Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh đã đặt mục tiêu xây dựng hệ thống thông tin liên lạc, internet và thiết bị đầu cuối hiện đại. |
Thực hiện Văn bản số 2333/BTTTT-CĐSQG ngày 20/6/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (ICT) phát triển đô thị thông minh và Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) tại các địa phương.
UBND tỉnh Hà Tĩnh đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, căn cứ tình hình, yêu cầu thực tiễn của địa phương để tham mưu UBND tỉnh triển khai phát triển đồng bộ các nội dung về quy hoạch và quản lý đô thị thông minh theo Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam, giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030 (Đề án 950); báo cáo UBND tỉnh Hà Tĩnh trước ngày 31/12/2023.
Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp với Sở Xây dựng, các địa phương và các cơ quan liên quan chủ động rà soát các Đề án liên quan đến phát triển đô thị thông minh để kịp thời cập nhật, bổ sung các nội dung triển khai, bảo đảm bám sát 7 nhóm nhiệm vụ ưu tiên triển khai theo lộ trình tại Đề án 950 và phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của tỉnh.
Sau khi UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt các Đề án triển khai đô thị thông minh, trên cơ sở Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh phiên bản 1.0, nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh ban hành Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh của tỉnh, bảo đảm gắn kết, kế thừa các thành phần chức năng của Kiến trúc với Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Hà Tĩnh, phiên bản 2.0.
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, bảo vệ thông tin cá nhân và quyền riêng tư theo quy định của pháp luật phục vụ phát triển đô thị thông minh.
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, trình UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Bộ chỉ số đánh giá hiệu quả triển khai đô thị thông minh trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông tại Văn bản số 3098/BTTTT-KHCN ngày 13/9/2019 về việc công bố Bộ chỉ số đô thị thông minh Việt Nam giai đoạn đến năm 2025 (phiên bản 1.0); hoàn thành, báo cáo UBND tỉnh Hà Tĩnh trước ngày 20/11/2023. Định kỳ đo lường, đánh giá hiệu quả triển khai để kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Hướng dẫn các cơ quan báo chí thực hiện tốt công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về lợi ích mang lại của đô thị thông minh để người dân, doanh nghiệp cùng tham gia với chính quyền ngay từ khi bắt đầu triển khai đô thị thông minh.
Chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh Hà Tĩnh và các cơ quan liên quan đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch số 66/KH-UBND ngày 12/3/2021 của UBND tỉnh về triển khai Hệ thống giám sát và điều hành thông minh; phối hợp với Cục Chuyển đổi số quốc gia và các đơn vị liên quan tham mưu việc kết thúc triển khai thí điểm và đề xuất phương án triển khai Hệ thống giám sát và điều hành thông minh trong giai đoạn tiếp theo; hoàn thành và báo cáo UBND tỉnh trước ngày 10/8/2023.
Các Sở, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện tốt các nội dung về phát triển đô thị thông minh trong ngành, lĩnh vực, địa phương quản lý theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông tại Văn bản số 2333/BTTTT-CĐSQG ngày 20/6/2023 về việc triển khai ICT phát triển đô thị thông minh và trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) tại các địa phương.
Thực hiện tốt công tác tuyên truyền về phát triển đô thị thông minh trên Cổng thông tin điện tử của đơn vị, qua Trung tâm Văn hóa - Truyền thông cấp huyện và hệ thống truyền thanh cấp xã. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Xây dựng thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến việc phát triển đô thị thông minh trong phạm vi ngành, lĩnh vực, địa phương quản lý.
Ông Nguyễn Quốc Hà - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Trên tinh thần chỉ đạo của Bộ Xây dựng và Bộ Thông tin và Truyền thông, các giải pháp, nội dung cần đẩy mạnh trong giai đoạn sắp tới để thực hiện phát triển đô thị thông minh tại địa phương là tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo Đề án 950 về hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, định mức kinh tế kỹ thuật.
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về lĩnh vực đô thị thông minh; thúc đẩy đầu tư phát triển hạ tầng đô thị thông minh; phát triển và ứng dụng các tiện ích đô thị thông minh; đào tạo nhân lực, huy động nguồn lực trong và ngoài nước. Cần coi hạ tầng thông tin đô thị, hạ tầng số và đặc biệt là hạ tầng dữ liệu như một hạ tầng thiết yếu để đưa vào quy hoạch.
Tác giả: Uyên Uyên
Nguồn tin: Báo Xây Dựng