Đó là cách gọi của những người dân xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) dành cho cây gió trầm. Mặc dù nhắc đến tên của địa phương này, người ta thường nghĩ ngay tới sản phẩm “bưởi Phúc Trạch” thơm ngon nổi tiếng gần xa. Thế nhưng cách đây khoảng 5 năm, người dân đã “ồ ạt” chặt bỏ bưởi chuyển sang trồng cây gió lấy trầm. Bởi họ tin rằng loài cây này sẽ cho hiệu quả kinh tế cao gấp rất nhiều lần so với bưởi.
Bà Thái Thị Bé, xóm 7 (Phúc Trạch) so sánh: “Trồng bưởi rất kì công, từ khâu chọn giống, chăm sóc, thụ phấn, thế nhưng hễ năm nào thời tiết không thuận lợi là mất trắng. Cây gió trầm thì khác, việc trồng và chăm sóc rất đơn giản, không phải lo mất mùa. Khi cây gió trầm được 7 – 8 năm tuổi, thương lái vào tận nhà làm hợp đồng, đặt cọc tiền, khoan cấy trầm nhân tạo rồi gửi lại đó. Chủ vườn chỉ việc bảo vệ và ngồi chờ đếm tiền. Đến kỳ khai thác họ vào lấy cả thân, rễ, lá chở đi”.
Ông Nguyễn Trung Trực bên cây gió trầm gần 30 năm tuổi của mình |
Cây gió trầm từ 20 – 30 năm tuổi, lượng trầm nhiều, thương lái trả tới hàng 100 triệu đồng/cây. Tuy nhiên, không phải xã nào của huyện Hương Khê cũng có được sự ưu đãi đó của thiên nhiên. Không hiểu sao chỉ có đất Phúc Trạch, cây gió mới cho trầm tự nhiên. Nhiều địa phương cũng đã trồng theo nhưng hiện bán không ai mua vì không có trầm.
Nằm cuối con đường liên xã, theo chỉ dẫn của bà Bé, chúng tôi tìm đến “tỷ phú trầm” Nguyễn Trung Trực, Chủ nhiệm HTX trầm hương Phúc Trạch. Ông Trực cho biết, những năm 80 của thế kỷ trước, ông cùng đám bạn trong làng theo chân các thợ tìm trầm người Huế và Quảng Nam… vào đại ngàn Trường Sơn tìm trầm.
Sau một thời gian vất vả vượt núi băng rừng, ông và đám thợ này bất ngờ tìm được trầm trong một cây gió bị gãy đổ đã mục nát. Hóa ra trầm chính là thứ dầu được cây gió “bao vây” lấy vết thương, theo thời gian tích tụ thành trầm. Ông bỗng giật mình vì cây gió ở Phúc Trạch không còn là gì với người dân.
Về nhà, ông tìm hạt ươm và bắt đầu trồng thử nghiệm ngoài vườn. Từ đó đến nay, diện tích trồng gió trầm của gia đình ông đã có gần 1ha với khoảng hơn 1.800 cây, nhiều độ tuổi khác nhau. Trong đó, 10 cây từ 20 – 30 năm, 50 cây từ 10- 20 năm, số còn lại là dưới 10 năm tuổi.
Một góc vườn gió trầm của bà Thái Thị Bé, xóm 7, xã Phúc trạch |
Theo ông Trực, giá bán cây gió tùy thuộc vào độ tuổi của cây và chất lượng trầm có trong từng cây. Cây có tuổi trên 30 năm ít nhất cũng bán được hơn 100 triệu đồng, cây 8 – 10 năm tuổi trung bình 10 triệu đồng/cây. Năm 2014, gia đình ông thu được gần 1 tỷ đồng nhờ bán và chế tạo đồ mỹ nghệ từ cây gió.
Theo “tỷ phú” Trực, trầm hương có 2 loại là trầm tự nhiên và nhân tạo, trong đó trầm tự nhiên có giá trị kinh tế cao hơn. Trong quá trình sinh trưởng và phát triển của cây gió, nó bị một loại sâu đục thân “khoan lỗ” vào cây tạo ra những vết thương. Để tự vệ và làm lành vết thương, cây gió tiết ra một loại dầu đặc biệt bịt các lỗ hổng do sâu tạo ra, dần dần tinh dầu đó tích tụ lại tạo thành trầm.
Loại trầm tự nhiên có gía trị kinh tế rất cao nhờ được thị trường ưa chuộng. Khi trồng cây gió, người ta khoan lỗ vào thân cây, cho vào đó 1 loại hóa chất đặc biệt để tạo trầm. Trầm nhân tạo vì thế có giá thành thấp hơn trầm tự nhiên, nhưng so với các loại cây trồng khác thì giá trị kinh tế vẫn cao hơn hàng chục lần.
Những người thợ đang chế tạo các sản phẩm mỹ nghệ từ cây gió trầm |
Ngoài ra, ông Trực còn thu mua cây gió đến độ tuổi khai thác của người dân mang về chế tác thành các sản phẩm mỹ nghệ bán cho thương lái tại Đà Nẵng, Khánh Hòa, thành phố HCM…để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Trên địa bàn xã Phúc Trạch, ngoài bà Bé, ông Trực còn có hàng trăm “tỷ phú trầm” khác.
200 tỷ phú trong một xã
Theo thống kê chưa đầy đủ, tại xóm 6 có khoảng 20 người, xóm 7 có 25 người, xóm 8 có 30 người… và trên toàn xã Phúc Trạch có gần 200 người trở thành tỷ phú từ việc bán gió trầm. Hàng năm, thu nhập từ việc bán gió trầm đều mang lại cho họ hàng tỷ đồng.
Tiếp PV, ông Phan Văn Tính, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch cho biết: “Nguồn thu của dân xã Phúc Trạch trước kia phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp và trồng bưởi. Những năm trước đây, nhiều hộ dân đã chặt bỏ cây bưởi để chuyển sang trồng gió trầm.
Những kiệt tác từ cây gió trầm chuẩn bị được bán ra thị trường |
Theo số liệu thống kê, trên địa bàn xã có gần 200ha loại cây này, được trồng rải rác ở tất cả các xóm. Hiện nay, đây là cây trồng mũi nhọn, mang lại thu nhập cao nhất của bà con. Nghe nói người ta mua để xuất khẩu sang Trung Quốc, Malaysia, Đài Loan …”.
Ông Nguyễn Trọng Hoài, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Khê nói: “Theo thống kế sơ bộ thì toàn huyện hiện có gần 600ha gió trầm, chủ yếu là ở xã Phúc Trạch. Dù đây là cây mang lại giá trị kinh tế cao, nhưng huyện vẫn rất thận trọng chưa khuyến khích dân trồng loại cây này.
Đó là thành quả hiện nay của phong trào “người người trồng gió, nhà nhà trồng gió” tại xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Có những cây gió trầm bán được hàng trăm triệu đồng, nhiều gia đình xây nhà tầng, sắm xe hơi bằng tiền bán cây gió. Thế nhưng, do chưa có cơ sở khoa học và tính ổn định của đầu ra sản phẩm nên chính quyền chưa dám đưa cây gió vào trồng đại trà tại địa phương.
Xuân Chinh /Người Đưa Tin