Nhận tội sẽ xử cho vài tháng tù treo?
Ông Đinh Thiện (SN 1968, trú xã Hương Đô, Hương Khê, Hà Tĩnh) bị truy tố về tội “vi phạm các quy định luật giao thông đường bộ” và bị TAND huyện Hương Khê tuyên 42 tháng tù giam sau phiên tòa sơ thẩm ngày 18/7.
Sau đó, bị cáo Thiện và gia đình kêu oan, làm đơn kháng án. Ngày 4/10, TAND tỉnh Hà Tĩnh đã mở phiên phúc thẩm.
Tại phiên tòa, bị cáo Đinh Thiện vẫn một mực kêu oan. Bị cáo khai, Đinh Quốc Mỹ (trú xã Hương Đô, điều khiển xe BKS 38H4-5924) mới là người điều khiển xe máy đâm vào xe của ông Cao Hồng Tuyên (đã chết, điều khiển xe BKS 38N5-4586), lúc này đang chở theo ông Thiện.
Do cấp cơ quan tố tụng huyện Hương Khê vi phạm nghiêm trọng luật tố tụng hình sự nên TAND tỉnh đã tuyên hủy án, để điều tra lại.
Theo gia đình và luật sư, bị cáo Đinh Thiện sức khỏe yếu, người gầy rộc, xanh xao do mắc căn bệnh hen suyễn, viêm phổi, huyết áp cao và nang nước ở thận. Bà Nguyễn Thị Hồng (vợ bị cáo) đã 2 lần viết đơn xin cho chồng tại ngoại, đưa về nhà chăm sóc nhưng không được chấp thuận.
Ngày 27/10, bà Hồng và ông Đinh Thanh Phương (anh trai bị cáo) đã gửi đơn xin bảo lãnh tại ngoại cho bị cáo.
Sau đó, gia đình bà Hồng cũng đã gửi đơn lần thứ 2 lên VKS huyện, nhưng cũng không nhận được câu trả lời.
Bà Hồng cũng đã lên gặp ông Nguyễn Văn Bình, kiểm sát viên VKS huyện, người trực tiếp liên quan tới sai phạm ở cấp sơ thẩm mà tòa án tỉnh đã chỉ ra.
“Họ bảo tôi khuyên chồng phải nhận tội thì sẽ xử cho vài tháng tù treo là về. Còn không có ý thức, không thành khẩn thì phải giam. Tuy nhiên chồng tôi vô tội, sao ép ông ấy nhận tôi được?” – lời bà Hồng.
Bà Hồng tiếp tục đến Công an huyện Hương Khê để gặp ông Hà Hải Long, Phó trưởng Công an huyện.
“Ông Long cũng nói với tôi về khuyên chồng nhận tội, rồi sẽ được hưởng án treo. Ông nói chồng tôi chưa thành khẩn nên chưa được tại ngoại” – bà Hồng cho biết.
Viện trưởng VKS: Ông Thiện là tội phạm nguy hiểm?
Ông Hà Hải Long, Phó trưởng Công an huyện Hương Khê cho biết: “Họ đã làm đơn xin tại ngoại, nhưng đang trong quá trình điều tra, nên chúng tôi chưa thay đổi được. Do ông Đinh Thiện chưa thành khẩn khai báo nên chưa thể thay đổi biện pháp ngăn chặn”.
“Và quyền thay đổi hay áp dụng biện pháp tạm giam là do VKS phê chuẩn”, ông Long nói.
Bị cáo Đinh Thiện rất ốm yếu. Trong thời gian gần đây liên tục phải di chuyển xuống bệnh viện để điều trị.
Trong lúc đó, ông Trần Hữu Long, Viện trưởng VKS huyện Hương Khê cho rằng: “Đơn xin tại ngoại của gia đình đã chuyển cho kiểm sát viên nhưng chưa thể quyết định được vì cơ quan điều tra chưa có ý kiến.
Luật tố tụng quy định rõ những trường hợp nào cần phải áp dụng biện pháp ngăn chặn. Ông Thiện là tội phạm nguy hiểm, vì mức án trên 3 năm là nghiêm trọng”.
“Còn đơn tại ngoại, cơ quan điều tra thấy cần thiết thì họ đề xuất, VKS sẽ xem xét. Đến thời điểm này, họ đang điều tra, nếu về có thể bỏ trốn, gây khó khăn cho việc điều tra nên họ không đề xuất” – Viện trưởng VKS nói.
Theo LS Phan Chiều, Văn phòng luật sư An Phát (Hà Tĩnh): “Việc bắt tạm giam bị cáo Đinh Thiện trong trường hợp này là sai. Tại khoản 1, điều 88, Bộ luật tố tụng hình sự quy định rõ: Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo trong các trường hợp sau:
Bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng mà bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 2 năm phải có căn cứ rằng người đó có thể trốn, hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội. Ví dụ như ông Đinh Thiện đang ở ngoài mà bị phát hiện mua vé tàu bỏ trốn chẳng hạn thì họ mới có quyền bắt tạm giam”.
Cũng theo LS Phan Chiều, ông Đinh Thiện chưa có bất cứ dấu hiệu nào là bỏ trốn, hay cản trở việc điều tra. Vì thế việc bắt tạm giam ông Thiện là sai với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
Hơn nữa, việc ông Thiện không nhận tội không có nghĩa là ông không thành khẩn khai báo. Cơ quan điều tra cho rằng việc ông Đinh Thiện không nhận tội là chưa thành khẩn, quanh co chối tội là không có căn cứ, không khách quan. Bản thân cơ quan tố tụng huyện Hương Khê đã mắc nhiều sai phạm nghiêm trọng trong điều tra, xét xử nên đã bị tòa phúc thẩm tuyên hủy.
Thiện Lương