Hằng tuần, đều đặn vào chiều thứ hai, anh Lưu Quốc Hùng, trưởng nhóm côn trùng thực địa của dự án Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết (SXH) tại Việt Nam, cùng 4 đồng nghiệp lại vào phòng nuôi muỗi (Viện Pasteur Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) xắn tay áo, vén mùng, đưa 2 tay vào 2 lồng. Lập tức, hàng trăm con muỗi đói bu kín cánh tay. Những con muỗi nhanh chóng căng bụng, đỏ hỏn.
Hồi hộp và sợ
"Hàng trăm lần cho muỗi chích rồi. Bị một con chích đã khó chịu, đằng này hàng trăm con" - anh Hùng nói và cho biết mỗi người một lần cho muỗi chích chỉ được 2 lồng và trong 20 phút.
TS-BS Nguyễn Bình Nguyên, điều phối viên thực địa của dự án, cho hay dự án chỉ nuôi muỗi ở Viện Pasteur Nha Trang với số lượng ít để phục vụ nghiên cứu nên tất cả thành viên đều phải đảm nhiệm luôn việc cho muỗi chích để lấy máu.
"Ở Hà Nội, cần nuôi muỗi để sản xuất trứng với số lượng lớn và chuyển vào Nha Trang phục vụ triển khai thả muỗi nên cần các tình nguyện viên (TNV) bên ngoài cho muỗi chích thường xuyên. Có 10 TNV thường xuyên như vậy" - anh Nguyên nói rồi cho hay muỗi có thể nuôi bằng máu động vật nhưng để chúng có chất lượng tốt thì không gì bằng máu người.
Các tình nguyện viên và thành viên dự án cho muỗi chích trước khi thả ra môi trường tự nhiên Ảnh: Kiều Trinh |
Vũ Thị Lành (quê Thái Bình) là một trong số TNV ấy. "Lần đầu hồi hộp và sợ lắm. Tuy nhiên, cứ nghĩ đây là việc làm rất nhân văn nên tôi muốn cống hiến một phần nhỏ bé của mình cho khoa học và giúp ích cộng đồng bằng cách loại dần bệnh SXH" - cô sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ rồi kể về một lần nhớ đời: "Bình thường, tụi em cho muỗi chích vào chiều thứ hai nhưng tuần đó đến chiều thứ ba mới cho. Những con muỗi đói bu vào đốt rất đau, đến mức muốn khóc. Tụi em phải động viên nhau rồi kể những câu chuyện vui mới vượt qua cảm giác ấy".
Còn anh Nguyễn Viết Hoàng, công tác tại Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, nhớ nhất là lần đầu cho muỗi chích: "Cảm thấy đau và ngứa ngáy vô cùng, chỉ muốn rút chân ngay ra khỏi lồng muỗi".
Mỗi lần cho muỗi chích, các TNV, kể cả thành viên dự án, đều phải được xét nghiệm rất chặt chẽ. "Không chỉ những người bị các loại bệnh có liên quan đến virus là không được tham gia mà cả những người đang dùng các loại kháng sinh cũng không được vì Wolbachia (loại vi khuẩn được cấy vào trứng muỗi để ngăn chặn sự xâm nhập và nhân lên của một số loại virus gây bệnh như SXH, Zika - PV) rất nhạy cảm với kháng sinh, chỉ cần hàm lượng rất nhỏ có trong máu người cho chích cũng sẽ làm vi khuẩn này trong cơ thể muỗi bị chết" - bà Nguyễn Thị Yên, phụ trách phòng nuôi muỗi tại Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, thông tin.
"Bà đỡ" cho muỗi
Đó là câu nói vui của các cộng sự, TNV và thành viên dự án về bà Nguyễn Thị Yên. Năm 2007, bà được cử sang Trường Đại học Tổng hợp Queensland (Úc) để học và thực hành kỹ thuật đưa vi khuẩn Wolbachia vào trứng muỗi vằn.
"Để có trứng muỗi theo giờ tuổi thích hợp cho việc tiêm Wolbachia vào trứng thì học viên phải đưa tay vào lồng cho muỗi chích nhằm sinh ra trứng theo yêu cầu. Thực sự khi nhìn vào lồng có nhiều muỗi như vậy, tôi rùng mình. Cả trăm con chích cùng một lúc. Nhưng không sao, tất cả là cho việc nghiên cứu" - bà Yên kể và cho biết mình là người đầu tiên cũng là người nhiều lần nhất cho muỗi chích.
Công việc hằng ngày của bà Yên cứ quanh quẩn với muỗi. Muỗi cái sau khi bắt ngoài tự nhiên về được bà chăm sóc, cho "ăn" máu của mình và cộng sự để sinh trứng có chất lượng tốt. Trứng được bà tiêm vi khuẩn Wolbachia, khi nở thành muỗi con lại được cho "ăn" máu đến trưởng thành mới mang vào TP Nha Trang để thả ra môi trường tự nhiên. Cứ thế, bà chăm sóc cho hàng triệu con muỗi.
"Chúng tôi hiến máu cho muỗi là để bảo vệ sức khỏe cho nhiều người, cho cả cộng đồng phòng chống bệnh SXH, Zika. Tôi chỉ nghĩ vậy và làm việc" - bà Yên tâm sự. Đó cũng là lý do để người phụ nữ này gắn bó với muỗi dẫu đã nghỉ hưu được 8 năm.
Các TNV đều được bà Yên trực tiếp tuyển chọn rồi xét nghiệm gắt gao. Bà giải thích vì một lần kiểm tra lồng muỗi do một TNV cho chích trước đó đã có mật độ vi khuẩn Wolbachia thấp, không đạt yêu cầu. Khi được hỏi, TNV này mới nhớ ra rằng đã dùng kháng sinh cách đó 3 tuần vì tay bị trầy xước. Một TNV nữ có kinh nghiệm giữ gìn sức khỏe để cho muỗi "ăn" máu, vậy mà sau khi kiểm tra lô muỗi của chị lại thấy chất lượng Wolbachia không tốt. Chị này khẳng định không dùng kháng sinh nhưng khi hỏi kỹ mới biết là có đặt thuốc chữa bệnh phụ khoa thôi nên tưởng không sao.
Nuôi muỗi để phòng bệnh GS-TS Nguyễn Trần Hiển - nguyên Viện trưởng Viện Dịch tễ trung ương, phó giám đốc dự án - cho biết vi khuẩn Wolbachia sống cộng sinh trong 60% loại côn trùng nhưng không có trong muỗi vằn. Trong cơ thể muỗi, Wolbachia ngăn chặn sự xâm nhập và nhân lên của các loại virus gây bệnh như SXH, Zika, làm cho các loại virus này không còn khả năng truyền bệnh từ muỗi sang người. Muỗi vằn mang Wolbachia sau khi thả ra tự nhiên sẽ cặp đôi và sinh sản. Muỗi cái mang Wolbachia cặp đôi với muỗi đực mang hay không mang Wolbachia cũng đều sinh ra muỗi con mang Wolbachia. Ngược lại, muỗi đực mang Wolbachia cặp đôi với muỗi cái không mang Wolbachia thì muỗi cái đẻ ra trứng không nở. Cứ thế, quần thể muỗi mang Wolbachia sẽ dần thay thế muỗi truyền bệnh, tiến tới loại trừ bệnh SXH và Zika. |
Tác giả: Hồng Ánh
Nguồn tin: Báo Người lao động