số liệu cho thấy, HS Trường THCS Hương Bình có quy mô trường, lớp quá nhỏ, không phù hợp với quy định của điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học (căn cứ theo Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 của Bộ GD&ĐT và Quyết định số 2286/QĐ-UBND ngày 8/8/2012 của UBND tỉnh Hà Tĩnh.

Chưa kể, với quy mô 8 lớp theo quy định của Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ, chỉ bố trí được 15 giáo viên (1,9 giáo viên/lớp) trên tổng số 14 môn giảng dạy; đồng thời tránh tình trạng giáo viên phải dạy chéo môn, làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy học. Do đó, việc sát nhập trường là cần thiết và bắt buộc phải làm.

Sau sáp nhập, HS Hương Bình sẽ được chia ra hai trường: THCS Hòa Hải và THCS Phúc Đồng. HS các làng xa nhất xã cũng đi học không quá 8,5 km, không qua sông suối, thuận lợi hơn so với HS Hương Liên đi Hương Lâm; HS Hương Đô đi Phúc Trạch, Hương Trà… (thông tin này được trường tiểu học, THCS, UBND xã Hương Bình, Phòng GD&ĐT Hương Khê xác minh và UBND huyện Hương Khê đã có Văn bản số 932/UBND ngày 27/6/2014 báo cáo UBND tỉnh Hà Tĩnh).

Kết luận cho thấy việc sát nhập Trường THCS Hương Bình vào các trường THCS Hòa Hải, Phúc Đồng vừa đảm bảo tính khoa học, vừa phù hợp với thực tế, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài.

Ông Hoàng Công Lý – Phó Chủ tịch huyện Hương Khê cho biết: “Ngày 9/9, Chủ tịch UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo nhanh chóng giải quyết xong việc nhập trường, ổn định tình hình học tập. Chủ trương nhập trường không có gì thay đổi. Huyện sẽ tiếp tục rà soát, bố trí cho những em HS bậc THCS ở xã Hương Bình có hoàn cảnh khó khăn được học tại trường trung học nội trú.

Những HS chưa có xe đạp hoặc khoảng cách đến trường từ 6 km trở lên thì được hỗ trợ mua xe đạp; UBND huyện đã quyết định miễn học phí cho HS bậc THCS của xã Hương Bình khi đến trường học mới”.

Cũng theo ông Lý, hiện nay huyện đã quyết định bàn giao Trường THCS Hương Bình cho UBND xã sử dụng. UBND huyện đã mua sắm đủ bàn ghế cho HS học ở Hòa Hải và Phúc Đồng để đón HS đến lớp.

“Vì mục tiêu chung để thúc đẩy sự phát triển GD&ĐT địa phương, việc sát nhập, thay đổi trường học là bắt buộc để củng cố lại trường lớp, tập trung nâng cao chất lượng.

Việc này có thể làm cho đoạn đường đến trường xa thêm vài cây số, khó khăn hơn cho HS và phụ huynh. Nhưng mỗi một ngày chậm đến trường là một ngày con em chậm kiến thức. Vì tương lai con em chúng ta, các bậc phụ huynh hãy để con em đến trường càng sớm càng tốt”, ông Lý đề nghị.

Được học tập là quyền đặc biệt của trẻ em. Điều này đã được Hiến pháp, Pháp luật nước ta quy định. Vì thế, việc cấm con em từ bậc mầm non đến tiểu học và THCS đến trường của nhiều phụ huynh ở Hương Bình đã và đang làm là trái với pháp luật. Vi phạm Luật BVCS&GD Trẻ em 2004. Cụ thể, ở Khoản 8, Điều 7 của Luật BVCS&GD Trẻ em 2004 quy định: Nghiêm cấm các hành vi trong đó có hành vi “cản trở việc học tập của trẻ em”; Khoản 1, Điều 28 cũng chỉ rõ “Gia đình, Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm cho trẻ em thực hiện quyền học tập; học hết chương trình giáo dục phổ cập; tạo điều kiện cho trẻ em theo học ở trình độ cao hơn.

Minh Thư

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP