Hà Tĩnh đã và đang hướng đến phát triển kinh tế hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân
Phát triển kinh tế hàng hóa
Không phải ngẫu nhiên mà Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM Trung ương ghi nhận đánh giá cao cách làm sáng tạo của tỉnh Hà Tĩnh và đề nghị nhân rộng trên địa bàn. Để có được sự ghi nhận đó, trong 6 năm qua cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện, xã, thôn xóm trên địa bàn tỉnh xây dựng lộ trình thực hiện bài bản, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm nhằm góp phần phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn. Với sự chỉ đạo quyết liệt, tâm huyết Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM các cấp đã thổi luồng gió mới đến mọi tầng lớp nhân dân, từ đó tạo nên bước chuyển mình mạnh mẽ trong việc hình thành các mô hình tốt, cách làm hay để nhân ra diện rộng.
Mô hình trồng cây ăn quả chất lượng cao của ông Ngô Xuân Linh, xã Sơn Mai (huyện Hương Sơn) là một điển hình như thế. Năm 2004, vợ chồng ông Linh thuê gần 11ha đất đồi hoang để đầu tư trồng cây ăn quả, sau nhiều biến cố thăng trầm, thông qua các chính sách kích cầu hỗ trợ phát triển sản xuất vợ chồng ông Linh vay vốn mở rộng sản xuất lên 20ha, trồng gần 10.000 gốc cam các loại, hiện đã có 7ha cho thu hoạch, dự kiến năm 2017 sẽ có thêm 5ha cho quả. Với kết quả trên, bình quân mỗi năm ông “trùm” cam thu lãi trên 2 tỷ đồng. Bên cạnh sản phẩm cam chủ lực, trang trại của anh còn mở rộng chăn nuôi với gần 100 con trâu, bò và vài nghìn con bồ câu lấy thịt. Nhờ năng động trong sản xuất, nhạy bén về kinh doanh, tinh thần học hỏi kinh nghiệm sản xuất cùng với sự hỗ trợ thiết thực về vốn của chính quyền địa phương, đến nay, trang trại của anh Linh vừa giúp gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu với doanh thu 4-5 tỉ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động và hơn 30 lao động thời vụ, thu nhập 4,5-5 triệu đồng/người/tháng.
Chúng tôi tìm đến khu rừng tràm mênh mông dẫn lối vào trang trại của anh Dương Văn Tùng (xã Kỳ Văn, Kỳ Anh) – tấm gương vượt khó làm giàu bằng mô hình chăn nuôi kết hợp. Nhận thấy hướng làm giàu trên mảnh đất quê hương, cùng với sự giúp đỡ của chính quyền bằng các chính sách ưu đãi, đến nay, mô hình của anh đã thành công bước đầu với doanh thu mỗi năm đạt trên 1,5 tỷ đồng và lãi ròng 400-450 triệu đồng.
Theo thống kê, toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có 11.965 mô hình sản xuất, kinh doanh có doanh thu đạt trên 100 triệu đồng/năm.
Tỉnh đầu tiên thực hiện Tiêu chí thứ 20
Cùng với việc thực hiện 19 tiêu chí xây dựng NTM theo Bộ tiêu chí Quốc gia, Hà Tĩnh sáng tạo thêm tiêu chí thứ 20: Xây dựng khu dân cư (KDC) NTM kiểu mẫu, vườn mẫu. Tiêu chí này đã tạo nên nhiều dấu ấn trên vùng đất được mệnh danh “chảo lửa, túi mưa”. Sau gần 3 năm triển khai, toàn tỉnh đã có trên 1.000 KDC NTM kiểu mẫu được hình thành.
Thôn Nam Trà, xã Hương Trà (huyện Hương Khê) sau khi thực hiện xây dựng KDC kiểu mẫu, 100% hộ gia đình đã sắp xếp, chỉnh trang lại nhà cửa, trồng mới hàng rào xanh, bê tông đường làng, ngõ xóm, di dời các công trình chuồng trại chăn nuôi và thực hiện tốt việc xử lý môi trường. Ngoài chuyển biến trong chỉnh trang vườn hộ, các hộ dân trong thôn còn trồng trên 15.000 mét hàng rào xanh chè mạn hảo nhằm tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Từ đó, KDC NTM kiểu mẫu trở thành địa chỉ tham quan học tập lý tưởng cho nhiều đoàn trong và ngoài tỉnh.
Cùng với thôn Nam Trà nhiều địa phương khác cũng đã xây dựng thành công mô hình này như: Thôn Thành Tiến, xã Xuân Thành; thôn 7, Xuân Phổ (huyện Nghi Xuân); thôn Tân An, Cẩm Bình; Yên Mỹ, xã Cẩm Yên (huyện Cẩm Xuyên); thôn Châu Trinh, Tùng Ảnh (Đức Thọ) …
Sau khi triển khai thử nghiệm tua, tuyến du lịch tại huyện Nghi Xuân, hiện nay, Văn phòng điều phối xây dựng NTM Hà Tĩnh đang xây dựng các tour tuyến du lịch làng xã NTM ở các huyện Thạch Hà, Hương Sơn, Đức Thọ, Hương Khê, Cẩm Xuyên. Trong đó, một số tour tuyến kết nối huyện như Đức Thọ – Nghi Xuân; Cẩm Xuyên – Thạch Hà; Hương Khê – Can Lộc…