Danh Nhân

Họ Hà- Những người tôi gặp, những chuyện tôi nghe

Họ Hà là một họ khá thuần nhất, có truyền thống Trung – Hiếu – Trí – Dũng – Liêm. Hồi học cấp II ở Trường Lưu, mấy chị em tôi đều được học văn với thầy Hà Văn Thông, một tú tài Tây, tuy dạy văn nhưng thầy lại giỏi toán. Thầy lớn tuổi hơn các thầy khác nhưng rất sát học sinh. Dù học sinh của thầy là cả một cụm xã gồm Nhân, Song, Trường, Nga, Phú (Lộc), tối nào thầy cũng đi, và đi bộ, đến từng nhà học sinh để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, phụ đạo thêm cho các trò của mình, bất kể môn gì; nếu là lớp thầy chủ nhiệm, còn được săn sóc chu đáo hơn…

Lên đại học, tôi lại được nghe thỉnh giảng bởi giáo sư Hà Văn Tấn, một trong “tứ trụ” của Khoa Sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội, cũng là của ngành Sử học Việt Nam: Lâm – Lê – Tấn – Vượng (Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng), không kể các cụ lớp trước như Trần Văn Giàu, Trần Huy Liệu… Trong bốn cụ ấy, đã ba cụ là người Hà Tĩnh. “Trẻ con” vốn hay tự hào và cục bộ; với thầy Tấn Khảo cổ, người đọc được cả chữ Phạn, chữ giáp cốt trên mai rùa, thầy và trò Tổng hợp ai cũng phục, tôi càng tự hào hơn vì thầy Tấn là em con ông chú của thầy Thông!Sau mấy cuộc chiến tranh dài đằng đẵng, năm 1982, tôi mới được về làm báo Nhân Dân và lại được gặp ba cây đại thụ họ Hà: hai ông quê Nam Định, hai anh em ruột là Thép Mới (Hà Văn Lộc) và Hồng Hà (Hà Văn Hồng); một ông là Tổng Biên tập, một ông là Phó Tổng Biên tập, phụ trách phía Nam, thỉnh thoảng mới ra trực xuất bản; quen biết rộng và khá sành ăn, thường hay rủ đám “đàn em” đi ăn thịt chó ở Ô Quan Chưởng… Ông này là một đại nghệ sĩ. Nếu là bài viết của ông hay những bài quan trọng thì ông chăm chút từng dấu phẩy, dấu hai chấm. Còn bài “nhàng nhàng” thì ông cứ ký đại và dặn: “Tao ký nhưng chúng mày phải chịu trách nhiệm”. Thế là cánh trẻ ở Ban Thư ký Biên tập chúng tôi phải vục đầu vào mà đọc, mà tra cứu để không được có một sai sót nào.Ông Hồng Hà là Tổng Biên tập nhưng rất mềm mỏng, không từng cáu và quát ai bao giờ. Ông có trí nhớ và sức làm việc kinh khủng. Hồi đó, xã luận, bình luận quốc tế báo Nhân Dân là rất quan trọng. Các ban Quốc tế, Kinh tế đưa lên đều được “nhuận sắc” chi chít; trừ bài bình luận thường sắc sảo, chắc chắn khác của một ông họ Hà (Hà Tĩnh) nữa: Ông Diệu Bình . Xong xuôi mọi thứ, ông Hồng Hà về rồi nhưng tổ đánh máy vẫn không dám về vì biết thế nào ông cũng sửa. Thường đi trên xe, ông vẫn đọc vanh vách từng câu, từng chữ để sửa chữ này, chữ khác cho “đắt”.Ban Thư ký báo Nhân Dân hồi trước làm việc tại tầng 2 nhà Ngân hàng ANZ bây giờ, chung tầng với Tổng Biên tập. Đầu những năm 80, đời sống khó khăn, nước máy cũng hiếm. Ở ngách tòa nhà có dãy buồng xép, chúng tôi thường gọi là “Phố Hàng Cống” (Báo Nhân Dân ở 71 phố Hàng Trống). Một hôm ông Thép Mới đưa cho tôi một cặp lồng: “Cơm thịt gà đấy, mày ăn đi, tao đi nhậu”. Hồi đó, cơm thịt gà là đỉnh. Ông đi rồi, tôi mở ra thì, eo ơi, đã mốc xanh mốc đỏ! Không biết ông bỏ từ đời nào! Ông Thép Mới là vậy, đã viết thì viết say sưa, quên hết mọi chuyện. Cặplồng cơm đã mấy ngày mà ông tưởng còn mới!


BÀI MỚI ĐĂNG

TOP