Trong nước

Hàng loạt đơn tố cáo phó chủ tịch UBND TP Nha Trang

Sau khi Phó Chủ tịch UBND TP Nha Trang Lê Huy Toàn bị khởi tố điều tra liên quan đến các dự án thì văn phòng Báo Người Lao Động tại Khánh Hòa tiếp tục nhận được nhiều đơn thư tố cáo tương tự

Thông tin từ UBND TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) cho biết sau khi Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa khởi tố ông Lê Huy Toàn (SN 1964; Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Nha Trang) với tội danh thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, TP Nha Trang đã phân công lại công tác liên quan đến các lĩnh vực mà ông Toàn phụ trách về xây dựng, tài nguyên, môi trường.

Hồ sơ giả qua mặt dễ dàng?

Ông Lê Hữu Thọ, chủ tịch và 2 phó chủ tịch UBND TP Nha Trang tiếp nhận các công việc, nhiệm vụ của ông Toàn để tránh gián đoạn. "TP tạm thời không phân công nhiệm vụ công tác cho ông Toàn để ông Toàn tập trung cho công tác điều tra của vụ án" - lãnh đạo TP Nha Trang nói.

Nhiều đơn thư tố cáo ông Lê Huy Toàn, Phó Chủ tịch UBND TP Nha Trang (ảnh dưới) Ảnh: KỲ NAM

Ông Lê Huy Toàn bị khởi tố vì liên quan đến vụ án xảy ra tại khu đô thị Hoàng Long (phường Phước Long, TP Nha Trang) do Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng và Địa chất UPGC làm chủ đầu tư. Tại dự án này, ông Toàn là chủ tịch Hội đồng Bồi thường hỗ trợ, cấp đất tái định cư (Hội đồng Bồi thường).

Từ năm 2016, người dân tố cáo có tình trạng hồ sơ giả để được bồi thường, tái định cư, khu vực dự án chỉ có khoảng 100 hộ dân nhưng khi công bố lại gần 400 hộ. Qua điều tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa phát hiện hàng chục hồ sơ do ông Toàn phê duyệt là giả về hộ khẩu, giấy tờ nguồn gốc đất... Đến chữ ký của chủ tịch, trưởng công an phường cũng làm giả bằng phương pháp in phun màu, ký khống. Sau đó, công an đã khởi tố 2 vụ án, khởi tố bị can nhiều đối tượng làm giấy tờ giả, dùng giấy tờ này tạo thêm các suất đất tái định cư.

Sau đó, Công an tỉnh Khánh Hòa khởi tố bị can đối với bà Vũ Thị Mai Hương, nguyên Chủ tịch UBND phường Phước Long; ông Nguyễn Đức Cường, cán bộ địa chính phường; ông Lương Huy Giáp, cán bộ Phòng Tài chính kế hoạch và ông Võ Mỹ, cán bộ Phòng Quản lý đô thị TP Nha Trang.

Nhiều khuất tất

Sau khi ông Toàn bị khởi tố, văn phòng Báo Người Lao Động tại Khánh Hòa liên tục nhận được nhiều đơn thư tố cáo liên quan đến nhiều dự án. Đáng chú ý, bà Nguyễn Thị Kim Anh (ngụ phường Phước Long) có đơn tố cáo ông Lê Huy Toàn, bà Lê Thị Mai Loan và bà Vũ Thị Mai Hương (đều là nguyên chủ tịch UBND phường Phước Long) có hành vi làm sai lệch hồ sơ liên quan đến quyền sử dụng đất gần 20 ha đất ao đìa của gia đình bà Anh để thực hiện dự án Khu đô thị An Bình Tân.

Theo bà Kim Anh, bà đã có đơn tố giác và yêu cầu khởi tố vụ án gửi các cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết, không được trả lời. Bà Anh tố giác ông Toàn, bà Loan, bà Hương đã lạm dụng quyền hạn trong thi hành công vụ và hủy hoại tài sản thể hiện ở việc cố ý làm trái các quy định nhà nước; tạo lập hồ sơ mới không dựa trên hồ sơ gốc nhằm không công nhận nguồn gốc đất của gia đình bà; quyết định thu hồi đất chỉ 31.836 m2 nhưng cưỡng chế 43.596 m2.

Liên quan đến tố cáo này, phóng viên Báo Người Lao Động từ nhiều tháng trước đã đăng ký làm việc với UBND TP Nha Trang nhưng cũng chưa có câu trả lời.

Ngày 30-11, ông Nguyễn Văn Hùng (ngụ phường Xương Huân, TP Nha Trang) cũng đến văn phòng Báo Người Lao Động trình bày đơn thư tố cáo, kiến nghị liên quan đến dự án Khu dân cư Cồn Tân Lập (phường Xương Huân). Ông Hùng đưa ra các tài liệu chứng tỏ dự án Khu dân cư Cồn Tân Lập trước đây là dự án Chỉnh trang đô thị, xây kè đường dọc sông Cái. Việc thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ theo trường hợp nhà nước thu hồi đất vì lợi ích công cộng. Tuy nhiên, sau đó, dự án chỉnh trang đô thị trở thành dự án khu dân cư và giao cho Công ty CP Sông Đà Nha Trang làm chủ đầu tư phân lô (Báo Người Lao Động ngày 15-11 có bài viết "Doanh nghiệp bán chui đất vàng?"). Do đó, hơn 43.000 m2 đất tái định cư tại chỗ của người dân đã được giao cho doanh nghiệp. Dự án bồi thường cho người dân khoảng 2,7 triệu đồng/m2 trong khi rao bán theo hình thức góp vốn có giá 45-60 triệu đồng/m2.

"Dự án không vì mục đích công cộng thì phải thỏa thuận để thu hồi đất. Tuy nhiên, TP Nha Trang lại thực hiện việc cưỡng chế đối với các hộ dân giao đất cho doanh nghiệp. Ở đây cố tình tạo ra sự lẫn lộn về cơ chế thu hồi đất và cơ chế thỏa thuận khiến người dân bị mất đất còn lợi ích rơi vào tay doanh nghiệp"- ông Hùng nói.

Tác giả: Kỳ Nam

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP