Lao Động - Việc Làm

Hà Tĩnh: Truân chuyên nghề “phu kéo hoa”

Vào những ngày cuối năm, nhu cầu mua sắm của người dân ở Hà Tĩnh tăng mạnh, đặc biệt là các mặt hàng chưng Tết. Ai cũng muốn có gốc quất, cây đào để trang trí ngôi nhà, vì thế dịch vụ xe lôi xuất hiện và hoạt động hết sức tấp nập.

Theo quan sát và tìm hiểu của chúng tôi, những người hành nghề xe lôi hầu hết là đội ngũ xe ôm, xe thồ và một ít từ lao động phụ hồ. Họ dùng xe máy gắn thêm thùng hàng ở phía sau hoặc lắp giá đỡ trên yên xe để chở hàng.

 Những chiếc xe máy được gắn thêm thùng xe kéo phía sau để chở cây cảnh thuê cho khách hàng.

Khảo sát tại địa bàn thị xã Hồng Lĩnh, đội ngũ xe lôi vận chuyển cây cảnh năm nay không dưới 20 người. Họ thường đi theo nhóm để hỗ trợ nhau trong việc bốc hàng lên xuống cho khách.

Trao đổi với PV, ông Lê Xuân Hòa (50 tuổi, trú tại TDP 4, phường Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh) cho biết: “Mấy ngày trước vì cây cảnh không bán được nên cánh xe lôi chúng tôi ngồi chơi là chủ yếu, nhiều thì chỉ được vài chuyến. Riêng hôm nay người mua khá nhiều nên tôi chở được cho 8 khách. Tùy theo quãng đường dài ngắn mà có giá vận chuyển khác nhau, thu nhập từ 400 đến 500 ngàn đồng”.

“Mặc dù kiếm được ít tiền tiêu Tết nhưng không sung sướng gì đâu. Đội mưa đội gió từ sáng đến giờ cực lắm, bữa trưa phải ăn vội để chạy cho kịp kẻo không lại mất khách. Trả hàng xong lại tức tốc quay về chờ cơ hội mới. Trời mưa, đường chật, người đông, nguy cơ mất an toàn giao thông là không thể tránh khỏi”, ông Hòa nói thêm.

Mỗi chiếc xe kéo có thể chở được 4 đến 5 cây cảnh nếu chung một tuyến đường hoặc cùng đến một địa điểm.

Một người chạy xe lôi xin được dấu tên cho biết: “Hàng ngày tôi làm nghề phụ hồ, nhưng hiện tại đã nghỉ Tết. Hôm nay, thấy người dân cần vận chuyển cây cảnh nên tham gia kiếm thêm tiền tiêu. Vẫn biết là vi phạm quy định về an toàn giao thông nhưng vì miếng cơm manh áo nên đành liều vậy”.

PV hỏi là trong quá trình vận chuyển có bị lực lượng chức năng bắt và xử phạt hay không? Vị này chia sẻ: “Nếu chở cồng kềnh, quá khổ, gây ách tắc giao thông thì sẽ bị phạt ngay. Chúng tôi chỉ chỉ một vài cây trên xe nên họ (CSGT) tha cho nhiều, chủ yếu là nhắc nhở thôi”.

Ghi nhận tại khu vực ngã 3 Việt – Lào và dọc tuyến đường Quốc lộ 1A (thị xã Kỳ Anh – Hà Tĩnh), hình ảnh những người chạy xe thồ, xe máy chở quất, đào giữa phố xá đông đúc khiến cho không khí ngày Tết càng thêm nhộn nhịp.

Vốn làm nghề chở hàng thuê nên cứ mỗi dịp Tết đến, ông Trần Văn Hà (55 tuổi) lại chở đào, quất và cây cảnh cho khách. Việc này chỉ diễn ra mấy ngày giáp Tết nhưng đã đem lại thu nhập tương đối cho gia đình ông.

Trò chuyện với PV, ông Hà cho biết: “Tranh thủ những ngày giápTết, khi người dân mua cây cảnh nhiều nên tôi chuyển sang chở thuê cho họ. Năm nay do thời tiết mưa nhiều, khách hàng có vắng vẻ hơn nhưng vẫn có việc đều từ sáng đến tối. Trung bình mỗi ngày cũng kiếm được năm trăm nghìn đồng, có người thậm chí thu nhập tiền triệu”.

Để bảo vệ cây cảnh cho khách hàng, hai bố con anh Quân đều tham gia vào công việc.

Vừa bốc một cây quất lên xe, anh Phạm Văn Nam (30 tuổi) cho biết: “Nói nghề này kiếm tiền dễ cũng không hẵn bởi vì ngày Tết người đông, phương tiện giao thông đi lại nhiều nên rất phức tạp. Hơn nữa, đây là loại “hàng hoa” vì thế phải tuyệt đối nhẹ nhàng, cẩn thận. Nếu không may vỡ bầu, gãy cành hoặc rụng trái thì “ăn đủ”. Tiền công cả ngày cũng không đủ để đền cho khách”.

Gặp gỡ, trò chuyện với những người “phu kéo hoa” mới hiểu được cái truân chuyên trong công việc của họ. Dù hết sức vất vả nhưng ai nấy đều rất vui vì đó là nguồn thu nhập để trang trải cho cái Tết truyền thống đang cận kề.

Một số hình ảnh về nghề “phu kéo hoa” ngày Tết mà PV ghi lại tại TX Hồng Lĩnh và TX Kỳ Anh:

Hà Vũ – Trần Hoàn / Infonet 

  Từ khóa: Truân chuyên , phu kéo hoa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP