Theo chân của người dân, sáng 20/7/2015, chúng tôi có mặt tại thôn Minh Huệ, xã Kỳ Nam đã chứng kiến rất nhiều người được trang bị cưa xăng, rìu đang đốn hạ hàng trăm gốc cây phi lau cổ thụ hàng chục năm tuổi.
Đứng trước những gốc cây cao lớn người ôm không xuể bị triệt hạ người dân xã Kỳ Nam không khỏi kêu trời.
Bức xúc, nhiều người dân đã ra ôm cây để ngăn cản, nhưng trước sự kiên quyết của đơn vị thi công, được sự bảo vệ của lực lượng chức năng hàng trăm gốc cây phi lau già nua tồn tại hàng chục năm nay để chắn gió, bão cho người dân bỗng chốc bị đốn hạ không thương tiếc.
Hàng chục ha rừng phi lau phòng hộ có độ tuổi từ 20 – 30 năm tại xã Kỳ Nam đang bị một Doanh nghiệp tàn phá để nuôi tôm. |
Bà Nguyễn Thị. N (70 tuổi, trú tại thôn Minh Huệ, xã Kỳ Nam) cho biết, xã chúng tôi nằm sát biển, điều kiện thiên nhiên cực kỳ khắc nghiệt, nên từ xa xưa ông cha chúng tôi đã tổ chức trồng rất nhiều phi lau để giữ đất, không cho biển lấn vào, những rừng phi lau này vào mùa mưa bão như những cánh tay che chở cho người dân trước thiên tai, bão lũ.
Thế nhưng, từ vài năm trở lại đây, không hiểu vì sao người ta chặt phá gần như toàn bộ diện tích rừng phi lau, để nuôi tôm? Họ không lường trước được hậu quả của việc chặt phá này? Ai đã cho phép người ta làm như vậy?, người dân chúng tôi không bao giờ đồng ý cho việc làm này, Bà N bức xúc trao đổi với chúng tôi.
Đứng trước hàng trăm gốc cây phi lau 20 – 30 năm tuổi, có đường kính từ 30, 40 cm bị đốn hạ, vận chuyển ra khỏi hiện trường mà không khỏi xót xa.
Anh N.T.N, là người được đơn vị thi công thuê chặt cây cho biết, họ thuê chúng tôi chặt những gốc cây này, sau đó họ cắt nhỏ bán lại cho một đơn vị khác để đốt lấy than hoạt tính trên địa bàn. Chúng tôi làm vì miếng cơm manh áo, nhưng cũng quá xót xa. Chỉ vì lợi ích kinh tế trước mắt mà họ nỡ chặt hết rừng cây chắn mưa bão của người dân chúng tôi sao ?
Chị Nguyễn Thị Lài, sống tại xã Kỳ Nam, đang cố bòn, mót lại những nhánh cây nhỏ sau khi những cây lớn đã bị triệt hạ nói, rừng phi lau ven biển này được ông cha trồng để chắn cát, chắn mưa bão, bình thường ai đó chặt một nhánh củi cũng bị kiểm lâm, chính quyền xã bắt phạt rất nặng. Tuy nhiên, lần này thì họ thật sự choáng váng trước việc chính quyền cho chặt bỏ không thương tiếc, bất chấp người dân quyết liệt phản đối.
Đưa vấn đề trên trao đổi với ông Nguyễn Đình Vin – Chủ tịch UBND xã Kỳ Nam, ông Vin cho biết: “Việc người dân phản đối trước sự việc doanh nghiệp tàn phá rừng phi lau phòng hộ là đúng. Chúng tôi cũng đã họp thường vụ đề xuất ý kiến nhưng UBND tỉnh đã cho phép nên họ phá thôi chúng tôi không thể làm gì được…”.
Rừng phi lao 20-30 năm tuổi nằm sát bờ biển là nơi che chắn gió bão cho người dân xã Kỳ Nam | ||
Những cây phi lau có đường kính 30 – 40 cm bị triệt hạ | ||
Tầm nhìn sẽ tiếp tục thông tin về việc này…
Xuân Sơn / Tầm Nhìn