Xuất phát từ chủ trương đó, Công ty CP Vật tư Nông nghiệp Hà Tĩnh đã phối hợp với Viện Cây Lương thực và Cây Thực phẩm lựa chọn và tìm ra giống lúa Gia Lộc102 có nhiều tính năng và đặc điểm nổi trội vào khảo nghiệm và sản xuất thử trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Nam và Quảng Bình.
Nhiều ưu điểm nổi trội
Công ty đã đưa vào sản xuất khảo nghiệm và sản xuất thử tại huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Thạch Hà của tỉnh Hà Tĩnh, huyện Thăng Bình, (Quảng Nam) và huyện Quảng Ninh, (Quảng Bình) 4 năm nay. Qua hội thảo đầu bờ với bà con và các nhà khoa học các tỉnh, Gia Lộc 102 được đánh giá là loại giống có thời gian sinh trưởng ngắn, cây lúa phát triển tốt, bông dài, chống chịu được các loại sâu bệnh thường gặp trên cây lúa, năng suất khá, chất lượng gạo tốt, có giá trị kinh tế cao, được bà con nông dân chấp nhận.Vụ sản xuất Đông xuân năm 2013, Công ty tổ chức thu mua tại chỗ cho bà con nông dân với giá từ 7.000 đồng đến 7.200 đồng/kg, trong khi giá các loại lúa khác chỉ có giá 5.000 – 5.500 đồng/kg.
Vụ Hè thu năm 2013, sau khi có quyết định của Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp cho phép sản xuất thử trên diện rộng (QĐ số 70/QĐ – TT – CLT ngày 28/2/2013) Công ty CP Vật tư Nông nghiệp Hà Tĩnh đã cung ứng và tổ chức sản xuất thử gần 1.000 ha giống lúa Gia Lộc 102 trên địa bàn Hà Tĩnh. Trong đó tổ chức sản xuất theo cánh đồng mẫu 355 ha tại các huyện Kỳ Anh, Hương Khê, Đức Thọ; cung ứng cho hộ nghèo 532 ha tại các huyện Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Hương Sơn; cung ứng khác 113 ha cho một số xã của Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam.
Theo đánh giá chung, ở những nơi Công ty tổ chức sản xuất theo cánh đồng mẫu (Cung ứng giống, phân bón trả chậm, tổ chức thu mua sản phẩm, chỉ đạo sản xuất theo qui trình có cán bộ kiểm tra) thì lúa phát triển tốt, đã thu hoạch xong cho năng suất khá, cao hơn đối chứng. Công ty đã tổ chức hội thảo, được địa phương và bà con nông dân đánh giá cao. Như xã Kỳ Phú ( huyện Kỳ Anh), xã Thuận Lộc (Thị xã Hồng Lĩnh), thôn 10 xã Cẩm Quan (huyện Cẩm Xuyên), xã Phúc Trạch, Phú Gia, Hương Xuân (huyện Hương Khê) ..
Tại xã Lộc Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), huyện Thăng Bình (Quang Nam) giống lúa Gia Lộc 102 vượt trội so với các giống lúa thuần khác về năng suất, thời gian sinh trưởng, chất lượng gạo… Vì thế , nên ở các tỉnh này đang chỉ đạo mở rộng diện tích cho các vụ tiếp theo.
Không phải nguyên nhân do giống
Riêng tại huyện Hương Sơn, vụ Hè thu 2013 Công ty đã cung ứng 39,345 tấn giống lúa Gia Lộc 102 trong đó có 34,945 tấn của 21 xã thuộc chương trình hộ nghèo theo Quyết định của UBND tỉnh, 4,4 tấn mua ngoài từ Công ty và qua Trung tâm chuyển giao khoa học kỷ thuật của huyện, để gieo trồng trên tổng số diện tích tương đương 393 ha. Trong số đó, một số xã như : Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, Sơn Hồng, Sơn Quang, Sơn Mai… thì lúa phát triển tốt, cho năng suất cao, được lãnh đạo xã và bà con đánh giá tốt. Tuy nhiên, ở một số xã như: Sơn An, Sơn Tiến, Sơn Thịnh, Sơn Lễ, Sơn Trường…, theo đánh giá của phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thì lúa sinh trưởng và phát triển tốt, trổ bông nhanh và thoát, bông to, nhiều hạt. Song cả hai trà đều bị tỷ lệ hạt lép quá cao. Cũng theo đánh giá của địa phương, là giống Gia Lộc 102 không phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại Hương Sơn. Thời kỳ làm đồng, trổ bông, rễ và thân thối dần, không hút được chất dinh dưỡng dẫn đến hạt lép làm giảm năng suất. Công ty đã mời các nhà khoa học của Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm – Bộ NN & PTNT vào khảo sát tại chỗ. Sau khi có báo cáo khí tượng Thủy văn của Trung tâm khí tượng Thủy văn tỉnh Hà Tĩnh tại khu vực Đức Thọ, Hương Sơn, Kỳ Anh, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm đã có công văn số 231 ngày 19/8/2013 nêu rõ: vụ Hè thu năm nay thời tiết cực đoan, tại khu vực miền núi Hương Sơn mưa nhiều, nhiệt độ, độ ẩm cao, kết hợp với biện pháp canh tác làm đất, phòng trừ sâu bệnh của người dân chưa tốt nên tạo điều kiện cho vi rút gây bệnh thối rễ phát triển, làm cho cây lúa chết dần, giảm mật độ dẫn đến năng suất kém. Đặc biệt, hai trà lúa Gia Lộc 102 trỗ đúng vào dịp từ ngày 25 đến 30/7 và từ ngày 2 đến ngày 15/8 đều gặp ảnh hưởng của hai cơn bão số 5 và số 6 gây mưa to đến rất to làm giảm khả năng thụ tinh, thụ phấn ở lúa, xẩy ra hiện tượng lúa lép hạt nhiều. Theo bà con địa phương, không những cây lúa bị lép hạt mà hoa màu như đậu xanh ở đây năm nay cũng bị mất muà bởi thời tiết không thuận. Cũng theo TS, Nguyễn Trọng Khanh, phó Viện trưởng Viện Cây lương thực – Cây thực phẩm, vì những nguyên nhân khách quan nêu trên mà kết luận do giống lúa Gia Lộc 102 không đảm chất lượng là không chính xác và không có cơ sở. Cũng cần nói rõ thêm là, vụ Hè thu 2013 Công ty CP Vật tư nông nghiệp Hà Tĩnh tổ chức sản xuất gần 1.000 ha, nhưng chỉ có một số xã của huyện Hương Sơn bị thất bát, năng suất giảm. Nhìn tổng quan toàn tỉnh và rộng ra các tỉnh đã sử dụng giống Gia Lộc 102 mùa này thì phạm vi thất bát như nói trên chỉ phần nhỏ. Ở các nơi khác lúa phát triển bình thường, đạt năng suất khá cao và đã thu hoạch xong trước ngày 4/9/2013, trước các giống lúa khác từ 15-20 ngày trở lên.
Trước thực tế vừa qua ở một số xã của huyện Hương Sơn, Công ty đang tập trung cùng với các cơ quan chức năng của huyện, xã tiến hành khẩn trương việc thống kê tính toán số thiệt hại, tìm nguyên nhân để hỗ trợ một phần thiệt hại cho bà con theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại công văn số 3151/UBND-DT ngày 04/9/2013 và điều chỉnh quy trình canh tác một cách hợp lý cho vụ sau.
Tuy nhiên, qua thực tiển rút ra sau mấy năm khảo nghiệm ở đồng đất miền Trung nói chung, Hà Tĩnh nói riêng, có thể khẳng định: giống lúa Gia Lộc 102 vẫn nên được đưa váo sản xuất thử trong năm tới. Vì đây là giống lúa có chất lượng cao, gạo ngon, mềm dẻo, có vị thơm, thời gian sinh trưởng ngắn, phù hợp với hai vụ sản xuất theo cơ cấu mùa vụ của Hà Tĩnh và đặc biệt cho các vùng Hè thu sớm tránh lũ. Bởi vậy, Công ty rất mong được sự đồng hành, ủng hộ, đóng góp ý kiến của các nhà khoa học, bà con nông dân để Gia Lộc 102 thật sự là giống lúa cứu cánh của người nông dân, nhất là đối với những vùng thường bị lũ lụt đe dọa.
Đức Lĩnh
Công Luận