Lời kể của bà cũng giúp tôi hiểu sâu sắc hơn cả về con người đời thường cũng như cuộc đời tận hiến cho khoa học của một nhà khoa học, nhà giáo, nhà chính trị tài năng, đức độ của nước nhà.
“ Trước khi đi đến tình yêu, anh Tứ và tôi đã là những người bạn thân. Các đoàn lưu học sinh ở nước ngoài, trước khi vào các trường ĐH của bạn đều có 1 năm học ngoại ngữ tập trung. Trong đoàn đi Trung Quốc hơn 200 người, đã tập trung học trung văn 1 năm tại Quế Lâm, anh Tứ và tôi đều được phân vào 1 tổ tâm giao 3 người: Tôi, Anh Tứ và Lê Đậu (học sinh trẻ nhất lớp), để giúp đỡ nhau học tập. Trước đó, trong những ngày chỉnh huấn ở Việt Bắc, tôi và Anh đều được phân cùng 1 tổ, tổ học sinh, sinh viên. Vì thế chúng tôi đã hiểu nhau, mến nhau và thân nhau nhưng cũng chỉ coi nhau như là bạn. Trong năm học ngữ chuyên, chúng tôi cũng chơi thân với nhau nhưng không vượt quá giới hạn bạn bè. Ngày chia tay, anh Tứ và tôi mỗi người đi một ngành, anh về Vũ Hán, tôi đi Quảng Châu.Những năm tháng học Y đối với tôi thật vất vả, vừa vì chưa từng qua trường Y, phần vì vốn tiếng Hán không đủ. Tôi phải học ngày, học đêm đến 1-2h sáng nên không có thời gian để nghĩ đến người bạn thân.
Thế rồi sau 2 năm “biệt tăm”, Anh Tứ viết cho tôi 1 bức thư nhờ mua cho Anh chiếc đồng hồ và một bức thư cho các bạn trong tổ. Nhưng tất cả đều trêu tôi vì nhờ mua đồng hồ và thư cho anh em chỉ là cái cớ để liên lạc với tôi! Và cũng từ đó chúng tôi có thư đều cho nhau. Nhưng rồi một hôm anh kêu buồn vì phải đi Liên Xô xa mất bạn bè và phàn nàn tôi viết thư cho Anh phập phù nên đề nghị tôi viết đều cho Anh hàng tháng. Một tháng bằng tầu hỏa thư đi phải vài tuần. Anh đề nghi tôi gửi bằng máy bay. Máy bay 1 tháng một lần Anh cũng kêu lâu quá và đề nghị tôi viết cho Anh mỗi tuần một thư. Tôi kêu vì không biết viết gì, Anh bảo là viết nhật ký, hằng ngày có gì, làm gì, nghĩ gì thì ghi lại rồi gửi cho Anh. Anh cũng làm như vậy. Chúng tôi đã có thói quen ghi nhật ký từ đó.
GS.Nguyễn Đình Tứ và GS.Nguyễn Thu Nhạn sau ngày cưới. Ảnh do nhân vật cung cấp
Chính từ những bức thư tuy không hề nói gì đến tình yêu, không có từ nào âu yếm, đã làm tôi thấy gần gũi Anh, hình như tuần nào không có thư Anh , tôi như thấy thiếu thốn một thứ gì khó tả. Và khi hiểu ra rằng, chúng tôi đã không thể thiếu nhau, khi đó những lá thư của chúng tôi đã được đánh số là 1.000. Và kết thúc học kỳ thứ 5, tôi nhận bằng bác sĩ thì Anh cũng về Bắc Kinh đẻ đón tôi về Hà nội để làm lễ cưới, mà đám cưới chúng tôi ngày đó, (ngày 10.10.1959), chủ yếu là bạn bè của lớp lưu học sinh. Sau ngày cưới, chúng tôi về thăm quê 10 ngày, rồi trở về Hà Nội và có 2 tuần trăng mật trong gian phòng của gia đình Anh Bình cho mượn tại phố thuốc Bắc. Chúng tôi đã có những ngày hạnh phúc bên nhau để rồi sau đó, ngày 1/11/1959, chúng tôi lại lên tàu liên vận Hà Nội – Bắc Kinh để đưa tôi về lại bệnh vện Nhi đồng Bắc Kinh tiếp tục học chuyên khoa Nhi và Anh thì tiếp tục sự nghiệp của mình ở Ddupna cho đến năm 1962 với tôi và năm 1963 với Anh, và cũng từ đây, những bức thư Bắc Kinh-Dupna lại tiếp tục đều đặn hàng tuần. Sau một năm học của tôi, hè năm ấy (1960) Anh quyết định về Bắc Kinh thăm tôi, một tháng hè ấy, anh nghỉ tại nhà khách của Đại sứ quán Bắc Kinh, còn tôi hè thì nghỉ học chuyên môn nhưng lại học chính trị. Ngày ngày tôi vẫn phải về trường để học, còn anh thì loanh quanh trong sứ quán chờ tôi đến tối mới về. Tôi thì rất băn khoăn vì không làm được gì chăm sóc anh, nhưng anh thì vẫn tỏ ra bình thản chịu đựng vì hiểu đó là việc làm cần thiết của 1 công dân Việt Nam khi tổ quốc còn nhiều khó khăn trong chiến tranh mà chúng tôi thì được học tập, an lành ở đây.
GS.Nguyễn Đình Tứ. Ảnh do nhân vật cung cấp
Một tháng hè kết thúc, anh lại bay về Mạc Tư Khoa-Đupna để tiếp tục công việc nghiên cứu của mình trong phòng thí nghiệm, còn tôi lại ngày ngày đến với các cháu bệnh nhân, những bức thư tình giờ đây lại tiếp tục qua lại trên bầu trời Bắc Kinh-Mạc Tư Khoa. Công việc hằng ngày của anh và tôi có nhiều hứng thú làm say mê cả 2 người nên rồi 1 năm qua đi không có gì khó khăn. Bấy giờ anh bảo tôi: “ Thôi hè năm nay anh sẽ đón em qua đây với anh, chắc em không từ chối vì có một dịp may đi thăm đất nước Liên Xô” tôi mừng rỡ rồi đi báo cáo với tập thể và sứ quán, họ đều đồng ý cho tôi đi phép 1 tháng sang thăm chồng. Và trong thời gian hạnh phúc ở nước Nga, chúng tôi quyết định sẽ có con. Tôi sinh người con đầu lòng ngày 11 tháng 5 năm 1962 (sau 3 năm chúng tôi kết hôn) và đặt tên cho cháu là Nguyễn Mạc Hà (tức Mạc Tư Khoa-Hà Nội).
Hiếu Nguyễn (ghi)
(Còn tiếp)
GDTĐ