Cuộc sống khá lên nhờ XKLÐ
Trên đường dẫn chúng tôi về làng biển Thạch Long, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), Trưởng phòng Việc làm và An toàn lao động (Sở LÐ-TB&XH Hà Tĩnh) Ðặng Văn Dũng giới thiệu: Một số địa phương nghèo khó trước đây ở Hà Tĩnh, nay đã thay đổi nhiều nhờ việc đi XKLÐ. Thạch Long là một trong những xã như vậy. Chủ tịch UBND xã Thạch Long Nguyễn Phi Trương cho biết: Khoảng 1.000 lao động của xã (chiếm gần 1/5 dân số) thường xuyên có mặt ở Thái-lan để làm ăn. Số lao động này chủ yếu là lớp thanh niên vừa học xong và lớp trung niên, tập trung ở hai xóm giáo dân toàn tòng Ðông Hà 1 và Ðông Hà 2. Ðã có không ít người làm việc ở Thái-lan với thâm niên gần mười năm, thu nhập khoảng 5-8 triệu đồng/tháng, những người giỏi tiếng, thạo việc và có uy tín có thu nhập hơn mười triệu đồng/tháng. Mỗi năm, số lao động này cũng gửi về khoảng vài chục tỷ đồng để xây dựng nhà cửa, chi tiêu hằng ngày, nuôi con cháu ăn học hay mua sắm tiện nghi hiện đại, đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng địa phương… Tuy thu nhập không cao nhưng công việc ổn định và dễ tìm việc. Lao động Thạch Long sang Thái-lan chủ yếu làm tại các nhà hàng, quán bar, dịch vụ, xây dựng…
Làng biển Ðông Hà 2 nằm bên bờ sông Nghèn, từ chỗ có 50-60% số hộ đói nghèo, giờ đây đã khác xưa rất nhiều khi bộ mặt nông thôn thay đổi, đường làng, ngõ xóm đã được bê-tông hóa và hầu hết là nhà xây kiên cố và cao tầng. Xóm trưởng xóm Ðông Hà 2 Nguyễn Trung Hoa cho biết: Xóm có hơn 1.500 nhân khẩu nhưng có gần 500 lao động thường xuyên ở Thái-lan. Bình quân mỗi hộ có vài ba người làm ăn ở đây, cá biệt các gia đình ông: Nguyễn Phi Thái, Nguyễn Ngọc Hoàn… có khoảng mười người. Nhờ có tiền XKLÐ mà Ðông Hà 2 đã có gần 30% là nhà cao tầng; cơ cấu kinh tế thay đổi theo hướng dịch vụ, thương mại; hộ nghèo còn 0,6%… Từ năm 2013 đến nay, ngoài việc đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng cho địa phương, cũng nhờ nguồn tiền của người XKLÐ gửi về mà người dân đã đóng mới được năm tàu xa bờ từ 160 CV trở lên, mua sáu xe ô-tô con và xe tải… Xóm đang phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu về đích xây dựng nông thôn mới trong năm 2014.
Bộ mặt nông thôn của xã miền núi Mỹ Lộc, huyện lúa Can Lộc (Hà Tĩnh) cũng thay đổi thật sự nhờ XKLÐ. Vùng núi nghèo khó Trại Tiểu xưa kia nay được thay bằng tên mới “làng Thái”. Cả xóm giáo này có hơn 300 hộ dân thì hầu như nhà nào cũng có người lao động ở Thái-lan. Ðến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Oanh (27 tuổi) trong ngôi nhà hai tầng khang trang. Người mẹ trẻ có ba con nhỏ khoe: Ngôi nhà này là công sức của chồng em đi Thái-lan từ lúc còn thanh niên. Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc Trần Ðinh Cường cho biết: Là xã miền núi, thuần nông, nếu không có XKLÐ sang Thái-lan thì Mỹ Lộc không có cơ ngơi như hôm nay. Mỹ Lộc đã hình thành “ngầm” tuyến xe đi Thái-lan vừa chở người vừa chở hàng hóa và dịch vụ chuyển tiền… từ Thái-lan về. Ðến Mỹ Lộc, chúng tôi mới lý giải vì sao người dân ở đây đi XKLÐ nhiều như vậy. Bởi việc đi XKLÐ sang Thái-lan hầu như không tốn kém về chi phí. Cũng như các địa phương khác, ở đây chủ yếu theo dạng: người đi trước dẫn người đi sau, anh chị dẫn em, chồng dẫn vợ, bố mẹ dẫn con cái… Chỉ cần có hộ chiếu cùng hơn một triệu đồng chi phí tiền vé, ăn uống là đã thực hiện “giấc mơ” XKLÐ. Cao điểm, xã có hơn 1.600 người lao động làm việc tại Thái-lan.
Lợi bất cập hại
Theo con số báo cáo của ngành liên quan, Thái-lan là một trong số những nước mà người lao động Hà Tĩnh sang làm việc đông nhất với khoảng 10 nghìn người, trong đó Can Lộc khoảng 2.800 người, Thạch Hà 2.600 người, Cẩm Xuyên 1.300 người, Lộc Hà 1.200 người… Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, thì việc XKLÐ “chui” sang Thái-lan cũng để lại những hệ lụy khó lường.
Trước tiên là việc người lao động Hà Tĩnh sang Thái-lan đều làm việc “chui”, bởi giữa hai nước chưa có ký kết hợp tác lao động. Tất cả người lao động làm việc đều không có hợp đồng lao động, không được hưởng các chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm rủi ro tai nạn. Trên thực tế, đã có không ít trường hợp người lao động Hà Tĩnh bị tử nạn trên đất Thái-lan… Mới đây, 12 người lao động Việt Nam (trong đó có bảy người Hà Tĩnh) bị thiệt mạng do tai nạn giao thông. Số lao động “chui” này không được pháp luật nước sở tại bảo vệ và thường xuyên nằm trong tình trạng lo sợ bị cảnh sát kiểm tra và trục xuất về nước. Ðã có trường hợp người lao động “dở mếu, dở cười”, khi chủ lao động quỵt nợ vài tháng lương, bằng cách báo cảnh sát, buộc lao động này phải “bỏ của”, trốn đi nơi khác. Người lao động muốn ở lại làm việc lâu dài thì hằng tháng phải đến các cửa khẩu Thái-lan để đóng dấu hộ chiếu, thời gian đi về lẫn chi phí khá tốn kém. Người lao động không có tổ chức nào quản lý…
Một hệ lụy lâu dài phải kể đến, đó là số đông người lao động đi làm việc tại Thái-lan theo hình thức gia đình, phần lớn là cả hai vợ chồng cùng sang làm ăn. Vì vậy, việc chăm sóc con cái giao lại cho ông bà hoặc người thân ở quê. Một số cháu không được quản lý giáo dục tốt cho nên kết quả học tập bị giảm sút, một số em phải nghỉ học, một số em đua đòi tham gia game, cờ bạc, trộm cắp vặt… Mới đây, với chính sách quản lý chặt chẽ số lao động nước ngoài, nhất là đối với số lao động trái phép của chính quyền mới của nước sở tại, nên đến thời điểm hiện nay đã có khoảng gần một nửa số người XKLÐ “chui” Hà Tĩnh đã phải về nước. Nếu họ tiếp tục gắt gao thực thi chính sách, thì đến đầu tháng 8 này, toàn bộ khoảng 10 nghìn người lao động Hà Tĩnh tại Thái-lan buộc phải về nước. Ðây sẽ là gánh nặng cho các địa phương về giải quyết việc làm cùng các vấn đề liên quan khác, như: an ninh trật tự, tệ nạn xã hội, an sinh xã hội… đối với số lao động này.
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đã có đề xuất với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Chính phủ sớm đàm phán và ký hiệp định về hợp tác trong lĩnh vực XKLÐ nhằm tạo điều kiện cho người lao động Việt Nam được sang Thái-lan làm việc một cách hợp pháp. Trước mắt, tỉnh Hà Tĩnh cần bàn bạc với các tỉnh kết nghĩa của Thái-lan hoặc có các hoạt động hợp tác để cho phép người lao động của tỉnh được sang làm việc. Tỉnh cần tổ chức các đoàn công tác sang Thái-lan nghiên cứu tình hình thực tế của người lao động Hà Tĩnh để tham mưu đề xuất những giải pháp khả thi nhất.