Chiều 24/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành bàn về lộ trình mở cửa trường học; phương án, kế hoạch và lộ trình mở cửa đón khách du lịch an toàn, hiệu quả.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết, đến nay, cả nước có 14 địa phương đang cho học sinh đi học trực tiếp, 30 địa phương học trực tiếp kết hợp trực tuyến, 19 địa phương còn đang học trực tuyến hoặc qua truyền hình.
Trường học trên địa bàn huyện Thanh Trì (Hà Nội) tổ chức diễn tập công tác đón học sinh trở lại trường học sau một thời gian dài tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch COVID-19. |
Bộ GD&ĐT đã tổ chức một số cuộc hội thảo, tham vấn ý kiến với các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục, y tế về phương án đưa trẻ trở lại trường, và nhận được các ý kiến đồng thuận, cũng như những ảnh hưởng tiêu cực về tâm sinh lý khi trẻ ở nhà quá lâu.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong triển khai kế hoạch đưa trẻ trở lại trường theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Về mở cửa trường học, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết: "Theo kiến nghị của các địa phương, đến ngày 7/2, dự kiến có 49 tỉnh, thành phố triển khai học trực tiếp, 14 tỉnh dự kiến cho trẻ trở lại trường vào ngày 12/2. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ GD&ĐT là đưa trẻ trở lại trường trên tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, bảo đảm quyền lợi của các cháu".
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn bày tỏ quan điểm của Bộ Y tế cơ bản ủng hộ kế hoạch đưa trẻ trở lại trường sau Tết. Tuy nhiên, trong dịp Tết, chúng ta cần hết sức cảnh giác, theo dõi sát diễn biến dịch bệnh trong Tết, nhất là đối với biến chủng Omicron. Sau Tết, Bộ Y tế sẽ có đánh giá cụ thể tình hình dịch để góp ý cho Bộ GD&ĐT về kế hoạch đưa trẻ trở lại trường.
Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn lưu ý, trước khi học sinh quay trở lại trường, cần chuẩn bị tinh thần cho cả phụ huynh và học sinh.
Trong những ngày đầu học sinh quay trở lại trường cần có các hoạt động hội nhập, tương tác xã hội và kỹ năng khác. Bởi sau thời gian dài học trực tuyến, sẽ có trường hợp học sinh ngại học trực tiếp, giáo viên ngại dạy trực tiếp, do đó, cần hỗ trợ để học sinh hứng thú, mong muốn được học trực tiếp, giáo viên thích ứng trở lại với dạy trực tiếp.
Với hình thức dạy trực tuyến trong 2 năm qua, lãnh đạo Bộ GD&ĐT nêu rõ: Không vì học sinh trở lại học trực tiếp mà lãng phí hình thức dạy học này; ngược lại cần tăng cường những yếu tố tích cực của dạy học trực tuyến để hỗ trợ dạy học trực tiếp.
Trọng tâm của năm 2022 là củng cố, bù đắp kiến thức cho học sinh để chuẩn bị tốt nhất cho những năm tiếp theo. Vì vậy, khi học sinh trở lại, các nhà trường cần tập trung hỗ trợ kiến thức, tâm lý cho học sinh, thực hiện đánh giá, phân nhóm phù hợp để hỗ trợ hiệu quả.
Tác giả: Đỗ Vi
Nguồn tin: suckhoedoisong.vn