Cảng Xuân Hải do Công ty CP Cảng Vũng Áng Việt – Lào quản lý, nằm sâu trong nội địa, thuộc địa phận xã Xuân Hải (Nghi Xuân). Đây là bến cảng được đưa vào sử dụng những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước để phục vụ việc vận chuyển hàng hóa, đạn dược, hậu cần cho chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau ngày thống nhất đất nước, Cảng Xuân Hải hợp cùng Cảng Cửa Lò (Nghệ An), tạo thành một vùng nhộn nhịp hàng hóa xuất nhập khẩu, phục vụ sự phát triển KT-XH tỉnh Nghệ Tĩnh lúc bấy giờ và một phần của nước bạn Lào. Tuy nhiên, sự phồn thịnh của Cảng Xuân Hải lụi tàn dần khi các đoàn tàu pha sông biển (VR-SB) dừng hoạt động để nhường thị phần cho các đoàn xe vận tải siêu trường, siêu trọng trên bộ. Những công nhân có kinh nghiệm, tay nghề cùng thiết bị bốc xếp hiện đại được đơn vị chủ quản điều vào làm việc tại Cảng Vũng Áng. Lao động trụ lại Xuân Hải chủ yếu là lực lượng bảo vệ và các đối tượng chính sách. Những năm gần đây, hàng hóa ít ỏi, Cảng Xuân Hải lâm vào cảnh vắng như “chùa Bà Đanh”. Đã có lúc, người ta bàn đến chuyện bán Cảng Xuân Hải cho tư nhân hay chuyển đổi công năng…
Xi măng được vận chuyển bằng tàu thủy từ phía Bắc vào và bốc lên xe vận chuyển về các đại lý tiêu thụ. |
Trưởng đại diện Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh phụ trách Cảng Xuân Hải – Đinh Văn Long cho biết: “Tháng 4/2014, Bộ GTVT siết chặt việc quản lý tải trọng xe trên các tuyến quốc lộ; sau đó, Cục Hàng hải Việt Nam mở các tuyến vận tải thủy nội địa, đưa các đội tàu VR-SB vào hoạt động, chúng tôi xác định, đây là thời cơ hồi sinh các cảng nội địa, trong đó có Xuân Hải. Cảng vụ Hàng Hải đã chủ động mời các doanh nghiệp (DN) vận tải và cơ quan quản lý nhà nước có liên quan về Cảng Xuân Hải để thông báo chủ trương của Bộ GTVT, lợi ích của vận tải đường thủy…
Cảng vụ còn làm đầu mối kết nối và tư vấn cho DN vận tải trong tỉnh với các đội tàu VR-SB; phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện nhanh chóng mọi thủ tục cho tàu thuyền. Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh còn chủ động làm việc với Cảng Xuân Hải về an toàn, an ninh hàng hải và ngăn ngừa ô nhiễm môi trường đối với tàu vận tải ven biển; sắp xếp lịch làm hàng và điều động tàu hợp lý, hiệu quả. Ngoài việc hướng dẫn thủy thủ tàu VR-SB về pháp luật hàng hải, quy trình thủ tục, đặc biệt là thông tin về các trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải, tần số liên lạc các đài duyên hải…, cán bộ trực ban còn thường xuyên tham mưu, hướng dẫn thuyền trưởng về biên độ thủy triều để tàu ra vào luồng thuận lợi, an toàn…
Hồi sinh…
Khi chúng tôi ghé thăm Cảng Xuân Hải, ấn tượng đầu tiên là cảnh đoàn xe chở gỗ từ nước bạn Lào đậu dài hàng km để đợi bốc hàng. Bãi hậu cảng rộng hàng chục nghìn m2 ngày nào còn trống huơ, trống hoác, nay từng đống gỗ tròn, dăm gỗ, thạch cao… chất kín; hàng chục phương tiện máy cẩu, xe nâng, máy xúc, ô tô hoạt động liên tục. Hai cầu cảng chật ních tàu đợi lốt làm hàng. Ngoài luồng, còn dăm, bảy con tàu đang neo đợi.
Khu hậu cảng ngày nào vắng ngắt giờ hàng hóa ra vào tấp nập |
Phó Giám đốc Cảng Xuân Hải – Trần Hậu An phấn khởi: Từ tháng 9 đến nay, số tàu và hàng thông qua cảng tăng đột biến, khoảng 40 nghìn tấn/tháng. Đây là con số kỷ lục trong nhiều năm lại nay. Với đà này, nửa triệu tấn hàng hóa thông qua cảng trong năm 2014 nằm trong tầm tay. Tuy quá tải gấp hai, ba lần công suất thiết kế cầu cảng nhưng đây là điều mơ ước của những công nhân bốc xếp ở đây… Dự báo trước tình hình, Công ty CP Cảng Vũng Áng Việt – Lào đã điều động lực lượng bốc xếp “thiện chiến”, cùng các phương tiện từ Vũng Áng ra hỗ trợ. Đơn vị đã ký hợp đồng với hàng chục lao động địa phương (được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, huấn luyện về an toàn lao động, cháy nổ…) nên đáp ứng được nhu cầu giải phóng nhanh hàng hóa.
Với kinh nghiệm xếp dỡ hàng hóa từ Cảng Vũng Áng, đơn vị luôn triển khai 3 ca, 4 kíp làm hàng, đẩy công suất lên 1.000 tấn/ ngày… Hàng hóa về Cảng Xuân Hải ngày càng tấp nập, như: gỗ tròn, thạch cao (từ Lào); vật liệu xây dựng, than đá từ phía Bắc; dăm gỗ đi Trung Quốc… Cảng Xuân Hải được các DN vận tải thủy, bộ lớn chọn làm điểm đến như: Hoành Sơn, Thông Thúy, Bình Nguyên, Viết Hải (Hà Tĩnh); Thanh Thành Đạt, Đức Hạnh, Đồng Tâm (Nghệ An)… cùng hàng loạt công ty vận tải đường thủy phía Bắc. Giám đốc DN vận tải Thông Thúy – Trần Cao Thông cho biết: “Cảng Xuân Hải đã “giải” cho chúng tôi bài toán quá tải đường bộ. Giờ đây, thạch cao từ Lào về nhanh chóng được vận chuyển đến các nhà máy xi măng bằng tàu thủy, đảm bảo hợp đồng đã cam kết, vừa không lo quá tải”.
Ông Phạm Thành Dương – Thuyền trưởng QN 7788 có tải trọng 1.800 tấn của Công ty TNHH Vận tải Việt Thuận (Quảng Ninh) cho biết: “Giá vận tải đường thủy bằng 1/2, thậm chí 1/3 so với vận tải đường bộ, nên kể từ khi mở lại tuyến vận tải thủy nội địa từ Hải Phòng, Quảng Ninh vào các tỉnh Bắc Trung bộ, chúng tôi có điều kiện quay vòng nhanh do lượng hàng hóa ở Xuân Hải nhiều và đa dạng”.
Lời kết
Khó khăn nhất hiện nay đối với Cảng Xuân Hải là chiều dài cầu cảng ngắn nên tàu đến cảng không đủ nơi đậu, phải chờ đợi xếp lốt. Luồng ra vào cảng cạn (-1,8m) nên tàu tải trọng lớn phải chờ thủy triều lên cao mới ra vào được. Bên cạnh đó, hệ thống đường giao thông nối từ quốc lộ 1 xuống Cảng Xuân Hải chưa được mở rộng; thiết bị bốc xếp, hệ thống kho bãi, khu hậu cảng cần sớm được nâng cấp, mở rộng. Theo Trưởng đại diện Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh – Đinh Văn Long: “Luồng vào Cảng Xuân Hải đang chuẩn bị được tiến hành nạo vét để đón tàu 3.000 tấn. Cùng với việc khắc phục những yếu điểm trên thì đây chính là cơ hội để Xuân Hải phát triển hơn nữa”.
Đức Thiện