“Thập diện mai phục”
Vẫn ẩn mình, âm thầm theo dõi hoạt động của các băng nhóm Học hộ – Thi thuê trên mạng xã hội. Vào một ngày giữa tháng 10, chúng tôi phát hiện trên một group của nhóm Học hộ – Thi thuê khắp Hà Nội xuất hiện một dòng tin: Sinh viên khoa BC, trường Nhân văn cần tìm người thi thuê môn tiếng Anh.
Một người chịu trách nhiệm làm “chim mồi”, cũng nhảy vào bình luận, trao đổi để tìm hiểu thông tin về người thuê, ngày thi, giờ thi… Những người còn lại trong nhóm nhảy vào tìm hiểu các dòng bình luận phía dưới. Theo thống kê nhanh, dưới dòng đăng tin tìm người, chúng tôi phát hiện có 4 khuôn mặt thuộc diện có “số má” trong giới thi thuê. Không ai bảo ai, cả nhóm phân chia đối tượng, thâm nhập vào nick facebook cá nhân ghi lại thông tin, hình ảnh. Sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, mất chừng 2 tiếng, chúng tôi đã có đầy đủ thông tin về tên tuổi, lớp học, khoa, thời gian, địa điểm buổi thi và các đối tượng nghi vấn có khả năng sẽ nhận thi thuê cho người này.
Một mũi mai phục của PV trước nhà G trong trường đại học Khoa học xã hội & Nhân văn. |
Cùng ngày, trên một nhóm Học hộ – Thi thuê khác, tiếp tục xuất hiện dòng tin cần người thi thuê trong trường đại học Tự nhiên. Cả nhóm tiếp tục dùng biện pháp cũ, tìm hiểu, phân loại, xác minh chính xác sinh viên đi thuê, người ngoài vào thi và các đối tượng có nhiều khả năng sẽ nhận thi thuê cho ca đó. Theo thông tin chính xác, các ca thi chủ yếu sẽ diễn ra trong hai ngày 25/11 và 26/11.
Quyết tâm tìm ra “vòi bạch tuộc” đang làm ảnh hưởng đến hai ngôi trường có uy tín thuộc hạng nhất nhì trong khối các trường đại học tại Hà Nội, chúng tôi nhanh chóng lên kế hoạch chi tiết “chiến dịch truy lùng” tìm các đối tượng thi thuê đang hoạt động tại đây. Do hai trường đại học này ở cạnh nhau, cổng ra vào trường nhiều, rất khó phát hiện các đối tượng, chúng tôi phải huy động thêm các phóng viên trong báo cùng thực hiện “chiến dịch”.
Theo kế hoạch, chúng tôi chia thành 5 mũi mai phục: Nhóm thứ nhất gồm (2 người) đảm nhiệm vị trí khu cổng phụ trường Nhân văn; nhóm thứ hai (có 2 người) chịu trách nhiệm tại khu vực cổng chính và cổng nhà xe; nhóm thứ ba (2 người) mai phục tại khu vực cổng chính trường Tự nhiên; 2 nhóm còn lại (gồm 3 người) làm nhiệm vụ “chim mồi” tiếp cận các phòng thi. Để công việc đạt hiệu quả, tránh sơ suất bỏ lọt người có dấu hiệu nghi vấn, cả nhóm bỏ ra hàng tuần trời để nhớ mặt các đối tượng được đánh giá sẽ đội lốt người khác vào phòng thi.
Sau khi sắp xếp “lực lượng truy lùng” vào các vị trí trọng yếu, chúng tôi tiếp tục lên kế hoạch chi tiết về các phương án tiếp cận. Đánh giá, các đối tượng này từng nhiều năm hoạt động trong nghề thi thuê, nên chúng luôn đề cao cảnh giác. Chỉ cần bị bại lộ, ngay lập tức chúng sẽ “thu vòi”, tiếp đến là thông báo trên các diễn đàn Học hộ – Thi thuê về tình hình. Lúc đó, “chiến dịch” sẽ bị đổ bể. Trước những tình huống cấp bách đặt ra, suốt hàng tuần trời, cả nhóm luôn thấp thỏm chờ đợi đến ngày “xuất quân”.
Tiếp cận, vạch mặt kẻ đội lốt vào phòng thi
6h ngày 26/11, chúng tôi có mặt tại khu vực trường Tự nhiên. Các mũi mai phục nhanh chóng vào vị trí. Người chúng tôi theo dấu có tên là Trần Thị S. (mã sinh viên: 100…, SN: 25/9/19…, lớp K55…). Khu vực chúng tôi tập trung theo dõi là phòng 3xx nhà T5. Đến 9h, một trong những đối tượng thi thuê nằm trong danh sách xuất hiện tại khu vực cổng trường, lập tức mũi theo dõi đang chốt phía cổng chính trường Tự nhiên thông báo. Lúc này, mũi làm nhiệm vụ “chim mồi” tiếp cận cửa phòng thi chờ sẵn. Chừng 15 phút, đúng như dự đoán, đối tượng thi thuê này đi thẳng đến cửa phòng thi chờ sẵn.
Tại cửa phòng, “chim mồi” trong vai người đi thuê cho một người khác tiếp cận, trao đổi. Qua tìm hiểu, đối tượng tên là N.P.M., M. được Trần Thị S. thuê vào phòng làm bài kiểm tra viết và nói tiếng Anh. Sau khi hoàn thiện, S. sẽ trả cho người này số tiền 100.000 đồng. Tại cửa phòng 3xx, M. dễ dàng “bịt mắt” giáo viên coi thi trong trường Tự nhiên vào phòng thi. Chừng 30 phút, M. hoàn thiện các phần thi và lặng lẽ rời phòng. Đến khu vực sảnh tầng 1, nhà T5, M. được S. giao số tiền 100.000 đồng và rời đi.
Ngày hôm sau, chúng tôi tập trung theo dõi các đối tượng trong khoa Txx trong trường Tự nhiên. Sinh viên chúng tôi tiếp cận là Nguyễn Thị H. (SN 12/09/19…, mã sinh viên: 11000…). Trên mạng xã hội, người này trực tiếp đứng ra đăng tin tìm người thi thuê cho mình môn tiếng Anh. Tại cửa phòng thi, chúng tôi phát hiện có 2 đối tượng nằm trong danh sách đã vào trao đổi với H.. Ngay lập tức, các mũi tập trung tiếp cận vào một đối tượng tên P. Tại cửa phòng thi, P. không giấu giếm cho biết, mình được H. thuê đi thi với giá 200.000 đồng. Số tiền trên sẽ được trả ngay sau khi hoàn thiện bài thi.
P. còn cho hay, ngay khi thi xong tại đây, chị phải sang bên trường Nhân văn, thi cho Trương Thị H. (SN 21/05/19…), mã số sinh viên: 10030…, khoa Báo chí. H. thuê P. thi kiểm tra môn tiếng Anh với giá 150.000 đồng. Số tiền trên sẽ được thanh toán ngay sau khi P. rời phòng. Nắm được thông tin, một mũi theo dõi được cắm sẵn trước cửa nhà G trường đại học Nhân văn. Theo ghi nhận, cán bộ coi thi trong trường Nhân văn làm việc khá thiếu trách nhiệm, trước khi đối tượng thi thuê tên P. vào phòng dễ dàng, chúng tôi còn phát hiện có ít nhất 2 đối tượng khác cũng đang hành nghề tại đây mà không gặp bất kỳ trở ngại nào. Đúng như lời P. nói, ngay sau khi hoàn thiện bài thi, Trương Thị H. chờ sẵn P. trên ghế đá trước cửa khoa Ngôn ngữ học giao tiền.
P. đưa đống thẻ giả để khoe thành tích vượt hàng loạt ca thi trong trường Nhân văn và Tự nhiên mà không gặp bất kỳ trở ngại nào. |
Vừa nhận tiền, P. lại vội vã quay lại trường Tự nhiên. Nghi vấn đối tượng này sẽ tiếp tục thực hiện ca thi mới, một mũi khác của nhóm chúng tôi nhanh chóng vào cuộc để tránh bị phát hiện. Đúng như những gì cả nhóm dự đoán, P. quay lại trường đại học Tự nhiên để thi thêm một ca nữa. Cũng với những chiêu bài cũ, chúng tôi nhanh chóng phát hiện người đứng ra thuê P. là sinh viên Phạm Thị Th.L. (SN 12/09/19…), sinh viên khoa Txxx, mã số sinh viên 11001… Cán bộ coi thi trong trường Tự nhiên khá dễ dãi, P. chỉ cần đưa thẻ giả mang thông tin của L. có gắn ảnh của mình là dễ dàng qua cửa vào phòng thi. Sau khi ca thi kết thúc, L. đón P. dưới phía cổng giáp trường Nhân văn để giao tiền và rời đi.
Đúng lúc này, chúng tôi tiếp cận P.. Qua vài thông tin về “nghề” và cách thức hoạt động trong nhóm, P. không chút nghi ngờ. P. chia sẻ: “Giáo viên coi thi trong trường này không khó lắm, nhiều khi tớ toàn lo xa mới phải làm thẻ giả, chứ không cứ đến cửa chờ họ đọc đến tên là vào”.
Phản hồi của lãnh đạo trường Đại học KD&CNHN: Biết có học hộ – thi thuê nhưng chưa thể ngăn chặnTrả lời báo Đời sống và Pháp luật, lãnh đạo trường đại học KD&CN cho hay, thông tin báo Đời sống và Pháp luật phản ánh là chính xác. Lãnh đạo nhà trường có nắm được thông tin các đối tượng thi thuê thường xuyên hoạt động trong các khu vực của trường, nhưng thông tin có đối tượng tên L. đứng ra thầu luôn loại dịch vụ này thì mới nghe. Hiện trường KD&CN đã đưa ra nhiều biện pháp cứng rắn nhưng vẫn chưa thể ngăn chặn được. |