Xã hội

Hiếp dâm trẻ em: Đề xuất gắn chíp, thiến hoá học

Tội phạm hiếp dâm trẻ em cần bổ sung thêm hình phạt thiến hóa học, gắn chíp theo dõi hoặc đeo vòng tay để người dân nhận diện, phòng tránh và giám sát.

Đây là đề xuất được luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Đoàn luật sư TP.HCM) đưa ra tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em sáng nay.

Tại hội nghị, Bộ LĐTB&XH đánh giá các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em ngày càng nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội. Nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em báo động về sự suy đồi đạo đức như hiếp dâm tập thể, hiếp dâm rồi giết trẻ em, người cao tuổi xâm hại tình dục trẻ nhỏ tuổi.

Theo ông Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (C45), 6 tháng đầu năm 2018, cả nước xảy ra 720 vụ, trong đó xâm hại tình dục trẻ em 573 vụ, chiếm 79,5% tổng số vụ xâm hại trẻ em.

Chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, vấn nạn xâm hại trẻ em ngày càng nhức nhối. Do vậy, các cơ quan, bộ ngành cần đánh giá chính xác tình hình. Số liệu báo cáo phản ánh các vụ xâm hại trẻ em giảm, song dư luận còn khá nhiều băn khoăn.

Theo luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, hiện nay Mỹ, Indonesia đã gắn chíp quản lý tội phạm hiếp dâm trẻ em sau khi mãn hạn tù. Do đó, chúng ta cần nghiên cứu áp dụng một số biện pháp quản lý tội phạm dâm ô trẻ em 24/24h.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị

Luật sư Ngọc Nữ cho rằng, hiện nay quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em còn bất cập, như việc lấy lời khai của trẻ em tương tự người lớn, trong khi các em nhớ kém, lời khai lần trước khác lần sau.

Ngoài ra, khi có tố giác đối tượng xâm hại tình dục trẻ em, việc thu thập chứng cứ thường chậm. Điều này dẫn tới việc khởi tố vụ án gặp nhiều khó khăn do thiếu chứng cứ.

Bà Nữ dẫn chứng vụ hai bé gái sinh đôi 5 tuổi bị hàng xóm hiếp dâm ở Bình Chánh (TP.HCM) khi công an mời 2 em lên lấy lời khai nhiều lần thì mỗi lần 2 cháu khai khác nhau do không thể nhớ hết. Căn cứ lời khai, cơ quan công an cho rằng lời khai của 2 bị hại bất nhất nên đưa ra nhận định người bị tố không phạm tội.

Từ thực tế trên, bà Nữ kiến nghị cần có quy trình tố tụng thân thiện. Cụ thể, quy định về số lần và cách thức lấy lời khai bị hại là trẻ em, tránh trường hợp lấy lời khai nhiều lần. Bên cạnh đó, quy định quy trình tố tụng cần thuận tiện, nhanh chóng, dễ dàng hơn, đặc biệt công tác giám định để thu thập chứng cứ đối với các tội xâm hại trẻ em.

Bà Nữ cũng kiến nghị, luật cần quy định phải tăng nặng hình phạt với các tội danh xâm hại tình dục trẻ em.

Tác giả: Vũ Điệp

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP