Lao Động - Việc Làm

Hà Tĩnh: XKLĐ góp phần tăng thu nhập và chất lượng nguồn nhân lực

Sáng 21/1, Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh tổ chức tổng kết công tác xuất khẩu lao động giai đoạn 2011 – 2015 và tuyên truyền, vận động lao động làm việc tại Hàn Quốc hết hạn hợp đồng về nước.

Hà Tĩnh: XKLĐ góp phần tăng thu nhập và chất lượng nguồn nhân lực - Ảnh 1

Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các đơn vị, các nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác XKLĐ giai đoạn 2011-2015.

Theo báo cáo, hiện Hà Tĩnh có 51.426 người lao động đi XKLĐ, chủ yếu ở các thị trường: Đài Loan, Thái Lan, Ăng gô la, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước Trung Đông, Bắc Phi… Thu nhập bình quân hàng năm người đi XKLĐ gửi về gần 6.600 tỷ đồng.

Về công tác tuyên truyền, vận động lao động hết hạn hợp đồng làm việc tại  Hàn Quốc về nước. Từ năm 2011 đến 2015, Hà Tĩnh đã tuyên truyền, vận động 776 lao động về nước, trên tổng số 1.431 lao động về nước chiếm 54,22% tỷ lệ lao động về nước đúng hạn. Việc tổ chức theo dõi, quản lý lao động của tỉnh đi làm việc nước ngoài hiện nay gặp rất nhiều khó khăn và gần như các cơ quan chức năng địa phương không nắm được tình hình. Tỷ lệ lao động sau khi hoàn thành hợp đồng về nước không đến các doanh nghiệp đưa đi để thanh lý hợp đồng chiếm 90%. Tỷ lệ người lao động vi phạm hợp đồng, cư trú bất hợp pháp có chiều hướng gia tăng, từ năm 2011 – 2015, đã có hàng chục ngàn lao động Việt Nam vi phạm hợp đồng và cư trú bất hợp pháp. Tình hình lao động di cư theo hình thức du lịch, thăm thân, khám sức khỏe, kết hôn giả sau đó ở lại cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài ngày càng gia tăng. Theo số liệu điều tra năm 2015, số lao động Hà Tĩnh đang làm việc ở nước ngoài, nhưng không có hợp đồng lao động là gần 26.500 người, chiếm gần 52% tổng số lao động của tỉnh đang làm việc ở nước ngoài.

Hà Tĩnh: XKLĐ góp phần tăng thu nhập và chất lượng nguồn nhân lực - Ảnh 2 

Trưởng ban VH-XH, HĐND tỉnh Đoàn Đình Anh cho rằng: Hướng XKLĐ của tỉnh cần phải chuyển hướng để nâng cao tay nghề và chất lượng lao động, để nâng cao thu nhập cho lao động đi làm việc ở nước ngoài

Giai đoạn 2016-2020, Hà Tĩnh phấn đấu đưa 30.000  người đi XKLĐ (bình quân mỗi năm 6.000 người), trong đó; Hàn Quốc: 7.500 người (bao gồm chương trình EPS và thuyền viên), Đài Loan(Trung Quốc): 12.500 người, Malaysia: 1.750 người, Nhật Bản: 4.000 người, các nước Trung Đông và Bắc Phi: 2.500 người, Nga và các nước Đông Âu: 1.250 người, các nước khác: 500 người…

Nhân dịp này, UBND tỉnh và Sở LĐ-TB&XH đã tặng Bằng khen củ và Giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác XKLĐ giai đoạn 2011-2015 và tổ chức ký cam kết tuyên truyền vận động lao động EPS về nước và cám kết thực hiện Chương trình hợp tác XKLĐ năm 2016.

Hà Tĩnh: XKLĐ góp phần tăng thu nhập và chất lượng nguồn nhân lực - Ảnh 3

Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Nguyễn Tiến Hòa đề nghị: Đối với chương trình EPS cẩn phải có chế tài thật mạnh, để xử lý lao động bỏ trốn, hết hạn hợp đồng lao động không về nước.

Thành Sen/ Lao động và Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP