Đấy là lời nhắc nhở của anh bạn văn nghệ Hà Tĩnh, sau gần suốt cả ngày đường chúng tôi được dịp thưởng ngoạn khắp các địa chỉ văn hóa và lịch sử trên xứ sở “Trước Lam Thủy sau Hồng Sơn” vang danh văn vật. Danh họa Nguyễn Phan Chánh (1892-1984)-Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996, là bậc thầy tranh lụa Việt Nam. Ông sinh ra tại thôn Tiền Bạt xã Trung Tiết, H. Thạch Hà nay là P. Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Nói đến tranh Nguyễn Phan Chánh là nói đến trường phái tranh lụa Việt Nam, suốt một cuộc đời hội họa, ông đã để lại một sự nghiệp to lớn với hơn cả trăm tác phẩm. Tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, danh họa Nguyễn Phan Chánh là người giữ kỷ lục về số tác phẩm được lưu giữ tại đây… Nhưng tôi lại muốn nói về cái thuở ban đầu, về một thời những “Hoa sớm” bừng nở như thơ Phạm Hầu từng viết Cành mai vừa hé vài hoa sớm trong bài thơ “Mơ xuân” của ông. Phạm Hầu cũng là một họa sĩ xuất thân từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nhưng Nguyễn Phan Chánh là lớp sinh viên khóa đầu tiên của trường từ những năm 1925, còn Phạm Hầu là khóa sau cùng 1940. Và cho dù số phận mệnh yểu dở dang, Phạm Hầu cũng đã kịp ghi tên mình thành một nét son trong buổi đầu lịch sử mỹ thuật Việt Nam hội nhập cùng thế giới. Tuổi tên các họa sĩ đạt giải cao nhất tại các triển lãm tranh quốc tế thời bấy giờ như: Nguyễn Phan Chánh, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Gia Trí, Phạm Hầu… là những đóa “hoa sớm” tỏa ngát hương sắc, tạo dựng nên một bình minh huy hoàng cho nền mỹ thuật, thuở đất nước còn lầm lũi trong bóng đêm… Trời mỏng mảnh mưa rơi, nhẹ như khói, mặc chiếc áo mưa “tiện lợi” lào xào những âm thanh, tôi theo anh bạn văn nghệ Hà Tĩnh chạy xe máy lòng vòng khắp phố phường ngoại ô, rồi ngoặt vào một con đường làng dọc theo một dòng sông đã khô cạn. Cái dòng sông Tân Giang từng tắm gội tuổi thơ Nguyễn Phan Chánh thuở trăm năm trước giờ nó bồi lấp như thế này đây! Cạn khô nứt nẻ chơ vơ bùn đất và cây cỏ dại. Vài chiếc thuyền gỗ mục lâu đời như tự thời cổ tích xa xăm nằm gối bãi giống như bức tranh thủy mạc màu lam khơi gợi lại quá vãng một thời sông nước. Nhà lưu niệm danh họa Nguyễn Phan Chánh được dựng trong một khu vườn nhỏ bên cạnh dòng sông. Gọi là nhà lưu niệm nhưng thực ra chẳng thấy hiện vật lưu niệm gì. Tôi đứng bên bệ thờ thắp nén hương tưởng nhớ người xưa rồi bước ra lang thang dọc theo bờ sông cạn.
Nguyễn Nhã Tiên
CAND