7.440,4m2 tại khu đất vàng này hiện chỉ là một bãi đất hoang tại Thiên Cầm. |
Chủ tịch xã xin trả dự án “quây tôn giữ đất”
Trung tâm dịch vụ ô tô 4S Hải Âu, tại xã Thạch Long (huyện Thạch Hà) là dự án được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư ngày 31/8/2016. Diện tích dự án hơn 8.400m2. Dự án có tổng mức đầu tư trên 53 tỷ đồng. Chủ đầu tư là CTCP Đầu tư Hà Tĩnh.
Khi hoàn thành sẽ cung cấp sản phẩm ô tô 350 xe/năm. Nhiều hạng mục xây dựng như nhà văn phòng 5 tầng, nhà ở nhân viên và kho. Nhà trưng bày và bán ô tô. Khu trưng bày ô tô tải - xe công trình. Nhà để xe, nhà ăn và các công trình phụ trợ khác.
Theo giấy tờ, khi dự án hình thành sẽ cung cấp cho thị trường Hà Tĩnh và vùng phụ cận các loại xe tải, thiết bị thi công công trình. Giải quyết việc làm cho lao động, tăng thu ngân sách... Thế nhưng, sau hơn 4 năm, chủ đầu tư chỉ mới xây dựng được hệ thống tường rào. Bên trong tường rào vẫn chỉ là bãi đất trống.
“Chủ đầu tư đã không thực hiện xây dựng các hạng mục như cam kết. Điều này đã ảnh hưởng đến quỹ đất và môi trường đầu tư của địa phương. UBND xã nhiều lần có văn bản gửi cấp trên đề nghị kiểm tra xử lý” - ông Phan Tố Hoài - Chủ tịch UBND xã Thạch Long cho hay.
Ông Hoài cũng yêu cầu: “Nếu nhà đầu tư không thực hiện dự án thì UBND tỉnh nên thu hồi. Giao cho nhà đầu tư khác để thực hiện dự án chứ không để đất hoang vậy”.
Dự án Trung tâm dịch vụ ô tô 4S Hải Âu tại xã Thạch Long. |
Từ kỳ vọng thành thất vọng
Dự án Khách sạn Hải Âu tiêu chuẩn 4 sao tại thị trấn Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên) của CTCP Đầu tư Hà Tĩnh cũng trong tình trạng tương tự. Dự án này được UBND tỉnh chấp thuận ngày 25/8/2016. Đến nay đã hơn 4 năm trôi qua kể từ ngày được phê duyệt nhưng vẫn đang chỉ là bãi đất hoang, cỏ mọc um tùm, hàng rào quây tôn xiêu vẹo, gây mất thẩm mỹ cảnh quan thị trấn.
Dự án có vốn đầu tư 170 tỷ đồng, được xây dựng trên 7.440,4m2 trước đây là khu đất thu hồi của Bưu điện tỉnh Hà Tĩnh. Dự án nằm cạnh bờ biển Thiên Cầm, được đánh giá có vị trí đắc địa bậc nhất trong khu vực.
Nó được kỳ vọng sẽ trở thành điểm nhấn trong quy hoạch phát triển tổng thể về du lịch của huyện Cẩm Xuyên. Góp phần thúc đẩy về phát triển Thiên Cầm trở thành khu du lịch quốc gia trong tương lai. Dự án được “vẽ” ra là từng bước đáp ứng nhu cầu phục vụ về lưu trú, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cho khách. Tạo công ăn việc làm cho người lao động, đặc biệt là cho con em địa phương...
Dự án “rùa” này cũng đã khiến chính quyền thị trấn Thiên Cầm kiến nghị lên cấp trên nhiều lần đồng thời yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện đúng tiến độ.
Ông Võ Tá Nhân - Chủ tịch UBND thị trấn Thiên Cầm cho biết, đây là dự án lớn được nhà đầu tư đề xuất. Chính quyền địa phương đã dành vị trí rất đẹp nhưng nhà đầu tư không thực hiện.
Nếu thời gian tới dự án không có chuyển biến thì địa phương sẽ kiến nghị UBND huyện, tỉnh sớm kiểm tra, xem xét năng lực của nhà đầu tư. Qua đó, nếu không ổn sẽ có quyết định thu hồi dự án để cho các nhà đầu tư khác có cơ hội.
Dự án Khách sạn Hải Âu Thiên Cầm được chấp thuận chủ trương đầu tư 2016. |
Dấu hỏi về năng lực tài chính chủ đầu tư
CTCP Đầu tư Hà Tĩnh được thành lập ngày 26/4/2016. Sau khi thành lập vài tháng thì được UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ định bộ đôi dự án tại Cẩm Xuyên và Thạch Hà. Vốn điều lệ ban đầu là 35 tỷ đồng. Ngành nghề kinh doanh chính là khách sạn, nhà nghỉ. Người đại diện theo pháp luật là ông Tôn Đức Việt thường trú tại huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.
Dù vậy, vị doanh nhân sinh năm 1982 lại không phải là chủ sở hữu doanh nghiệp. 3 cổ đông là Công ty TNHH Thương mại - Tài chính Hải Âu (công ty Hải Âu) sở hữu 90% và hai cá nhân Nguyễn Bảo Chi và Nguyễn Thị Bích Diệp chia đều 10% còn lại.
Công ty TNHH Thương mại - Tài chính Hải Âu tiền thân là Công ty TNHH Hải Âu được thành lập từ năm 1991. Công ty này hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xe tải hạng nặng và xe công trình.
Hiện đơn vị này đã phát triển trở thành một nhóm công ty. Lĩnh vực hoạt động với ba dòng xe chủ lực là Chenglong, máy xây dựng LiuGong và xe nâng HELI.
Ngày 17/9, công ty Hải Âu tăng vốn điều lệ từ 135 lên 355 tỷ đồng. Trong đó, nhà sáng lập Nguyễn Văn Thêm (SN 1959) sở hữu 65% cũng là người đứng vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ. Bà Phùng Thị Phương Mai (có cùng địa chỉ thường trú) nắm giữ 35% cổ phần còn lại.
Bà Nguyễn Bảo Chi và Nguyễn Thị Bích Diệp, hai cổ đông cá nhân còn lại trong CTCP Đầu tư Hà Tĩnh, là người “cùng nhà” với ông Nguyễn Văn Thêm.
2 dự án “tầm cỡ” tại Hà Tĩnh đã “đắp chiếu” 4 năm có thể sẽ khiến một số người đặt dấu hỏi về năng lực tài chính của CTCP Đầu tư Hà Tĩnh. Dù thành lập năm 2016, nhưng CTCP Đầu tư Hà Tĩnh mới chỉ phát sinh kết quả kinh doanh trong năm 2019. Doanh nghiệp này dù không ghi nhận doanh thu, nhưng lỗ thuần 32 triệu đồng.
Tính đến cuối năm 2019, công ty Hải Âu có quy mô tổng tài sản 762,65 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 90,8 tỷ đồng, nợ phải trả 671,85 tỷ. Năm 2019, Hải Âu ghi nhận doanh thu 938,5 tỷ đồng và lỗ sau thuế 3,39 tỷ. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp công ty báo lỗ, trong khi doanh thu giảm năm thứ 4 liên tiếp, với biên độ lên tới 60%.
Tác giả: Mỹ Hoa
Nguồn tin: giaoducthoidai.vn