Hương Khê

Hơn 100 ha đất rừng của Công ty Cao su Hương Khê bị lấn chiếm: Đừng để “cái sảy nảy cái ung”!

Như đã phản ánh, cuối năm 2012, trong khi công nhân Công ty Cao su Hương Khê đang tiến hành khai hoang vùng đất đã được UBND tỉnh cho thuê tại xã Hòa Hải (tại Quyết định Số 3202/QĐ-UBND, ngày 26/12/2012) để chuẩn bị trồng mới cao su tại xã Hòa Hải, một số người dân đã ngăn cản không cho Công ty thực hiện.

Không những thế, họ còn ngang nhiên phát sẻ, lấn chiếm hàng chục ha đất rừng của Công ty để trồng keo. Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo huyện Hương Khê xử lý dứt điểm. Thế nhưng, sau gần nửa năm kể từ khi có sự chỉ đạo của tỉnh, diện tích đất rừng của Công ty vẫn tiếp tục bị chiếm và hiện tại đã lên đến hơn 100 ha!


Ngày 18/1/2013, UBND tỉnh có Công văn số 231/UBND-NL, về việc đảm bảo ANTT và phát triển cao su tại xã Hòa Hải, do Phó Chủ tịch Lê Đình Sơn ký, gửi huyện Hương Khê và các sở, ngành liên quan giao trách nhiệm cụ thể và yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc nội dung công văn. Trong đó, “yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Hương Khê chỉ đạo sâu sát, thực hiện đồng bộ các giải pháp, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng xung đột, tranh chấp, làm ảnh hưởng đến ANTT…”.


Mặc dù vậy, trên diện tích rừng tại tiểu khu 192 xã Hòa Hải của Công ty Cao su Hương Khê, người dân vẫn ngang nhiên thực hiện các hành vi lấn chiếm…Vào một ngày cuối tháng 5, khi chúng tôi tiếp cận thực tế, thì cả một vùng diện tích rừng khá lớn đã được người dân tự ý phát trắng; hàng chục ha cây keo đã được trồng lên… Những chiếc lều, lán vẫn hiên ngang tồn tại, cùng với những phương tiện đi rừng của người dân trong lán.


Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Hữu Tân – Chủ tịch UBND huyện Hương Khê tỏ ra khá cương quyết: “Thái độ của huyện là tập trung giải quyết… Đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho Công ty… Mọi hành vi lấn chiếm, sẻ phát đất, rừng đã giao cho Công ty là vi phạm pháp luật”.


UBND huyện Hương Khê đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đối với các phòng, ban… liên quan và xã Hòa Hải, đặc biệt là sau khi có Văn bản số 231/UBND-NL ngày 18/1/2013 của UBND tỉnh về việc đảm bảo ANTT và phát triển cao su tại xã Hòa Hải.


Tuy nhiên, điều đáng tiếc là huyện đã chậm nhận ra những khó khăn, vướng mắc và cả sự bất lực của xã, cũng như việc thống nhất trong chỉ đạo của mình. Có những vị lãnh đạo ở Hòa Hải đã nói với chúng tôi rằng: “Làm sao giải quyết được khi trong lãnh đạo xã có 3-4 người nhà tham gia cản trở, lấn chiếm… đất của doanh nghiệp…”.


Cùng với đó, nhiều cán bộ, đảng viên còn cho rằng, xã, huyện không chỉ thiếu quyết liệt trong tổ chức ngăn chặn, xử lý những đối tượng vi phạm pháp luật mà còn không thống nhất trong chỉ đạo, kể cả khi đã có văn bản chỉ đạo của tỉnh. Nhiều đảng viên cốt cán trong xã tỏ thái độ không bằng lòng với cách giải quyết vấn đề tại cuộc đối thoại trực tiếp với nhân dân vào ngày 5/3/2013 của ông Lê Trần Sáng – Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, người sau này là Tổ trưởng Tổ Công tác chỉ đạo giải quyết việc lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp tại tiểu khu 192.


Theo họ, giữa lúc “nước sôi, lửa bỏng”, nhạy cảm như thế thì việc một ông Phó Chủ tịch huyện trong ý kiến phát biểu chỉ đạo của mình đã kết luận: “xã sai”, và còn nghi ngờ đến việc sử dụng số tiền 1,6 tỷ đồng Công ty nộp vào ngân sách xã là thiếu căn cứ, không đúng chỗ, chẳng khác nào “đưa xăng dập lửa”… Và trên thực tế, sau buổi đối thoại đó, số hộ tham gia sẻ phát, lấn chiếm… đất của Công ty tại tiểu khu 192 tăng lên nhanh chóng!


Về phía xã Hòa Hải, cả Chủ tịch UBND và Bí thư Đảng ủy xã đều nhìn nhận rằng, để xảy ra tình trạng này, lãnh đạo địa phương thừa nhận khuyết điểm về sự yếu kém của địa phương mình và sẵn sàng nhận kỷ luật. Họ cho rằng, vấn đề đã vượt quá tầm, địa phương không thể giải quyết nổi. Trong khi đó, đoàn công tác của huyện lại nói rằng, huyện không thể đi làm việc này cho xã mà huyện chỉ chỉ đạo, còn xã là người phải làm nên cũng rất khó… Cả bí thư lẫn chủ tịch xã đều cho rằng, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ngành cấp trên.


Hòa Hải đang còn gần 500 ha đất rừng chưa giao nên không thể nói là người dân thiếu đất rừng. Doanh nghiệp được tỉnh cho thuê đất hợp pháp nên trách nhiệm đảm bảo ANTT, bảo về quyền lợi chính đáng cho họ là của cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng địa phương. Việc người dân ngang nhiên cản trở, phát sẻ rừng, lấn chiếm đất của Công ty Cao su Hương Khê là việc làm vi phạm pháp luật, cần sớm ngăm chặn.


Theo tìm hiểu của chúng tôi, hướng giải quyết vấn đề trên đã được huyện Hương Khê đề ra khá căn bản trong các văn bản chỉ đạo gần đây. Giờ chỉ cần quyết liệt, thống nhất, khẩn trương, sâu sát và hiệu quả hơn trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai thực hiện. Chỉ có vậy mới không để “cái sảy nảy cái ung”.


Nhóm P.V

Báo Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP