Tin Hà Tĩnh

Hình bóng kiến trúc sư Lưu Hướng Dương ở dự án điện gió 4.900 tỷ tại Hà Tĩnh

Đằng sau chủ đầu tư dự án điện gió 4.900 tỷ đồng tại Hà Tĩnh là một nhóm doanh nghiệp thuộc sở hữu của gia đình kiến trúc sư nổi tiếng Lưu Hướng Dương.

Hình bóng các công ty liên quan đến kiến trúc sư Lưu Hướng Dương sau dự án điện gió của CTCP Năng lượng Phước Trung (Ảnh minh họa: Internet)


Dự án quy mô hàng đầu Hà Tĩnh

Chủ tịch Hà Tĩnh Trần Tiến Hưng vừa có văn bản số 98/TTr-UBND trình Chính phủ, Bộ Công Thương đề xuất đưa cụm dự án điện gió Kỳ Anh của CTCP Năng lượng Phước Trung (Năng lượng Phước Trung) vào Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 (có thể xét đến 2030 – Quy hoạch điện VII điều chỉnh).

Theo đó, dự án nhà máy điện gió Kỳ Anh do CTCP Năng lượng Phước Trung đề xuất xây dựng tại các xã: Kỳ Tân, Kỳ Tây, Lâm Hợp và Kỳ Văn (huyện Kỳ Anh), với tổng mức đầu tư 4.915 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn 30% của doanh nghiệp, 70% chủ đầu tư huy động từ nguồn vay tín dụng ngân hàng và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Dự án gồm 3 nhà máy, được xây dựng trên diện tích 31ha, với tổng công suất lắp đặt 150MW, sản lượng điện phát lên lưới khoảng 482 GWh/năm; thời gian vận hành vào quý III /2021.

Trước đó, ngày 6/12/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản đồng ý về mặt chủ trương cho phép CTCP Năng lượng Phước Trung nghiên cứu, khảo sát thực hiện hồ sơ, thủ tục đầu tư dự án Nhà máy điện gió tại huyện Kỳ Anh.

Đây là một trong những dự án đầu tư lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn Hà Tĩnh. Doanh nghiệp đầu tư dự án, bởi vậy cũng nhận được sự quan tâm lớn.

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, Năng lượng Phước Trung thành lập ngày 8/3/2018. Trụ sở chính tại số 19 đường B2, khu D7 – D10, phường Mỹ Bình, TP. Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. Ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất, truyền tải và phân phối điện.

Vào thời điểm mới thành lập, Năng lượng Phước Trung có vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông gồm ông Nguyễn Văn Dũng (90%), bà Lưu Thùy Dương (9%) và bà Lê Thị Hồng Vẹn (1%). Trong đó, cổ đông lớn nhất - ông Nguyễn Văn Dũng cũng đồng thời nắm chức vụ Chủ tịch HĐQT, có cùng hộ khẩu thường trú với bà Lưu Thuỳ Dương.

Ngoài Năng lượng Phước Trung, ông Dũng còn đang đứng tên tại một số doanh nghiệp khác, như: Công ty TNHH Lưu Gia Bảo, Công ty TNHH Thương mại Xây dựng An Na, đáng chú ý nhất là CTCP Điện gió EA H’Leo.

CTCP Điện gió EA H’Leo (EA H’Leo) mới thành lập vào ngày 10/3/2020. Trụ sở chính tại số 82 Nguyễn Công Trứ, phường Tự An, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Ngành nghề chính là sản xuất điện gió.

Mức vốn điều lệ ban đầu của EA H’Leo là 5 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông sáng lập gồm: Công ty TNHH Lộc Phúc (15%), CTCP Năng lượng Phước Trung (80%) và ông Nguyễn Văn Dũng (5%). Sau đó đến ngày 15/4/2020, EA H’Leo bất ngờ tăng vốn mạnh lên 330 tỷ đồng.

Trụ sở Công ty TNHH Lộc Phúc tại 75 Tân Sơn Hoà, Q. Tân Bình, TP.HCM. Ảnh: HỮU BẬT

Nhà thầu quen mặt

Trong đó, Công ty TNHH Lộc Phúc (thành lập ngày 7/4/2003) là cái tên quá quen thuộc với giới đầu tư địa ốc Sài Thành. Doanh nghiệp có tuổi đời 17 năm thuộc sở hữu của gia đình kiến trúc sư nổi danh Lưu Hướng Dương.

Tính đến tháng 2/2020, vốn điều lệ Lộc Phúc đạt 595 tỷ đồng, trong đó ông Lưu Hướng Dương nắm chi phối 94% và cổ đông còn lại là Lưu Bình Nguyên sở hữu 6%.

Được biết, Công ty TNHH Lộc Phúc hiện là chủ đầu tư dự án nghỉ dưỡng Carmelia tại Hồ Tràm, Bà Rịa Vũng Tàu.

Đồng hành với Lộc Phúc là Công ty TNHH xây dựng Lưu Nguyễn (vốn điều lệ 188,2 tỷ đồng), khi bộ đôi doanh nghiệp này cùng CTCP đầu tư phát triển và xây dựng Hòa Bình, CTCP cơ khí TM Đại Dũng, CTCP cửa sổ nhựa châu Âu là liên danh nhà thầu tại dự án Công trình Cảng hàng không Vinh (khởi công ngày 26/4/2013).

Liên doanh Công ty TNHH Xây dựng Lưu Nguyễn và Công ty TNHH Lộc Phúc cũng là chủ đầu tư Dự án điện mặt trời Phước Trung tại tỉnh Ninh Thuận (được Chính phủ cho phép thực hiện tại Văn bản 12603/VPCP-CN ngày 27/12/2018).

Lưu Nguyễn có thể coi là một doanh nghiệp gia đình khác của ông Lưu Hướng Dương, bởi các cổ đông hiện tại Lưu Thùy Dung (2,128%), Lưu Nguyễn (2,66%), Nguyễn Thị Thu Thủy (94,681%) đều có cùng địa chỉ thường trú với kiến trúc sư nổi danh Sài Gòn.

Lưu Nguyễn, nên biết, là nhà thầu quen mặt tại hàng chục gói thầu tại lớn TP.HCM do doanh nghiệp này trực tiếp hoặc liên danh thực hiện, chẳng hạn tại Sân bay Tân Sơn Nhất, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Quận 3, Bệnh viện Trưng Vương, Bệnh viện Y học Cổ truyền...sẽ được Nhadautu.vn đề cập trong một bài viết khác.

Trở lại với dự án điện gió Kỳ Anh, với tổng mức đầu tư hơn 4.900 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 30%, Năng lượng Phước Trung sẽ phải bố trí nguồn lực nội tại xấp xỉ 1.500 tỷ đồng, gấp nhiều lần vốn điều lệ hiện nay (20 tỷ đồng), cũng như vượt xa vốn đăng ký của cả Lộc Phúc lẫn Lưu Nguyễn.

Tất nhiên đây chỉ mới là mức đăng ký, còn khi dự án được chấp thuận, Năng lượng Phước Trung cùng các cổ đông của mình chắc hẳn sẽ phải nhanh chóng tăng vốn để đảm bảo phương án tài chính của dự án.

Dù vậy, cần lưu ý rằng dù là nhóm nhà thầu có tiếng ở TP.HCM, song trên thực tế Năng lượng Phước Trung cùng nhóm "chủ" của mình chưa có một dự án điện gió nào đã thực hiện để kiểm chứng được năng lực thực sự. Đây là một yếu tố mà lãnh đạo Hà Tĩnh cũng như bộ, ngành liên quan cần lưu tâm.

Tác giả: Hữu Bật

Nguồn tin: Báo Nhà Đầu Tư

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP