Tin Hà Tĩnh

Hậu quả sau dự án 'khủng' ở Hà Tĩnh: Hết nghèo... đến khổ

Nước sinh hoạt nhiễm phèn; thiếu đất sản xuất; đê bao quanh khu vực mỏ bị vỡ khiến bùn thải tràn ra ngoài; nhiều thôn xóm hơn 10 năm nay cơ sở hạ tầng không được nâng cấp; dân cư trong vùng qui hoạch của dự án đã được kiểm đếm nhưng chưa đền bù, chưa tái định cư, khiến cuộc sống người dân đã nghèo lại khổ bên đại công trường “treo” như là “sống treo” bên đại công trường dang dở…

Cổng mỏ sắt Thạch Khê cửa đóng then cài đã 10 năm nay Ảnh: Quang LMoong

Lay lắt bên cửa mỏ sắt

Phó chủ tịch xã Đỉnh Bàn, anh Nguyễn Trường Sơn dẫn chúng tôi vào thăm nhà ông Nguyễn Ngô Diệu tại thôn Thanh Long. Ông Diệu vừa đi viện về, thỉnh thoảng lại ôm ngực ho sù sụ, vẻ mệt mỏi.

Bà Nguyễn Thị Thìn, vợ ông đăm chiêu nhìn ra mảnh vườn, con đường trước mặt, nói một thôi dài: “Đường sá trong thôn, toàn đường đất, chục năm nay có làm thêm được mét đường nào đâu. Chả có việc chi mà làm. Thôn này trước sản xuất muối, giờ diêm dân bỏ nghề hết rồi. Đất ruộng không có, xung quanh toàn cát bạc màu. Nhà tôi tự vỡ vạc, tự trồng, vườn tược chỉ loe hoe mấy luống lạc”.

Ông Diệu, bà Thìn cho hay, đất đai, nhà cửa của vợ chồng ông bà đã được Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) kiểm đếm 14 năm trước (2007), nhưng đợi mãi vẫn chưa được đền bù, nên chưa di dời đến khu vực tái định cư.

Một đoạn bờ đê bao mỏ sắt bị vỡ Ảnh: Quang Long

Mé bên, mấy căn nhà bỏ hoang. Đó là nhà cũ của những hộ dân đã di chuyển đến nơi ở mới sinh cơ lập nghiệp, nhường đất cho dự án. Bà Thìn than: “Trước đây, nước giếng trong vắt. Từ khi mỏ sắt khai thác, nước giếng đục ngầu, không ăn được. Bà con trong thôn Thanh Long phải góp tiền, thuê thợ khoan giếng trên đồi kéo nước về, mới có nước tắm rửa, ăn uống hàng ngày”.

Phó Chủ tịch xã Đỉnh Bàn, anh Sơn bảo: “Do hút nước khai thác sắt, nên khu vực cận mỏ và các thôn xóm lân cận có thời điểm thiếu nước sinh hoạt, nước bị nhiễm phèn. Từ lúc mỏ sắt dừng hoạt động, tình trạng này có đỡ hơn”.

Năm 2020, hai xã Thạch Đỉnh, Thạch Bàn sáp nhập thành xã Đỉnh Bàn. Từ Đỉnh Bàn muốn vào mỏ, phải qua trạm gác barie, qua cổng có người túc trực, bảo vệ nghiêm ngặt như là “vùng cấm”.

Nhờ cán bộ xã nói tới nói lui, khóa mở, thanh barie mới nhấc lên. Xe lầm lụi chạy vào vùng đất im lìm. Trong khoảng sân rộng, vài chiếc xe cẩu, xe tải phơi giữa gió sương đã nhiều năm, hoen gỉ. Chúng tôi men theo con đường mòn ra moong mỏ. Phía trước là hồ nước mênh mông, nơi từng tấp nập cảnh hàng ngàn công nhân với đủ loại máy móc chuyên dụng khai thác quặng giờ vắng lặng, hoang liêu.

“Nhà tôi trước ở ngay trên mỏ sắt, năm 2012 vợ chồng tôi nhận tiền đền bù, cùng hai con nhỏ rời nhà đến khu vực tái định cư. Thôn 1 hồi đó gần 60 gia đình phải di dời, trong đó 44 hộ chuyển đến thôn Trường Xuân, 8 hộ đến thôn Tây Sơn…”, anh Nguyễn Công Sơn, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Đỉnh Bàn kể.

Bùn phủ kín, khiến cây cối chết khô Ảnh: Quang Long

Không chỉ ở Thanh Long, tại thôn Văn Sơn nằm ngay cửa mỏ sắt Thạch Khê ngoài 6 hộ dân đã được đền bù, di dời về thôn 2, cán bộ xã Đỉnh Bàn cho biết vẫn còn nhiều hộ chưa tái định cư. Chục năm nay rồi, đường sá trong thôn xuống cấp, hư hỏng, xã không đầu tư sửa sang hoặc làm mới vì vướng qui hoạch; đất đai nhiều nơi bị “sa mạc hóa”, khô cằn do mực nước ngầm bị tụt; gần đây nguồn nước lại bị nhiễm phèn khiến sinh hoạt của người dân gặp khó khăn.

Tại văn bản số 6253/BTNMT-ĐCKS ngày 16/11/2017, Bộ TNMT khuyến cáo: “Sau 10 năm thực hiện dự án đã phát sinh những vấn đề về kỹ thuật- an toàn, môi trường khi thực hiện những hạng mục của dự án cần được giải quyết một cách thấu đáo, khoa học và thận trọng như vấn đề ổn định bờ mỏ, sạt lở bờ moong và bãi thải; về hạ tầng mực nước ngầm và giải pháp ngăn chặn, xử lý xâm ngập mặn…”

Vỡ bờ bao, bùn thải tràn ra ngoài

Xế chiều, từ Đỉnh Bàn tôi gọi điện cho Chủ tịch xã Thạch Hải Bùi Đình Lâm. “Cứ nhắc đến mỏ sắt, trong người tôi lại bứt rứt, khó chịu vì nhiều vấn đề tồn tại”, ông Lâm bức xúc, kể ra một lô một lốc những bất cập: Đất ở, sờ đâu vướng đó; Qui hoạch vùng phát triển sản xuất cho dân, nhiều chỗ vướng mỏ sắt, không thể qui hoạch được; Tụt nước ngầm làm giảm năng suất cây trồng; Nước sinh hoạt “có vấn đề”, nặng mùi phèn…

Chủ tịch xã Thạch Hải “hết sức quan ngại” vì mấy năm nay bờ bao mỏ sắt có nguy cơ sạt lở bồi lấp đất canh tác của dân. “Không phải nguy cơ, mà là bị vỡ rồi. Bùn bãi thải bồi lấp, chảy xuống ruộng của bà con các thôn Nam Hải, Bắc Hải, diện tích 6 ha, dân không sản xuất được”, ông Lâm nói rồi giới thiệu tôi về thôn Thượng Hải.

Chiến dịch xây dựng Nông thôn mới của Hà Tĩnh đã thay da đổi thịt nhiều vùng bãi ngang ven biển, đường nhựa ruổi dài thênh thang, xóm làng trù phú. Nhưng tiệm cận những ngôi làng gần mỏ sắt, nhịp sống như chùng xuống, nghèo và khó khăn hơn.

Truồi hết con dốc cuối xã Thạch Hải, tôi đến nhà ông Võ Quang Kiêm, Bí thư chi bộ thôn Thượng Hải. Ông Kiêm nói chân tình, trong tiếng chan chát băm bèo cho lợn ăn của vợ ông: “Mỏ sắt ra đời, dân tưởng được hưởng lợi vì nghĩ có công ty về khai thác mỏ thì có công ăn việc làm. Hóa ra, không có việc. Thanh niên trong thôn phải bỏ quê đi làm ăn xa, vô Sài Gòn, Đà Nẵng, một số đi XKLĐ, làng giờ còn lại chủ yếu ông bà già, trẻ em”.

Theo ông Kiêm, thôn có 140 hộ gia đình thuộc diện phải di dời, một nửa trong số đó đã được doanh nghiệp khai thác mỏ sắt Thạch Khê đền bù nhưng chưa bố trí tái định cư.

“Toàn thôn phải di dời nếu mỏ sắt tái hoạt động. Làm thì chớ, không làm thì dừng để bà con yên tâm sinh sống, sản xuất”, Bí thư chi bộ Võ Quang Kiêm tiếp lời, kể ra một loạt khó khăn của các hộ dân trong vùng ảnh hưởng của mỏ sắt Thạch Khê: “Mùa nắng, độ tháng 5 đến tháng 7, mạch nước ngầm khô cạn, chẳng trồng nổi cây gì. Mùa mưa, bờ bao bãi thải phía Tây Bắc bị vỡ, bùn đặc quánh tràn xuống, đã có khoảng 15/40 ha ruộng bị bồi lấp. Tôi đang lo bùn theo mưa lớn tiếp tục tràn xuống, gây ô nhiễm cả khu dân cư”.

Trong vùng qui hoạch mỏ sắt và thuộc diện phải di dời, bao năm nay người dân thôn Thượng Hải sống trong cảnh “giữ nguyên hiện trạng”, thấp thỏm không yên.

Bí thư chi bộ thôn dẫn chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Hữu Phước (78 tuổi), ông Phước phàn nàn: “Trong thôn, nhà nào có con cái thoát ly đi làm ăn xa thì còn đỡ, chứ ở quê chẳng biết làm nghề chi kiếm sống”. Bà Nguyễn Thị Học (68 tuổi) nhà cạnh bên than thở: “Giờ, nuôi con bò cũng vất vả. Bò không có nơi chăn thả, không đủ cỏ ăn”.

Xẩm tối, gió lạnh thốc vào từ biển. Ông Kiêm bảo tôi ngồi lên xe, nổ máy men theo con đường đất ngoằn ngoèo chạy tuốt một lèo vào rừng cây. Đến chỗ lạch nước chiếc xe cà tàng không vượt qua được, ông bảo tôi đi bộ.

Băng qua rừng cây, động cát, trước mắt tôi là những mảnh ruộng bỏ hoang, phủ dày một lớp bùn bạc phếch. Đi chốc nữa, tới chỗ bờ bao mỏ sắt bị vỡ do bỏ bê nhiều năm không được gia cố, không chịu nổi áp lực nước từ moong mỏ. Hàng chục mét chiều ngang bờ đê bao bị nước đánh tan hoang, dấu tích của những trận lụt lớn mùa mưa năm trước. Ông Kiêm bảo, có ít nhất 3 điểm bờ đê bao khác bị vỡ, khiến nước mang theo bùn đất tràn ra ngoài…

Tác giả: Quang Long

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP