Nông thôn mới

Hà Tĩnh: Xây dựng các chuỗi cây trồng, vật nuôi…

Đó là một trong những giải pháp giải bài toán thu nhập và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp an toàn mà Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã và đang thực hiện theo định hướng Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Mô hình phục tráng bưởi Phúc Trạch được nông dân Hương Khê áp dụng rộng rãi
Mô hình phục tráng bưởi Phúc Trạch được nông dân Hương Khê áp dụng rộng rãi

Ông Nguyễn Văn Trí, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh cho biết, trong giai đoạn 5 năm (từ 2010 – 2015) Trung tâm đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ KHKT thông qua xây dựng mô hình trình diễn, nhất là đưa các giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản mới có năng suất, chất lượng cao vào SX. Đồng thời, phát triển liên kết trong SX theo chuỗi các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực.

Điển hình phải kể đến thành công mô hình chuỗi SX chè bền vững theo hướng VietGAP ở xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh. Cụ thể, năm 2014 từ nguồn vốn tài trợ của Chính phủ Canada, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh hỗ trợ nông dân trồng mới 8 ha chè, hỗ trợ thành lập THT trồng chè công nghiệp Kỳ Thượng và ký hợp đồng tiêu thụ 100% sản phẩm chè búp tươi với Xí nghiệp chè 12/9.

“Một BQL dự án được thành lập, phối hợp với chính quyền xã khảo sát lại vùng trồng chè, xác định các yếu tố có khả năng gây ô nhiễm đến cây chè và những thiếu hụt cần khắc phục so với yêu cầu VietGAP. Trên cơ sở đó, cán bộ chuyên môn của chúng tôi xuống tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật SX chè an toàn cho bà con; đào tạo và cấp chứng chỉ cho 30 hộ dân; hướng dẫn cách ghi chép sổ sách, xây dựng cơ sở hạ tầng, xác định các mối nguy trong quá trình SX có thể ảnh hưởng đến chất lượng chè, cũng như việc tuân thủ các tiêu chuẩn về xã hội và môi trường…”, ông Trí cho hay.

Cũng theo ông Trí, nhằm đạt hiệu quả tối đa, ban quản lý còn thành lập thêm tổ dịch vụ BVTV; hình thành 9 nhóm hộ với sự tham gia của 230 hộ dân để quản lý, chỉ đạo chặt chẽ hơn. Kết quả đạt được sau 2 năm thực hiện là tăng hiệu quả kinh tế lên đạt 5 – 6 triệu đồng/ha, đồng thời giúp người trồng chè tiết kiệm chi phí phân bón, thuốc BVTV, tận dụng các phế phụ phẩm nông nghiệp như rơm, rạ… để ủ thành phân vi sinh bón cho cây trồng.

Song song mô hình phát triển chè biền vững, năm 2014 Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh còn triển khai thành công mô hình SX thử giống lạc mới L19, L26 vụ xuân 2014 ở xã Đức Tùng, Đức Lạng (huyện Đức Thọ) với năng suất đạt 38 tạ/ha; mô hình chuỗi sản phẩm lúa tại huyện Đức Thọ, mang lại lợi nhuận hơn 10 triệu đồng/ha. Xây dựng các mô hình thâm canh trồng mới cây cam chanh, cam bù Hương Sơn; chuyển giao kỹ thuật trồng rau an toàn, trồng rau trong nhà lưới, trồng hoa ly, hoa đồng tiền; rau củ quả trên đất cát ven biển, bãi bồi ven sông…

hatinh
Phát triển chè bền vững theo mô hình VietGAP ở Kỳ Thượng, Kỳ Anh

Du nhập, xây dựng thành công mô hình SX bò thịt chất lượng cao Charolase, bò BBB, đào tạo mạng lưới thụ tinh nhân tạo bò từ tỉnh xuống xã; hình thành các mô hình SX lợn siêu nạc liên kết với doanh nghiệp thông qua HTX, THT.

Ngoài các chuỗi cây, con trên, để phát triển nông nghiệp bền vững, Hà Tĩnh còn xây dựng các chuỗi rau củ quả chất lượng cao; cây cam, bưởi; lúa, lạc, nguyên liệu gỗ rừng trồng… góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân, giải bài toán thu nhập trong xây dựng NTM.

Trong lĩnh vực thủy sản, đa dạng hóa các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao như: Cá lóc môi trề, cá rô phi đơn tính, cá diêu hồng, cá chẽm, cá hồng Mỹ, tôm thẻ chân trắng, từng bước thay thế các đối tượng truyền thống. Ứng dụng chuyển giao công nghệ nuôi tôm thâm canh công nghiệp trên cát, nuôi trong ao đất lót bạt vỗ bờ xi măng…

“Đề án Tái cơ cấu ngành xác định rõ, phát triển nông nghiệp Hà Tĩnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới. Cho nên, chúng tôi cũng đã xây dựng kế hoạch đổi mới hoạt động khuyến nông theo phương châm “Doanh nghiệp hóa sản phẩm, liên kết hóa SX, xã hội hóa đầu tư và quốc tế hóa công nghệ” thông qua các chuỗi cây trồng, vật nuôi”, ông Nguyễn Văn Trí thông tin thêm.

Theo đó, chuỗi lợn, trước mắt phối hợp với khuyến nông cấp huyện, xã và các cơ sở chăn nuôi lợn nái (được hưởng chính sách theo Quyết định 2811 của UBND tỉnh) tuyên truyền, vận động hình thành các THT, HTX chăn nuôi lợn liên kết.

Chuỗi bò, xây dựng, chuyển giao nhân rộng mô hình nuôi bò thịt chất lượng cao liên kết với Tổng Cty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh, Cty Bình Hà theo các hình thức: Cty cung ứng giống, thức ăn tinh, quy trình kỹ thuật và thu mua bò về vỗ béo; người dân nuôi bò cái nền lai Zê bu, Cty cung ứng tinh, phối giống và mua bê lai cho người dân để cung ứng cho các vệ tinh nuôi thương phẩm và sản xuất giống; ứng dụng các công nghệ tưới nước nhỏ giọt, thủy lợi cho cây trồng cạn để SX cây thức ăn xanh (trên diện tích đất trồng lúa, màu kém hiệu quả), hình thành vùng SX thức ăn cung ứng cho các doanh nghiệp chăn nuôi bò thịt, bò sữa. Hỗ trợ các mô hình trồng cây thức ăn xanh vỗ béo bò thịt kết nối với các tư thương thu mua, giết mổ tại các cơ sở trong tỉnh và vận chuyển ra ngoại tỉnh.

Chuỗi hươu sao thì hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao khoa học công nghệ, triển khai hiệu quả Dự án Trung tâm giống hươu; hình thành mạng lưới vệ tinh chăn nuôi hươu liên kết với Tổng Cty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh từ khâu giống, quy trình kỹ thuật đến bảo quản chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Đối với chuỗi tôm, cá, ngoài xây dựng các mô hình nuôi tôm công nghệ cao đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP sẽ liên kết với doanh nghiệp một số khâu về cung ứng giống, thức ăn hoặc liên kết tất cả các khâu trong chuỗi giá trị; chuyển giao các tiến bộ về quy trình nuôi dưỡng, xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh cho các HTX, THT, hộ nuôi trồng đảm bảo an toàn dịch bệnh.

THANH NGA / NNVN

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP