Trong ngôi mộ đá chật hẹp thuộc thị trấn Imola, Italia, có niên đại 1300 năm tuổi, các nhà khảo cổ phát hiện thấy thi thể một thai phụ với hiện tượng rất hiếm gặp: đùn thai nhi sau khi qua đời.
Thai nhi chỉ là một bộ xương nhỏ, nằm ngay dưới xương chậu của người mẹ. Về cơ bản, đứa trẻ chưa chào đời được “đùn” ra trong hầm mộ. Hiện tượng này xảy ra khi khí tích tụ trong tử thi người mẹ đẩy đứa trẻ khỏi tử cung sau khi cả hai cùng qua đời. Các nhà khảo cổ đánh giá, đây là hiện tượng hiếm khi xảy ra trong ngành này.
Hiện tượng đùn thai nhi sau khi qua đời rất hiếm gặp |
Những nhà khảo cổ thuộc trường Đại học Ferrara và Đại học Bologna cố gắng nghiên cứu cái chết bí ẩn của hai mẹ con trong một nghiên cứu mới được công bố vào số tháng 5/2018 của tạp chí World Neurosurgery.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, đây có thể là ví dụ kỹ thuật phẫu thuật não nguyên thủy thời trung cổ còn gọi là “trepanation”. Phương pháp này liên quan tới việc khoan một lỗ vào hộp sọ bệnh nhân để điều trị bệnh. Ở trường hợp thai phụ này, ca phẫu thuật đã thất bại.
“Giả thuyết của chúng tôi đó là người phụ nữ mang thai bị tiền sản giật hoặc sản giật và được điều trị bằng phương pháp khoan lỗ vào xương trán. Dù được can thiệp về y học nhưng người phụ nữ cùng bào thai trong tử cung đã qua đời vào thời điểm đó”, người đại diện của nhóm khảo cổ cho biết.
Cận cảnh phần xương chậu và xương thai nhi trong hầm mộ 1300 năm tuổi |
Ngôi mộ cổ được tìm thấy vào năm 2010 khi các nhà khoa học khai quật xung quanh thị trấn Imola, gần thành phố Bologna thuộc miền bắc Italia. Người phụ nữ được xác định ở độ tuổi từ 20 đến 30, qua đời vào thời điểm cận ngày sinh. Các nhà khoa học vẫn không thể xác nhận được giới tính thai nhi.
Ở phần hộp sọ của người phụ nữ, các nhà nghiên cứu phát hiện một lỗ khoan nhỏ, có đường kính khoảng 4.6 mm. Lỗ nhỏ này không phải là kết quả một sự bạo lực. Vết thương có thể là phương pháp y học với kỹ thuật khoan vào xương sọ.
Xung quanh phần xương sọ có dấu hiệu của việc lành vết thương. Điều này chứng tỏ, lỗ khoan xuất hiện ít nhất 1 tuần trước khi thai phụ qua đời. Hiện tại, các nhà khảo cổ vẫn tiếp tục nghiên cứu sâu để tìm hiểu một ca phẫu thuật thời trung cổ diễn ra như thế nào.
Tác giả: Huy Hoàng
Nguồn tin: Báo Dân trí