Giáo dục

Học sinh nghèo miền núi “dài cổ” chờ tiền hỗ trợ

Quyết định 53 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên theo học trung cấp, cao đẳng đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. Tuy nhiên đến thời điểm này, hàng trăm học sinh nghèo miền núi đang theo học tại các trường dạy nghề tại Quảng Ngãi vẫn "dài cổ" chờ tiền hỗ trợ.

Em Hồ Văn Nam (xã Trà Tân, huyện Trà Bồng) hiện là học viên chuyên ngành Cơ khí của trường Trung cấp nghề Quảng Ngãi (thuộc Sở LĐ, TB & XH).

Hồ Văn Nam mồ côi cả cha lẫn mẹ nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Chính vì vậy, mức hỗ trợ 100% mức tiền lương cơ sở/tháng theo Quyết định 53 chính là động lực giúp Nam mạnh dạn đăng ký theo học nghề tại trường Trung cấp nghề Quảng Ngãi.

"Lúc đầu em cũng muốn đi học nghề nhưng không có tiền, sau đó nghe được hỗ trợ hơn 1 triệu mỗi tháng nên em mừng quá đăng ký đi học mong có nghề nghiệp ổn định. Tuy nhiên hơn 1 năm qua em vẫn chưa được nhận số tiền hỗ trợ này", Nam nói.

Hồ Văn Nam và nhiều học viên đang theo học nghề tại trường Trung cấp nghề Quảng Ngãi gặp nhiều khó khăn do chế độ hỗ trợ theo Quyết định 53 chậm được chi trả.

Từ huyện miền núi Trà Bồng xuống trung tâm TP. Quảng Ngãi học nghề nên mọi thứ đều cần đến tiền. Thế nhưng đợi mãi tiền hỗ trợ vẫn không thấy đâu buộc Nam phải đi làm thuê, thậm chí vay nóng để có tiền trang trải cuộc sống.

Đều đặn như thế hơn 1 năm qua, cứ cuối tuần Nam phải ngược núi xin bóc vỏ keo thuê. Đến mùa mưa, hoạt động bóc vỏ keo tạm dừng nên Nam đành vay nóng 2 triệu đồng trang trải cho việc học.

"Em mượn 2 triệu đồng mỗi tháng phải trả 60 ngàn đồng tiền lãi. Không có tiền nên mỗi ngày tiền ăn của em chỉ 10 ngàn đồng vì vậy mỗi bữa ăn chỉ có rau, mắm thôi. Mong sao được nhận tiền hỗ trợ để em trả bớt nợ", Nam chia sẻ.

Không chỉ Nam mà 90 học viên tại trường Trung cấp nghề Quảng Ngãi cũng đang "mòn mỏi" đợi tiền hỗ trợ theo Quyết định 53. Đây là những học viên thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo ở miền núi nên việc chậm chi trả tiền hỗ trợ suốt một thời gian dài khiến cuộc sống, việc học tập của các em gặp rất nhiều khó khăn.

Thầy Dương Hồng Sơn - Phó Trưởng Phòng Đào tạo, Trường Trung cấp nghề tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: Chế độ hỗ trợ cho học viên theo học nghề tại trường bị treo suốt 2 năm qua khiến cuộc sống của các em gặp rất nhiều khó khăn.

Để chia sẻ khó khăn với các em, nhà trường phải tạm ứng tiền mua gạo, đồng thời vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm hỗ trợ thêm kinh phí cho các em.

"Học sinh của nhà trường có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nên để theo học tại TP. Quảng Ngãi các em cần phải có nguồn kinh phí hỗ trợ hàng tháng. Tuy nhiên, chế độ hỗ trợ cho các em lại bị treo quá lâu. Nhà trường rất mong chính sách sớm được thực hiện để gỡ khó cho cả học sinh và nhà trường", thầy Sơn kiến nghị.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lâm Tấn Đông - Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở LĐ, TB & XH xác nhận: tại Quảng Ngãi có 2 trường trung cấp nghề công lập thuộc Sở triển khai thực hiện chính sách này thì cả 2 trường đều chưa nhận được tiền hỗ trợ để chi trả cho học sinh, sinh viên.

Quyết định 53 có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 nhưng đến nay học sinh nghèo miền núi của Quảng Ngãi vẫn chưa được tiếp cận kinh phí hỗ trợ trong 2 năm 2016 - 2017

Lý giải về nguyên nhân chậm trễ kéo dài, ông Đông cho biết, Quyết định 53 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016 nhưng mãi đến ngày 16/6/2016 liên Bộ LĐ - TB & XH, Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính mới ban hành Thông tư Liên tịch số 12 hướng dẫn thực hiện.

Đối với tỉnh Quảng Ngãi là địa phương chưa tự cân đối được ngân sách nên ngân sách Trung ương sẽ cân đối cho tỉnh để thực hiện chính sách này. Vì vậy, tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương để thực hiện chế độ chính sách chưa được bố trí trong định mức chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2017.

Ngày 28/7/2017, Sở Tài chính đã kiểm tra và trình UBND tỉnh Quảng Ngãi kinh phí thực hiện Quyết định 53 trong 2 năm 2016 và 2017 với tổng kinh phí gần 1,3 tỷ đồng.

"Hiện Sở Tài chính đang tổng hợp trình UBND tỉnh giải quyết bổ sung trong thời gian chỉnh lý quyết toán năm 2017 để các trường chi trả cho học sinh. Năm 2018, nhiệm vụ này được UBND tỉnh giao trong dự toán ngay từ đầu năm nên sẽ không xảy ra tình trạng chậm trễ như 2 năm qua", ông Đông khẳng định.

Tác giả: Quốc Triều

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP