Lộc Hà

Hà Tĩnh: Trưởng phòng TN&MT non kém về luật khiến dân cơ cực?

Việc ông Lê Văn Thủy – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh giải quyết chậm đơn thư của công dân, làm ngơ trước việc làm sai trái của Phòng TN&MT khiến dân bức xúc.

Ông Tô Hiến Thành ở xóm Sơn phú, xã Mai Phụ, huyện Thạch Hà, nay là huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh, có một số tài sản gồm: nhà ở, đất vườn, đất ruộng, đất hoa màu được chính quyền các cấp cấp. Do hoàn cảnh gia đình, ông Thành phải chuyển hộ khẩu vào Nam sinh sống. Vì vậy, ông Tô Hiến Thành cùng với gia đình đã đồng ý viết giấy chuyển nhượng lại cho ông Tô Ngọc Danh là người sinh ra và lớn lên tại xã Mai Phụ.

Toàn bộ số tài sản nói trên, giấy chuyển nhượng được ông Trần Đình Nỹ là hàng xóm kí làm chứng, giấy đề ngày 06/02/2008. Tuy nhiên, sau khi chính quyền Lộc Hà, đặc biệt là Phòng Tài nguyên và Môi trường đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ ông Thành sang ông Danh thì chỉ cấp đất nhà ở và đất vườn còn đất ruộng thì không cấp. Từ năm 2008 lại nay, số đất ruộng được gia đình ông Tô Ngọc Danh cải tạo, trồng các loại cây lương thực, hoa màu để nuôi sống gia đình. Gia đình có 8 nhân khẩu chỉ bám vào mảnh ruộng nói trên, ngoài ra không có một thứ gì để bỏ vào miệng.

Tuy số đất ruộng nói trên không được cấp, nhưng các loại phí, các loại nghĩa vụ về đất ruộng chính quyền vẫn thu của ông Danh đầy đủ không bỏ sót. Vấn đề này, tôi “xin phép” nói với ông Lê Văn Thủy – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lộc Hà rằng: Tại khoản 2 điều 100 Luật đất đai năm 2013 có ghi: “Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 điều này mà trên giấy tờ đó ghi tên người khác, kèm theo giấy tờ về việc chuyển quyền sử dụng đất có chữ kí của các bên có liên quan, nhưng đến trước ngày luật này có hiệu lực thi hành, chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng theo quy định của pháp luật và đất đó không có tranh chấp thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất”.

Tại khoản 1 điều 82 Nghị định Chính phủ số 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn luật đất đai năm 2013 có ghi: “Trường hợp người đang sử dụng đất do nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trước ngày 01/01/2008 mà đất đó chưa được cấp giấy chứng nhận và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 điều này thì người nhận chuyển sử dụng đất thực hiện thủ tục đăng kí đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu theo quy định của luật đất đai và quy định tại Nghị định này mà không phải làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất; cơ quan tiếp nhận hồ sơ không được bắt buộc người nhận chuyển quyền sử dụng đất nộp hợp đồng, văn bản chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật”.

hatinh24h

Ông Phạm Đức Nhuận – Phó Chánh văn phòng đang ân cần tiếp nhận những thông tin từ báo chí.

Như vậy, văn bản của Nhà nước hướng dẫn rất chi tiết, cụ thể và rất dễ hiểu. Nếu như người không có học vấn cao họ vẫn hiểu. Tôi xin trích một đoạn trong giấy xin chuyển nhượng của ông Tô Hiến Thành: “Gia đình tôi xin chuyển nhượng căn hộ và ngôi nhà cùng thửa vườn đó cùng số đất ruộng, đất hoa màu trước đây chính quyền và thôn xóm cấp cho tôi: Chuyển nhượng lại cho chú Tô Ngọc Danh”.

Không nói nhiều… mà chúng ta hãy công tâm, vô tư và nên nghiên cứu về luật cùng với các chứng cứ pháp lí trong giấy chuyển nhượng thì phòng Tài nguyên và Môi trường, nhất là người đứng đầu phòng đó là ông Lê Văn Thủy phải làm thủ tục trình lãnh đạo huyện kí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Tô Ngọc Danh. Tại sao…? Ông Tô Hiến Thành đã chuyển nhượng số đất ruộng nói trên để lấy tiền đi miền Nam làm ăn, bây giờ nghe có chủ trương xây dựng công trình của Nhà nước lại chạy về đòi tiền đền bù…?

Phải chăng ở đây có người đứng sau chống lưng cho ông Thành làm điều vô đạo và phi lí đó. Hay là ông Danh là một nông dân nghèo khổ, chân yếu tay mềm, không nói nên lời thì phải chịu cảnh cơ cực như thế. Chắc ông Thủy vẫn văng vẳng bên tai câu khi ông được học tập: “Đạo đức Hồ Chí Minh”, “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”.

Tại sao ngày 25/9/2015 ông Thủy kí công văn trả lời đơn thư khiếu nại của công dân, ông Thủy đã thừa nhận: “Căn cứ vào hồ sơ đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Tô Ngọc Danh và ông Tô Ngọc Danh được bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất để xây dựng công trình”.

Tại sao văn bản ông Thủy vừa kí ở trên chưa ráo mực thì ngày 08/4/2016 ông Thủy lại kí công văn số 02/BGPMB để công nhận cho ông Tô Hiến Thành được nhận số tiền bồi thường khi có công trình của Nhà nước đi qua mảnh đất mà ông Thành đã chuyển nhượng cho ông Danh đã nói ở trên. Thực sự là những người làm báo chúng tôi đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, nhưng hiếm có những trường hợp xảy ra như thế này và chúng tôi cũng rất “khó hiểu”.

Câu trả lời này, chắc có lẽ, chỉ ông Thủy Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường của huyện Lộc Hà và ông Tô Hiến Thành là người chuyển nhượng đất cho ông Tô Ngọc Danh mới hiểu thôi…?

Ngày 29/4/2016, ông Tô Ngọc Danh đã có đơn gửi cho Phòng Tài nguyên và Môi trường của huyện Lộc Hà yêu cầu giải quyết việc làm sai trái của Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với gia đình ông. Từ đó lại nay đã 5 tháng, nhưng mọi sự việc đã đi vào im lặng. Chẳng lẽ ông Thủy không hiểu rằng: Sự im lặng đó là việc làm trái với luật khiếu nại và tố cáo đối với công dân và bị xử lý như thế nào?

Ngày 29/8/2016, chúng tôi tiếp tục nhận được đơn của ông Tô Ngọc Danh, yêu cầu báo chí bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông. Sau khi nghiên cứu đơn và hồ sơ, chúng tôi đã đến gõ cửa cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ về đất đai để xin phép làm rõ một số vấn đề thì được ông Thủy – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường tỏ thái độ hết sức bức xúc, mất lịch sự và chúng tôi nhận được câu trả lời: “Không tiếp báo chí khi chưa có ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo huyện và ông nói thêm rằng đây là quy định của Trung ương”.

Nhưng rất may cho chúng tôi được gặp đồng chí Phạm Đức Nhuận – Phó Chánh văn phòng của huyện, đồng chí đã ân cần, khiêm nhường nghe chúng tôi chuyển đến một số thông tin cho lãnh đạo. Thiết nghĩ, cũng một tổ chức, cũng một nơi rèn luyện cán bộ, sao giữa đồng chí Nhuận và ông Thủy… hai hình ảnh đó lại tương phản nhau một cách ghê gớm thế… Hay vì bệnh nghề nghiệp tạo nên chăng? Theo tôi nghĩ, đã là cán bộ dưới sự lãnh đạo của Đảng thì bất cứ làm nghề gì cũng phải đảm bảo phẩm chất, tri thức khoa học để phục vụ nhân dân. Chúng tôi là những cán bộ của cơ quan báo chí mà ông Thủy còn có thái độ như thế thì người dân một nắng hai sương nơi ruộng đồng, ông Thủy đối xử như trên là dễ hiểu.

Qua kinh nghiệm cho thấy, những cán bộ nào thật sự công tâm vì Đảng vì dân thì khi tiếp xúc với báo chí, họ rất nhiệt tình và tỏ thái độ đồng cảm và cùng chung chí hướng để xây dựng tổ chức Đảng, các tổ chức Nhà nước ngày một vững mạnh, đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu dân. Còn những ông quan nào trong đầu non kém về tri thức khoa học, nhưng luôn luôn tìm mọi kẽ hở để lách luật, mưu lợi cho cá nhân thì họ có cách nhìn giới báo chí bằng con mắt khác biệt. Thậm chí, họ không bao giờ muốn tiếp xúc với báo chí (Tất nhiên ở đây, tôi chỉ nói phần thiểu số).

Thông qua bài viết này, chúng tôi đề nghị Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Lộc Hà, Sở Tài nguyên và Môi trường, thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh, Tỉnh ủy và các ngành hữu quan quan tâm để giải quyết mọi quyền lợi cho gia đình ông Tô Ngọc Danh, và có ý kiến xử lí việc giải quyết chậm đơn thư của công dân đối với ông Lê Văn Thủy – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh. Chúng tôi sẽ cử phóng viên của báo theo dõi sự việc để thông báo tới bạn đọc với các số báo sau.

Tháng 9/2016
Dương Chí Sỹ/KD&PL

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP