Địa Chí Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Về nơi mưu sinh bằng nghề tàu chợ, trâu kéo

Bị chia cắt bởi con sông Ngàn Sâu, mọi sinh hoạt của người dân ở xã Đức Liên, nơi được coi là rốn lũ của huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) phụ thuộc hoàn toàn vào những chuyến tàu chợ. Nơi đây có không ít câu chuyện khó tin.

“Xe tăng” kéo lúa
Trong cái nắng gay gắt của những ngày cuối tháng 5, chúng tôi tìm về xã  Đức Liên – miền đất còn ít người biết đến với cuộc sống còn muôn vàn khó khăn, thiếu thốn.

Người dân phải kéo lúa qua sông như thế này

Người dân phải kéo lúa qua sông như thế này
Người dân phải kéo lúa qua sông như thế này

Hình ảnh “ấn tượng” đầu tiên đập mắt vào chúng tôi đó là cảnh những chiếc xe trâu mà người dân nơi đây nói đùa với nhau là những chiếc xe tăng chở lúa đang “bơi” dưới dòng sông. Đó là cách duy nhất để người dân đưa lúa cũng như hoa màu về nhà. Sau khi gặt, lúa được chuyển lên xe trâu trùm bạt kín rồi kéo qua sông.
Chứng kiến cảnh hàng chục chiếc “xe tăng” chất đầy lúa lao thẳng xuống sông rồi nhọc nhằn bơi qua khiến chúng tôi không khỏi rùng mình. Nước sâu, có đoạn gần quá đầu người. Con trâu chỉ còn thấy phần đầu nhọc nhằn kéo cả chiếc xe đầy lúa qua sông. Chỉ cần gặp phải những chỗ nước sâu là con trâu sẽ bị nhấn chìm.

Người dân ví những chiếc xe trâu này như những chiếc xe tăng lội nước
Người dân ví những chiếc xe trâu này như những chiếc xe tăng lội nước

Hai thôn Bình Quang và Tân Lễ hiện có hơn 70ha diện tích đất trồng lúa và hoa màu của gần 200 hộ dân nằm bên thôn Liên Châu và Liên Hòa (bên kia con sông Ngàn Sâu) nên đó là cách duy nhất để họ mang lúa về nhà. Song, từ đây nảy sinh nhiều câu chuyện cười ra nước mắt.
Việc cả xe lẫn trâu bị cuốn trôi hay việc lúa bị ngâm nước rồi nảy mầm là những chuyện đã quá đỗi bình thường. Anh Nguyễn Văn Hải, thôn Bình Quang, xã Đức Liên cho biết: “Hầu hết nhà nào cũng phải nuôi trâu, phải sắm cho mình một chiếc xe kéo và bạt để phục vụ cho việc kéo lúa. Nhiều năm gặt đúng dịp lụt tiểu mạn nước lên to nhiều gia đình bị cuốn trôi cả trâu lẫn lúa”.

Những chiếc xe tăng đang nhọc nhằn chở lúa qua sông
Những chiếc “xe tăng” đang nhọc nhằn chở lúa qua sông

Còn nhà chị Trần Thị Thu, cũng có 5 sào lúa và 2 sao lạc ở bên kia sông. Chồng chị suốt ngày đau ốm, các con lại còn nhỏ. Cứ mỗi khi mùa về một mình chị lại phải xoay xở với 7 sào lúa và lạc.
“Là phụ nữ nên công việc kéo lúa càng khó gấp bội. Nếu không mượn được người thì phải tự tay tôi kéo. Nhiều khi lúa bị ướt phơi không kịp nên lúa bị nảy mầm phải cho gà, lợn ăn” – chị Thu tâm sự.
Con tàu mang về cả thế giới
Không giống như những người dân 2 thôn Bình Quang và Tân Lễ phải nhọc nhằn kéo lúa qua sông, cuộc sống của người dân 2 thôn Liên Châu và Liên Hòa lại phụ thuộc vào những chuyến tàu chợ. Những chuyến tàu đã mang về cá, thịt, rau, gạo… và mang cả một thế giới khác về cho họ.

Những cuộc mua bán diễn ra nhanh chóng
Những cuộc mua bán diễn ra nhanh chóng

Bị chia cắt hoàn toàn bởi con sông Ngàn Sâu và con đường duy nhất là phải đi đò, để đi từ nhà đến chợ, họ phải mất cả tiếng đồng hồ. Và từ khi nào không hay, cuộc sống của họ phụ thuộc vào những chuyến tàu chợ.
Có mặt tại thôn Liên Hòa và Liên Châu lúc 7h sáng, cuộc sống nơi đây bình yên, lặng lẽ đến lạ kỳ. “Cuộc sống” chỉ bắt đầu khi những chuyến tàu “cập bến”.
Đúng 8h40, chuyến tàu chợ đầu tiên từ Vinh vào, những tiếng còi hú vang cả một khung trời.
Từ những con đường, mái nhà phụ nữ, trẻ em, đàn ông, người thì mang chuối, người mang gà tất cả ùa ra ga tạo nên một cuộc sống nhộn nhịp khác lạ. Từ con tàu chợ này, họ có thể mua được thịt cá, rau củ quả, những nhu yếu phẩm cần thiết và họ cũng bán một số nông sản như lạc, sắn cho các hành khách, tiểu thương.

Cuộc sống của hơn 250 hộ dân nơi đây phụ thuộc vào những chuyến tàu chợ như thế này
Cuộc sống của hơn 250 hộ dân nơi đây phụ thuộc vào những chuyến tàu chợ như thế này

Tất cả diễn ra hết sức nhanh chóng. Chừng 5 đến 10 phút, con tàu lại lăn bánh và cuộc sống lại quay về với nhịp sống thường ngày: yên tĩnh, vắng lặng…
Chị Phạm Thị Hường, một tiểu thương bán hàng trên tàu chợ được gần 10 năm rồi cho biết: “Chị bán chủ yếu là thực phẩm ăn uống cho họ. Họ có thể trả tiền hoặc đổi thức ăn lấy lạc, đậu”.
Tay xách bao gạo vừa đặt mua từ ngoài ga Yên Trung (Đức Thọ), chị Nguyễn Thị Vân tâm sự: “Giờ muốn đi chợ phải mất cả tiếng đồng hồ, lại phải qua đò vừa nguy hiểm lại phiền phức nên chúng tôi thường gửi các tàu chợ. Ai cần gì thì cứ gọi điện cho các tiểu thương rồi họ mang vào cho tận nơi”.
Cũng vì thế mà người dân chịu thiệt đủ bề. Hàng hóa mua vào đều bị các tiểu thương tăng lên vài ba giá, còn sản phẩm làm ra thì lại bị ép giá, hạ giá.
“Chúng tôi mua thường bị đắt hơn vài ba giá và còn bán thì ngược lại. Biết vậy nhưng đành phải chấp nhận. Không có những chuyến tàu này thì chúng tôi còn khổ hơn nữa” chị Vân cho biết thêm.
Mong ước một câu cầu
Có lẽ, không cần hỏi thì ai cũng biết, người dân nơi đây đang muốn gì. Đó chính là có một cây cầu để cuộc sống của họ bớt khổ, để con em họ được an tâm học hành.
Theo số liệu tự UBND xã Đức Liên cho biết, hiện 2 thôn Liên Hòa và Liên Châu có hơn 250 hộ với hơn 700 nhân khẩu, trong đó số học sinh là 150 em.

Tất cả việc đi lại để phải nhờ vào chiếc đò
Tất cả việc đi lại để phải nhờ vào chiếc đò

Có một cây cầu là mong ước bao đời của những người dân nơi đây
Có một cây cầu là mong ước bao đời của những người dân nơi đây

Chứng kiến những hình ảnh cả chục người chen chúc lên một con đò cũ kỹ, đơn sơ trồng trềnh qua sông khiến chúng tôi hết sức bất an. Con sông Ngan Sâu này lúc bình thường cũng sâu quá đầu người.
Nơi đây từng xảy ra nhiều vụ lật đò thương tâm. Điển hình là vào cuối năm 2011, một vụ lật thuyền xảy ra khiến 3 chiến sỹ công an tử vong.
Ông Nguyễn Như Ý, người lái đò tâm sự: “Đó là mong ước bao đời này của người dân chúng tôi. Tôi đã có kinh nghiệm chèo đò gần 30 năm rồi những vẫn không thấy an tâm. Mong sao có một câu cầu cho người dân đỡ khổ, cho các cháu học sinh an tâm học hành”.
Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Mẫu Lâm, Chủ tịch UBND xã Đức Liên cho biết: “Để xây dựng một cây cầu bắc qua 2 thôn Liên Hòa và Liên Châu cần một nguồn kinh phí lớn. Cái này chỉ dựa vào xã thì không thể. Trước đây cũng có nhiều đoàn về khảo sát nhưng sau thì không thấy gì. Cuộc sống của các hộ dân nơi đây vì thế đến giờ vẫn như một thế giới hoàn toàn khép kín”.

Xuân Sinh – Văn Dũng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP