Hà Tĩnh là tỉnh có tiềm năng nuôi tôm chân thẻ chân trắng trên cát (NTTC) tập trung tại các huyện: Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Lộc Hà và Kỳ Anh. Năng suất NTTC trong những năm gần đây liên tục tăng, đạt từ 12- 20 tấn/ha/vụ và có thể nuôi 2- 3 vụ/năm. Năm 2011, toàn tỉnh có 40 ha NTTC, chỉ bằng 1,7% tổng diện tích nuôi tôm nhưng sản lượng chiếm đến gần 20% tổng sản lượng với 550 tấn. Đặc biệt, doanh thu đạt lớn với bình quân từ 3- 5 tỷ đồng/ha/năm, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Nhằm khai thác hết tiềm năng, lợi thế quỹ đất cát hoang hóa ven biển, đưa NTTC trở thành một lĩnh vực sản xuất hàng hóa có giá trị cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đề án phát triển NTTC giai đoạn 2012- 2020, định hướng năm 2030 chú trọng phát triển NTTC theo hướng thâm canh công nghệ cao, an toàn sinh học và bảo vệ môi trường đi đôi với đầu tư xây dựng hạ tầng các vùng nuôi một cách bài bản, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Tranh thủ thu hút các nguồn lực đầu tư vào Hà Tĩnh sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, trong đó quan trọng nhất là liên kết với các doanh nghiệp mạnh, có thương hiệu tham gia sản xuất và ương giống. Phấn đấu, đến năm 2015 diện tích nuôi tôm trên cát đạt 800 ha, trong đó nuôi công nghệ cao là 300 ha; xây dựng 2- 3 vùng NTTC tập trung với quy mô 30- 50 ha. Theo đó, năm 2020 đạt 1.200 ha, trong đó công nghệ cao là 700 ha; xây dựng 6- 8 vùng NTTC tập trung. Chính sách hỗ trợ áp dụng theo Quyết định 242011/QĐ- UBND tỉnh; lồng ghép với chính sách các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh và một số quy chế chính sách theo quy định hiện hành.
Tại cuộc họp này, UBND tỉnh nghe các ý kiến đóng góp về hướng điều chỉnh quy hoạch nuôi trồng thủy sản trên cát sao cho phù hợp với sự phát triển chung và không chồng chéo với các quy hoạch khác. Phần lớn các ý kiến chú trọng vào phương án tùy vào thời gian thực hiện của từng loại quy hoạch để tỉnh cân đối, xây dựng chiến lược phát triển NTTC một cách hiệu quả.
Phát biểu tại cuộc họp, PCT UBND tỉnh Lê Đình Sơn lưu ý: Việc khó nhất của đề án là công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đảm bảo tuân thủ các quy định về sản xuất, môi trường trên quy mô lớn và tập trung. Kèm theo đó là đầu tư đồng bộ về hạ tầng xanh, cơ chế chính sách, nhằm thu hút đầu tư của doanh nghiệp và quan trọng hơn đó là tạo môi trường để người dân địa phương tiếp cận, phát huy tiềm năng lợi thế. UBND tỉnh tiếp thu các ý kiến đóng góp và sẽ sớm có giải pháp để phát triển mô hình kinh tế NTTC. UBND tỉnh giao các cơ quan chuyên môn hoàn tất đề án, báo cáo UBND tỉnh trước này 5/5. Riêng đối với quy hoạch nuôi trồng thủy sản trên cát (NTTSTC), đồng chí đồng ý tôn trọng những quy hoạch mang tính chiến lược, từ đó nghiên cứu, xây dựng vùng quy hoạch tạm thời NTTSTC phù hợp, hiệu quả (ít nhất là trong vòng 20- 30 năm) .
P.V
Báo Hà Tĩnh