Kỳ Anh

Hành trình “ăn đất” của nguyên chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh cùng đồng bọn

Lợi dụng chủ trương bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương tại Khu kinh tế Vũng Áng (Dự án Formosa, thuộc huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh), nguyên Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh cùng 7 cán bộ huyện, Chủ tịch xã, Phó Chủ tịch xã thuộc quyền đã cấu kết với nhau, làm trái các quy định của Nhà nước để chiếm đoạt, làm thất thoát hàng chục tỷ đồng.

“Hô biến” đất công thành đất tranh chấp

Thực hiện các quyết định về bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất nông nghiệp của các hộ dân thuộc dự án trọng điểm gang thép Formosa, tại xã Kỳ Long có 61,39 ha đất công do chính quyền quản lý và đất do dân khai hoang phục hóa.

Diện tích đất công sẽ không được bồi thường, hỗ trợ, riêng diện tích đất do dân khai hoang phục hóa sau mốc 1/7/2004 sẽ được hỗ trợ bằng 30% giá bồi thường đất nông nghiệp.

Biết được điều này, muốn tư lợi cá nhân, chiếm đoạt tiền của Nhà nước, Nguyễn Văn Bổng đã cấu kết với Phạm Huy Tường- Phó Chủ tịch Hội đồng bồi thường, Lê Anh Đức- thành viên của Hội đồng bồi thường huyện Kỳ Anh, Lê Hữu Diện- Chủ tịch UBND xã Kỳ Long, Lê Quang Hà- Phó chủ tịch UBND xã Kỳ Long, Lê Xuân Nghinh- Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Long, lập hồ sơ đưa 61,39 hecta đất công vào diện “đất tranh chấp”, nên được UBND tỉnh phê duyệt phương án, dự toán kinh phí bồi thường số tiền 22 tỷ 748 triệu đồng.

Để giải ngân, chiếm đoạt được số tiền 22 tỷ 748 triệu đồng này, Lê Hữu Diện, Lê Xuân Nghinh đã trực tiếp gặp Nguyễn Văn Bổng (lúc đấy đang đương chức Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh) xin chủ trương giải quyết và được Nguyễn Văn Bổng cho chủ trương họp dân, lập hồ sơ bồi thường trình Hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện áp giá chi trả.

Nguyên Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh và 6 cán bộ
Nguyên Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh và 6 cán bộ “ăn đất” trước vành móng ngựa.

Do được Chủ tịch huyện đồng ý, cả Chủ tịch và Bí thư xã Kỳ Long đã tổ chức họp dân, thống nhất cho các hộ dân đứng tên trong hồ sơ và phân chia tiền bồi thường như sau: Đất hộ dân tự khai hoang không có giấy tờ thì hộ dân được hưởng 50%, xã trích lại 50%; đất hộ dân tự phục hóa không có giấy tờ thì hộ dân được hưởng 30%, xã trích lại 70%; đất chưa sử dụng thì giao cho cán bộ xã, xóm đứng tên để lấy 100% thu vào ngân sách xã.

Tiếp tay giúp cho xã Kỳ Long hợp thức hồ sơ, Phạm Huy Tường đã giao Lê Anh Đức trực tiếp hướng dẫn lập hồ sơ chuyển đổi từ đất công do UBND xã quản lý sang đất giao cho hộ dân sử dụng và cùng Lê Quang Hà lập 412 bản kiểm kê, nâng khống số lượng tiền đền bù lên số tiền 21,609 tỷ đồng, còn lại 47 biên bản Hà trực tiếp thực hiện với số tiền 1,077 tỷ đồng.

Tổng số tiền 22,686 tỷ đồng đã được Nguyễn Văn Bổng ký chi trả cho các hộ dân đứng tên mà không thông qua thẩm định của Sở tài chính và phê duyệt của UBND tỉnh. Tuy nhiên, thực chất các hộ dân chỉ được nhận 10,377 tỷ đồng theo thỏa thuận từ trước.

Không dừng lại ở xã Kỳ Long, Nguyễn Văn Bổng và Phạm Huy Tường còn chỉ đạo lập hồ sơ khống, biến 11,39 ha đất công ở xã Kỳ Phương thành “đất tranh chấp” để được áp giá đền bù 4,223 tỷ đồng. Theo đó, để biến 11,39 ha đất công này thành “đất tranh chấp”, được tỉnh áp giá đền bù, Lê Công Diếu- Chủ tịch UND xã Kỳ Phương đã gặp Hồ Xuân Cường- cán bộ Hội đồng bồi thường để phối hợp thực hiện.

Sau đó, Hồ Xuân Cường đã sử dụng danh sách hộ dân mà các thôn thuộc xã Kỳ Phương gửi lên để lập thành 146 biên bản áp giá, với tổng số tiền 4,223 tỷ đồng và được Nguyễn Văn Bổng bỏ qua các điều kiện, thủ tục bắt buộc, ra quyết định chi trả toàn bộ số tiền trên cho xã Kỳ Phương.

Nhiều cán bộ liên quan thoát tội

Quá trình điều tra và truy tố, xét xử, cơ quan tố tụng đã xác định, nếu thực hiện đúng quy định của pháp luật về bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng, thì diện tích 61,39ha đất tại xã Kỳ Long nói trên chỉ được hỗ trợ số tiền 13,011 tỷ đồng, còn lại 9,639 đồng trên tổng số tiền đã chi trả là gây thiệt hại cho ngân sách bồi thường giải phóng mặt bằng của BQL khu kinh tế Vũng Áng, trực thuộc UBND tỉnh Hà Tĩnh.

Phiên xử diễn ra sáng ngày 29/11 và dự kiến sẽ kéo dài 3 ngày.
Phiên xử diễn ra sáng ngày 29/11 và dự kiến sẽ kéo dài 3 ngày.

Với diện tích 11,39 ha đất tại xã Kỳ Phương nói trên, cơ quan chức năng xác định chỉ được hỗ trợ 3,337 tỷ đồng, chênh lệch 885,594 triệu đồng, trong đó thất thoát 840,954 triệu đồng. Như vậy, tổng số tiền thất ngân sách do các cán bộ nêu trên cố ý làm trái, được xác định 10,480 tỷ đồng.

Như vậy, theo cáo trạng của VKSND tỉnh công tố tại phiên tòa sáng ngày 29/11, cả 8 bị cáo nêu trên đều bị truy tố theo khoản 2, 3 điều 165- BLHS về hành vi “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Liên quan đến vụ án này, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng đã xác định một số người có liên quan, nhưng chưa đến mức hoặc chưa đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong đó đáng chú ý là ông Trần Bá Song, nguyên Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh giai đoạn 2006- 2012. Ông Song được xác định là đã để cho một số cán bộ UBND huyện, đồng thời là thành viên Hội đồng bồi thường và các cán bộ xã bị ảnh hưởng bởi dự án, cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về bồi thường giải phóng mặt bằng, nhưng không được phát hiện để chấn chỉnh, ngăn chặn.

Tuy nhiên, Hội đồng bồi thường do UBND huyện Kỳ Anh thành lập, có quy chế, tài khoản và con dấu riêng, nên trách nhiệm chính là ông Nguyễn Văn Bổng- Chủ tịch Hội đồng, ông Song được xác định có một phần trách nhiệm nhưng chưa đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nguyên Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh Nguyễn Văn Bổng.
Nguyên Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh Nguyễn Văn Bổng.

Đối với ông Nguyễn Hoài Sơn, nguyên Chủ tịch Hội đồng bồi thường huyện Kỳ Anh từ tháng 4/2011 đến tháng 12/2013 và các thành viên khác trong Hội đồng bồi thường huyện Kỳ Anh như: Nguyễn Việt Đức, Trần Quốc Hoàng, Nguyễn Văn Dục, Nguyễn Hồng Quân, Võ Hoàng Hải… đã ký hồ sơ giải ngân cho 36 hộ dân xã Kỳ Long, với số tiền 493,424 triệu đồng sai quy định.

Tuy nhiên, tại thời điểm ông Sơn tiếp nhận bàn giao thì việc lập hồ sơ kiểm kê, áp giá, chi trả cho các hộ cơ bản đã thực hiện xong, chỉ còn 36 hộ nhưng do không biết trước Nguyễn Văn Bổng và các cán bộ Hội đồng bồi thường đã thống nhất cho xã Kỳ Long hợp thức hồ sơ, nên chưa đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, có nhiều cán bộ là thành viên Hội đồng bồi thường huyện Kỳ Anh, cán bộ xã Kỳ Long, Kỳ Phương cũng có những hành vi như có ký vào hồ sơ, ký xác nhận biên bản kiểm kê… Nhưng xét thấy các hành vi đó chỉ mang tính thủ tục, hoặc có một số cán bộ không biết được việc Nguyễn Văn Bổng đã thống nhất hợp thức hồ sơ, nên xác định chưa đến mức hoặc chưa đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Phiên tòa xét xử dự kiến diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 29/11 đến ngày 1/12/2016. Theo cáo trạng VKSND tỉnh Hà Tĩnh thì Nguyễn Văn Bổng, Phạm Huy Tường, Lê Hữu Diện, Lê Xuân Nghinh, Lê Quang Hà, Lê Anh Đức bị truy tố về khoản 3, điều 165- BLHS, với khung hình phạt từ 12 đến 20 năm. Bị cáo Lê Công Diếu và Hồ Xuân Cường bị truy tố theo điểm d, khoản 2, điều 165- BLHS, với khung hình phạt từ 3 năm đến 12 năm. Chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán Hồ Đức Quang. Đại diện VKSND tỉnh Hà Tĩnh thực hành quyền công tố tại phiên tòa là KSV Nguyễn Văn Thưởng và Đặng Ngọc An- Trưởng và Phó phòng nghiệp vụ VKSND tỉnh Hà Tĩnh.

Trần Hoàng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP